Xuất khẩu xi măng nơi điều tiết cung cầu

Cập nhật: 01/04/2014

Ông Hoàng Mạnh Trường, Chủ tịch Tập đoàn Xi măng Vissai khẳng định: Tất cả các hợp đồng xuất khẩu xi măng của Vissai đều từ 54 USD/tấn trở lên, có hợp đồng lên tới 60 USD/tấn, tùy từng vùng miền, các nước khác nhau trên thế giới.

IMG_2635

Giá xuất khẩu cao hơn một số nước

Theo ông Lương Quang Khải, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vicem, thông tin cho rằng giá xuất khẩu xi măng của Việt Nam hiện bình quân là 37-40 USD/tấn, bằng hơn nửa giá thế giới, thực chất đó là giá bán clanke. Thái Lan bán clinker với giá 40 USD/tấn, chúng ta xuất clinker với giá 38-39 USD/tấn (tương đương 800.000đ), giá xi măng xuất khẩu đều 55 USD/tấn trở lên (khoảng 1,1 – 1,2 triệu đồng, tùy theo tỷ giá).

Ông Hoàng Mạnh Trường, Chủ tịch Tập đoàn Xi măng Vissai khẳng định: Tất cả các hợp đồng xuất khẩu xi măng của Vissai đều từ 54 USD/tấn trở lên, có hợp đồng lên tới 60 USD/tấn, tùy từng vùng miền, các nước khác nhau trên thế giới.

Trong khi giá bán xi măng PCB 40 tại cửa nhà máy là 980.000đ/tấn (đã bao gồm thuế VAT). Hiện giá xi măng nước ta thấp nhất trong khu vực, như Indonesia, giá xi măng đến tay người tiêu dùng là 140 – 160 USD/ tấn, Lào là 200 USD/ tấn, Campuchia 140 USD/ tấn, còn ở Việt Nam, miền Bắc chỉ từ 900.000 đồng – 1,1 triệu đồng, miền Nam 1,3 – 1,4 triệu đồng/tấn tùy thương hiệu.

Trả lời cho băn khoăn liệu giá xuất khẩu xi măng của Việt Nam có thấp hơn giá bán trong nước và giá xuất khẩu xi măng của nhiều nước trên thế giới? Chủ tịch Hội đồng thành viên Vicem khẳng định: Nếu nói giá xi măng xuất khẩu thấp hơn giá bán trong nước là sai, bởi giá bán tại cửa nhà máy là như nhau.

Giá xuất khẩu là giá bán buôn còn trong nước là giá bán lẻ. Giá bán lẻ trong nước phải cộng thêm phí vận chuyển, cộng thêm chiết khấu, khuyến mại cho hệ thống bán hàng, cộng thêm trả chậm… thì giá đến tay người tiêu dùng mới là 1,3 – 1,4 triệu đồng/tấn. Chúng tôi bán xi măng cho xây dựng đường giao thông nông thôn và cho trả chậm, thực ra còn thấp hơn so với giá xuất khẩu.

“Hiện giá xuất khẩu xi măng của Việt Nam cao hơn so với Trung Quốc, ngang bằng với Thái Lan, thậm chí một số nơi chúng tôi đang xuất với mức giá rất tốt, cao hơn cả Hàn Quốc. Chúng tôi đang hướng tới những sản phẩm phù hợp để đạt được mức giá kỳ vọng như Nhật Bản”, Chủ tịch Tập đoàn Xi măng Vissai Hoàng Mạnh Trường cho biết thêm.

Theo các nhà sản xuất xi măng, giá clinker của Việt Nam thấp hơn Thái Lan 1-2 USD/tấn là chuyện bình thường vì Thái Lan, Hàn Quốc… tham gia vào thị trường xuất khẩu, mạng lưới buôn bán từ lâu, chúng ta mới tham gia xuất khẩu 1-2 năm nay.

Giá xuất clinker của ta thực chất đã có lãi, bù được chi phí sản xuất, chi phí cố định, chi phí lãi vay, nói chung các chi phí là có lợi. Trước giá clanke trong nước là 630.000 – 650.000 đ/tấn, khi xuất khẩu mới đẩy giá trong nước lên được 730.000 – 740.000đ/tấn.

Bán rẻ tài nguyên?

Ông Hoàng Mạnh Trường, Chủ tịch Tập đoàn Xi măng Vissai phân tích: Đầu vào nguyên liệu đá cho 1 tấn xi măng chỉ bằng khoảng 5% giá thành, chi phí năng lượng/1 tấn xi măng chiếm 55-60% giá thành và hiện nay giá điện, than của Việt Nam ngang với giá thế giới nên không thể nói xuất khẩu xi măng là đất nước mất tài nguyên, tốn điện, than…

Nếu nói xuất khẩu xi măng là bán rẻ tài nguyên của đất nước thì tại sao nghèo tài nguyên như Nhật Bản hàng năm vẫn xuất khẩu trên 10 triệu tấn xi măng từ 30 năm nay cho tất cả thị trường cao cấp, Hàn Quốc, Thái Lan và nhiều nước khác… đều xuất khẩu xi măng từ lâu?

