TIN NHANH

Tập đoàn Đức cung cấp thiết bị cho Xi măng Sông Lam

Cập nhật: 26/03/2015

Tập đoàn Công nghiệp Loesche GmbH (CHLB Đức) là đơn vị cung cấp thiết bị chính cho Dự án Nhà máy Xi măng Sông Lam (Nghệ An) do Tập đoàn Xi măng The Vissai làm chủ đầu tư.

Dự án Nhà máy Xi măng Sông Lam chính thức khởi công xây dựng từ đầu tháng 2/2015, đến thời điểm này, công tác đầu tư vẫn đang được chủ đầu tư và các nhà thầu đàm bảo về mặt tiến độ.

IMG_1

Để chuẩn bị cho công đoạn quan trọng là lắp đặt máy móc, thiết bị, , tại Nghệ An, Tập đoàn The Vissai đã ký kết hợp đồng xây dựng, lắp đặt, cung cấp thiết bị cho dự án nhà máy xi măng Sông Lam với các nhà thầu, đặc biệt là Tập đoàn Công nghiệp Loesche GmbH (CHLB Đức).

Cụ thể, Loesche GmbH đảm nhận cung cấp thiết bị cho Nhà máy, gồm: cung cấp hai máy nghiền liệu, mỗi máy có công suất 520tấn /giờ và hai máy nghiền clinker, mỗi máy có công suất 300tấn/giờ.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Klaus Numsen, Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn Công nghiệp Loesche GmbH cho biết, Việt Nam là thị trường quan trọng của Loesche, và riêng với Vissai, Loesche đã có “thâm niên” đồng hành trong gần 10 năm phát triển, đó là lý do Loesche và Vissai tiếp tục hợp tác trong gói thầu cung cấp thiết bị  lần này cho Dự án Xi măng Sông Lam.

“Với vai trò là nhà cung cấp thiết bị chính cho Dự án xi măng Sông Lam, với công suất giai đoạn 1 lên tới 4 triệu tấn, Tập đoàn Loesche cam kết cung cấp thiết bị có công nghệ tốt nhất, thể hiện ở tiêu chí: tiết kiệm năng lượng nhất, thân thiện môi trường, chất lượng cao, và quan trọng là đúng thời hạn cho Tập đoàn Vissai”, ông Klaus Numsen nhấn mạnh.

Cần phải nói thêm, Tập đoàn Công nghiệp Loesche có thâm niên hơn 100 năm sản xuất, thiết kế, chế tạo, lắp ráp toàn bộ cho từng máy móc đơn lẻ cho đến lắp đặt các trạm nghiền theo phương thức chìa khoá trao tay cho các ngành công nghiệp xi măng, điện, thép và đã thu được nhiều thành công từ các dự án trên khắp thế giới.

Loesche hiện nay cũng đã và đang thực hiện nhiều dự án/đơn hàng tại Việt Nam và được khách hàng đánh giá cao, chứ không riêng gì dự án của Tập đoàn Vissai. Những khách hàng lớn đang sử dụng thiết bị của Loesche gồm Xi măng Nghi Sơn, Phúc Sơn, Cẩm Phả, Bút Sơn, Xi măng Bình Phước…

Ngoài việc chọn các nhà cung cấp thiết bị uy tín, chất lượng, đảm bảo để sản phẩm của Dự án Xi măng Sông Lam ra thị trường có chất lượng cao, cạnh tranh tốt, khộng chỉ hệ thống thiết bị nghiền mà toàn bộ thiết bị liên quan đến Nhà máy đều được Tập đoàn Vissai đặt từ các nhà cung cấp tại các nước châu Âu như Haver & Boecker, Aumund, Siemens AG…

Tập đoàn Xi măng The Vissai, chủ đầu tư Dự án Nhà máy xi măng Sông Lam (trước đây là xi măng Đô Lương) khẳng định sẽ nỗ lực ở mức cao nhất để đưa Dự án vào vận hành, ra sản phẩm sau thời gian muộn nhất sau 22 tháng xây dựng.

“Nếu quá trình đầu tư diễn ra suôn sẻ, nhờ các yếu tố được đảm bảo như: các nhà tài trợ vốn giải ngân sớm, thiết bị nhập khẩu về không vướng mắc, địa phương tạo điều kiện tối đa để xử lý vướng mắc nảy sinh trong quá trình xây dựng, thì Dự án có thể hoàn thành xong sớm hơn , chỉ  khoảng 18 tháng”, ông Hoàng Mạnh Trường, Chủ tịch Tập đoàn Xi măng The Vissai chia sẻ.

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho rằng, với vai trò là nhà tài trợ tín dụng chính cho Dự án Xi măng Sông Lam, với khoản tín dụng  lên tới 6.300 tỷ đồng, BIDV cam kết sẽ ký kết hợp đồng tài trợ chính thức để giải ngân sớm để chủ đầu tư thuận lợi trong việc triển khai xây dựng dự án.

Bên cạnh BIDV, một nhà tài trợ vốn khác là Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng đồng ý cung cấp vốn để Vissai sớm hoàn thành Dự án.

Như vậy, tính đến thời điểm này, việc đầu tư cùng lúc 2 dây chuyền với tổng công suất 4 triệu sản phẩm/năm thuộc giai đoạn 1 của Dự án Xi măng Sông Lam, Tập đoàn Vissai đang là doanh nghiệp thực hiện đầu tư một Dự án có công suất lớn nhất trong ngành xi măng. Hơn thế, đã từng có kinh nghiệm trong việc xây dựng Nhà máy xi măng đầu tiên với công suất 1,2 triệu tấn chỉ trong vòng 11 tháng. Thêm vào đó là sự ủng hộ tài chính từ các Ngân hàng, UBND huyện Đô Lương, Tập đoàn Vissai có đủ tự tin để đưa Dự án hoàn thành và đưa vào vận hành trong thời gian sớm nhất.

Điều quan trọng nữa, không chỉ dồn vốn cho riêng Xi măng Sông Lam, Tập đoàn Vissai cũng đang chuẩn bị thủ tục để khởi công xây dựng Dự án Cảng biển nước sâu, có khả năng đón tàu trọng tải 55.000 tấn tại Khu Kinh tế Đông Nam thuộc xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc. Cảng biển này đáp ứng kịp thời cho việc xuất khẩu sản phẩm từ Nhà máy Xi măng Sông Lam của Tập đoàn khi được đưa vào vận hành.

Tác giả