Ninh Bình: sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, Nghị quyết số 12-NQ/TU

Cập nhật: 11/12/2013

Sáng 8/8, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ chính trị (khóa X) về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước” và Nghị quyết số 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIX) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động quần chúng ở cơ sở trong tình hình hiện nay”.

Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Quốc Trị, TVTU, Phó chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Hồng Quang, TVTU, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh cùng các đồng chí đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương; Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, các Ban xây dựng đảng và các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị – xã hội của tỉnh.

Sau khi nghe dự thảo báo cáo thực hiện Nghị quyết 11 – NQ/TW, Nghị quyết số 12- NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIX). Các đại biểu đã phát biểu làm rõ những kết quả đạt được, những mặt còn hạn chế, đề xuất các giải pháp thực hiện.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao kết quả trong việc triển khai Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị (khóa X) về “công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Nghị quyết số 12 – NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIX) về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động quần chúng ở cơ sở trong tình hình hiện nay”.
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các Nghị quyết trong thời gian tới, đồng chí đề nghị cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của cấp uỷ Đảng đối với công tác phụ nữ. Quan tâm đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bố trí, sắp xếp, thực hiện chính sách đối với cán bộ nữ, đảm bảo quyền bình đẳng của phụ nữ và tỷ lệ nữ thích hợp theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, nhất là trong những dịp chuẩn bị nhân sự cấp ủy, chính quyền, đoàn thể khóa mới. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, phương pháp công tác để phụ nữ tự tin đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo, quản lý và tham gia công tác Hội.
Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp cần chủ động, tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở; tăng cường nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của phụ nữ.
Đẩy mạnh phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và 6 nhiệm vụ trọng tâm của Hội.
Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, các ngành, các cấp về công tác vận động quần chúng, coi công tác dân vận là một trong những hoạt động chủ yếu của các tổ chức đảng, của mỗi cán bộ, đảng viên.
Các cấp chính quyền cần phối hợp chặt chẽ với MTTQ các đoàn thể trong việc triển khai công tác vận động quần chúng gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo quốc phòng an ninh không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Tăng cường công tác lãnh đạo của các cấp ủy Ðảng đối với hoạt động của các đoàn thể chính trị – xã hội; quan tâm chỉ đạo phát triển đoàn viên, hội viên, thành lập các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội; chăm lo công tác bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên, hội viên ưu tú để phát triển đảng viên, nhất là doanh nghiệp ngoài quốc doanh và đảng viên khu vực nông thôn.
Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể kịp thời nắm bắt diễn biến tư tưởng của quần chúng, chủ động, tích cực tham mưu đề xuất với cấp ủy Ðảng, chính quyền giải quyết những vấn đề liên quan đến quần chúng ở cơ sở đưa công tác vận động quần chúng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Quốc Khang
Tác giả