Nếu quan niệm như vậy thì trước 2010 chúng ta phải nhập khẩu xi măng, ai sẽ bán và chúng ta lấy đâu ra xi măng để xây dựng?

Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho rằng: Thế giới ngày nay là thế giới mở. Chúng ta sản xuất phải tiết kiệm tài nguyên nhưng cũng phải thấy rằng, đồ thị tiêu thụ xi măng ở các nước phát triển đi trước chúng ta ban đầu là đi lên, sau đó đi bằng và cuối cùng là đi xuống. Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Trong VLXD nói chung và xi măng nói riêng đang có xu hướng sử dụng phế thải xây dựng từ tháo dỡ nhà cửa để tái sản xuất xi măng. Thế giới đang chuyển động, Việt Nam đi chậm hơn nhưng chúng ta cũng phải bắt kịp xu thế này.

Cần lộ trình, xuất khẩu chọn lọc

Theo TS Nguyễn Quang Cung, với lợi thế 3/4 diện tích là đồi núi, phần lớn là núi đá vôi, dây chuyền công nghệ tiên tiến thế giới, đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản, đường bờ biển dài với nhiều cảng biển, Việt Nam là một trong những nước có lợi thế phát triển xi măng.

IMG_0503

Tuy nhiên, ông Cung cũng khuyến cáo: Chúng ta không xuất khẩu bằng mọi giá, phải có chọn lọc và lộ trình. Một quốc gia muốn phát triển phải đẩy mạnh xuất khẩu nhằm thu ngoại tệ, ổn định cung cầu, đó cũng là động lực để thay đổi sản xuất bên trong, thúc đẩy sản xuất phát triển.

Nhìn nhận một cách khách quan, mong muốn của các nhà sản xuất xi măng là bán trong nước, vừa kiểm soát tốt dòng tiền, vừa chủ động được thị trường, bởi xi măng là sản phẩm nặng, chở đi càng xa thì chi phí lớn. Giá xi măng trên thế giới cũng bình quân. Nhưng vẫn phải tính đến xuất khẩu bởi đó là nơi điều tiết cung cầu.

Với tư cách là một nhà quản lý doanh nghiệp xi măng hàng đầu Việt Nam, theo ông Khải, ở nước ta, tiêu thụ xi măng có mùa vụ, nhà máy không thể dừng lò (nếu dừng lò hàng nghìn lao động phải nghỉ việc, đốt lại lò rất tốn kém, thiệt hại 15-20 tỷ đồng/lần dừng lò).. xuất khẩu là kênh doanh nghiệp quan tâm. Vấn đề là chúng ta phải làm xuất khẩu tốt hơn, có tổ chức, bài bản hơn.

Thực tế xuất khẩu xi măng không dễ vì nhiều nước tham gia, nước ta mới xuất khẩu được 2-3 năm nay, cạnh tranh thương trường, đặc biệt cạnh tranh về giá rất khốc liệt, muốn xuất khẩu được sản phẩm phải ổn định, chất lượng cao, có thương hiệu và chiếm được niềm tin người tiêu dùng….

Ông Cung thừa nhận: Tình trạng “dẫm chân”, “dìm giá”, phải bán qua môi giới trong xuất khẩu xi măng là có thực. Đó không chỉ là câu chuyện của ngành xi măng mà diễn ra ở tất cả các ngành hàng.

Để xuất khẩu xi măng có tổ chức, bài bản, lộ trình, theo ông Cung cần có “bàn tay” nhà nước, sự vào cuộc của Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Hiệp hội Xi măng, đơn vị quản lý thị trường…

Đồng thời đưa ra chiến lược, hoạch định vùng nào, nhà máy nào sản xuất xi măng để xuất khẩu, nhà máy nào sản xuất phục vụ tiêu dùng trong nước.

Còn Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng Lê Văn Tới (Bộ Xây dựng) cho rằng: Để khắc phục mặt yếu trong xuất khẩu xi măng, ngoài xây dựng cảng chuyên dùng để bốc xếp sản phẩm xi măng đảm bảo tiêu chuẩn cho tàu 3 vạn tấn, các doanh nghiệp xuất khẩu cần có sự kết hợp tốt, nâng cao tính chuyên nghiệp.

Bộ Xây dựng đã cùng Hiệp hội Xi măng cung cấp thông tin, tuyên truyền vận động các doanh nghiệp nhưng Bộ không thể can thiệp vào định giá bán, hay điều hành trực tiếp việc bán hàng một cách phi thị trường khi chúng ta đã gia nhập WTO, tham gia AFTA….

Vũ Huyền

 

Tác giả