TIN NHANH

Tỷ lệ tốt nghiệp THPT cả nước tăng 30% sau 5 năm

Cập nhật: 01/12/2013

Sau 5 năm thực hiện “Hai không”, tỷ lệ tốt nghiệp THPT cả nước tăng đột biến từ 66% lên 96%. Năm ngoái, THPT dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang) – nơi diễn ra vụ quay clip ném phao – có tỷ lệ tốt nghiệp 98%.

Năm 2006, lộn xộn thi cử ở nhiều địa phương lên đến đỉnh điểm khi người dân bắc thang, trèo tường vào khu vực thi để cướp đề, tuồn đáp án vào cho thí sinh, quay cóp diễn ra công khai còn giám thị làm ngơ… Bức xúc trước sự việc, giám thị Đỗ Việt Khoa đã quay clip, tố cáo tiêu cực thi ở Hà Tây cũ.

Hơn 70 người liên quan đến vụ tiêu cực này bị kỷ luật, 23 thí sinh có bài thi giống nhau bị thi lại, thầy giáo Khoa được nhận bằng khen của Bộ GD&ĐT với thành tích “dũng cảm đứng ra tố cáo tiêu cực”, và trở thành nhân vật “Người đương thời” của Đài truyền hình Việt Nam.

Sau hiện tượng “Đỗ Việt Khoa”, tháng 7/2006, tân Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân phát động phong trào “Hai không” với cam kết của lãnh đạo Bộ và Giám đốc 64 tỉnh, thành phố. Cuộc vận động “nói không với tiêu cực thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” nhằm triệt tận gốc bệnh thành tích và tiêu cực thi cử tồn tại nhiều năm bởi “cái các em cần khi học xong THPT không phải là tấm bằng tốt nghiệp mà phải là năng lực làm người, năng lực để vào đời”.

Là người lên tiếng tố cáo tiêu cực thi nhưng sau đó chính thầy giáo Đỗ Việt Khoa lại bị cấm đi coi thi. Ảnh: Tiến Dũng.

Năm 2007, năm đầu tiên thực hiện “Hai không”, với sự góp sức của gần 6.000 thanh tra ủy quyền là giảng viên các trường ĐH, CĐ, kỷ cương trường thi đã được lập lại, số thí sinh vi phạm quy chế thi tăng 7-8 lần lên hơn 2.500 em. Lần đầu sau nhiều năm, tỷ lệ tốt nghiệp THPT trung bình từ 94% xuống 66%.

Ở nhiều địa phương, tỷ lệ tốt nghiệp cũng giảm mạnh, cả nước chỉ có Nam Định và TP HCM đỗ 90 và 95%, 12 tỉnh đỗ dưới 50%. Thậm chí, lần đầu tiên Tuyên Quang tụt từ 95% (2006) xuống còn 14% học sinh THPT đỗ tốt nghiệp; Bắc Kạn từ 91% xuống 20%; Nghệ An từ 96% xuống 44%; Hà Tây 99% xuống 57%; Bắc Giang 97% xuống 60%… Nhiều trường không có thí sinh nào đỗ tốt nghiệp.

Hơn 400.000 thí sinh trượt tốt nghiệp, buộc Bộ GD&ĐT phải tổ chức kỳ thi lần 2. Nhờ đó, tỷ lệ tốt nghiệp THPT trung bình của cả nước được nâng lên 80%, nhưng vẫn có hơn 230.000 thí sinh rớt. Lần đầu tiên, phát hiện gần 300 trường hợp thí sinh nhờ người thi hộ tốt nghiệp THPT.

Cũng trong năm đầu ra quân, lực lượng thanh tra ủy quyền của Bộ đã bắt quả tang một vụ giải đề và in sao đề thi tại Trung tâm GDTX Lương Tài (Bắc Ninh). Giám đốc trung tâm cùng hơn 10 người liên quan cũng bị xử lý từ cách chức tới cảnh cáo, chuyển công tác.

 

51% ý kiến độc giả VnExpress.net cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT nhiều tiêu cực.

Năm 2008, tỷ lệ tốt nghiệp của cả nước tăng thêm 9%, chỉ còn gần 250.000 thí sinh trượt, và số thí sinh bị đình chỉ bằng 1/3 năm trước (833 em). Sau kỳ thi vớt lần 2, vẫn có tới 150.000 em trượt.

