Sự cố hạt nhân ở Fukushima: Không ảnh hưởng đến Việt Nam

Cập nhật: 07/12/2013

KTĐT – Ngày 16/3, Bộ Khoa học & Công nghệ đã tổ chức họp báo về sự cố hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi (còn gọi là Fukushima I), Nhật Bản do hậu quả của trận động đất và sóng thần ngày 11/3 với sự chủ trì của Thứ trưởng Lê Đình Tiến. Có mặt tại cuộc họp báo, các chuyên gia cho biết, sự cố này không ảnh hưởng đến Việt Nam.
Ngay sau khi xảy ra sự cố tại nhà máy điện Fukushima I, Bộ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Văn Phong đã thành lập tổ công tác của Bộ bao gồm các nhà quản lý và các chuyên gia để thường xuyên theo dõi diễn biến sự cố, trực tiếp trao đổi với đại diện Công ty phát triển điện hạt nhân quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam, các chuyên gia quốc tế và trong nước để kịp thời nắm bắt, xử lý thông tin, đảm bảo cung cấp thông tin kịp thời và chính xác về sự cố nhà máy điện Fukushima I.

Theo đánh giá của NISA, cho đến nay sự cố hạt nhân tại nhà máy điện Fukushima I ở mức 4 (tai nạn với hậu quả cục bộ) theo thang sự cố quốc tế INES; cao nhất là mức 7 (thảm họa Chernobyl ở Liên Xô cũ, năm 1986, được đánh giá ở mức 7). Có thể thấy rằng, thiết kế của toà nhà lò phản ứng của Nhật Bản tương đối tốt, chịu được động đất lớn đến 9 độ và sóng thần.

Về những tin đồn về mây phóng xạ và mưa axit xảy ra ở Việt Nam, PGS-TS Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (Viện NLNTVN) cho biết: “Chúng tôi đang theo dõi thông tin từ thế giới cũng như theo dõi sự thay đổi trong môi trường. Nếu có phóng xạ thì sẽ kịp thời cảnh báo đến người dân. Tuy nhiên, bụi phóng xạ từ Nhật Bản khó có thể thổi tới Việt Nam”.

Theo ông Tấn, Viện NLNTVN đã yêu cầu Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt và Viện Khoa học & Kỹ thuật Hạt nhân Hà Nội tổ chức tốt việc quan trắc phóng xạ môi trường tại 2 trạm quốc gia do 2 đơn vị này quản lý. Đến nay không có bất kỳ sự bất thường nào về phóng xạ tại 2 trạm này. Do mức độ của sự cố chỉ ở mức 4, nên ảnh hưởng chủ yếu là ở khu vực lân cận xung quanh nhà máy Fukushima I.

Nguồn Kinh tế Đô thị

Tác giả