Là tỉnh có tỷ lệ tốt nghiệp thấp nhất 2007, nhưng một năm sau, Tuyên Quang lại đỗ tới gần 88% (tăng 48%), Hà Giang đạt 82% (tăng 24%), Sơn La 73% (tăng 25%)… Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp GDTX của Tuyên Quang cũng tăng từ 1% lên 86%. Phó thủ tướng, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu rà soát lại kết quả thi ở những địa phương có vấn đề.

Năm 2009, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung bình là gần 84%. Bộ GD&ĐT không tổ chức kỳ thi “vớt” nên gần 230.000 thí sinh trượt tốt nghiệp. Nhiều địa phương vẫn có tỷ lệ tốt nghiệp cao đột biến.

Bước sang năm thứ tư thực hiện “Hai không”, tỷ lệ tốt nghiệp bình quân cả nước đã tăng lên 93% (gần bằng năm 2006). Tỷ lệ tốt nghiệp của nhiều tỉnh thay đổi đến chóng mặt: Tuyên Quang nhảy từ 40% lên 96%, Yên Bái từ 49% lên 99%, Nghệ An 68% lên 98%, Cao Bằng từ 47% lên 90%.

Trước những ý kiến trái chiều quanh kết quả tốt nghiệp 2010 cao đột biến, trong báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng, tỷ lệ tốt nghiệp 93% phản ánh thực tế là chất lượng học sinh đã được nâng lên, chứ không phải là đề thi dễ hơn các năm trước và kỳ thi được tổ chức nghiêm túc.

Một năm sau phát biểu của tân Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận, tỷ lệ thi tốt nghiệp THPT của cả nước lại tăng lên 96%. 54 trong số 63 tỉnh, thành phố đỗ tốt nghiệp trên 90%, và tỉnh đỗ thấp nhất là 82%. Yên Bái nhảy từ 49% (2007) lên 99%, Bắc Kạn từ 39% lên 89%… khiến dư luận đặt câu hỏi. Và sau đó chính Bộ trưởng Luận phải lên tiếng nhận trách nhiệm vì để xảy ra tình trạng nới lỏng chấm thi ở 11 tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long.

 

Cảnh quay bài từ đáp án photo do giáo viên ném vào phòng.

Tháng 11/2011, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về tỷ lệ tốt nghiệp cao bất thường, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định, kết quả thi tốt nghiệp năm 2011 về cơ bản là phù hợp với kết quả bài thi, quá trình dạy học nghiêm túc hơn những năm trước.

Tuy nhiên, nửa năm sau phát biểu của người đứng đầu ngành giáo dục, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT ngày 2-4/6, hai học sinh đã dùng bút camera ghi lại cảnh giám thị ném bài, lộn xộn phòng thi tại THPT Dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang). Ngay khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp được đánh giá là “nghiêm túc”, clip này được công bố.

Chủ tịch Hội đồng coi thi, hai giám thị và thanh tra tại THPT Đồi Ngô bị đình chỉ công tác. Học sinh quay clip được mời lên công an làm việc. Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho hay, Bộ đã cùng UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo Sở Giáo dục và các cơ quan chức năng xác minh để sớm có kết luận và xử lý nghiêm.

Tuy nhiên, ông Luận cho rằng: “Việc phát tán trên mạng nhiều clip như vậy làm cho công tác quản lý của các cơ quan chức năng gặp khó khăn, đồng thời ảnh hưởng không tốt tới nhận thức và suy nghĩ của người xem, nhất là các học sinh nhỏ tuổi”.

Năm 2006-2011, tỷ lệ tốt nghiệp ở Bắc Giang lần lượt là: 97,6% – 86% – 94% – 88% – 98% – 99,4%. Với tỷ lệ đỗ 99,4% của năm 2011, Bắc Giang là một trong 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tốt nghiệp cao nhất nước. Tỉnh này có 18 trường THPT và 11 Trung tâm GDTX đỗ 100%). Dù được Giám đốc Sở Nguyễn Đức Hiền đánh giá là có chất lượng thấp bởi điểm đầu vào kém nhưng THPT Dân lập Đồi Ngô vẫn tốt nghiệp xấp xỉ 98%.

Tiến Dũng

Tác giả