Thường trực Tỉnh ủy nghe báo cáo về công tác thu hút đầu tư

Cập nhật: 11/12/2013

Ngày 5-6, Thường trực Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị nghe UBND tỉnh báo cáo công tác thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Đồng chí Bùi Văn Nam, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì. Cùng dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Giám đốc các sở: Kế hoạch – Đầu tư, Y tế, Khoa học – Công nghệ, Xây dựng, Nông nghiệp & PTNT, Công thương, Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Ban quản lý các khu công nghiệp.

 

Thay mặt UBND tỉnh, đồng chí Đinh Quốc Trị, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh báo cáo về tình hình thu hút đầu tư của tỉnh thời gian qua và định hướng trong thời gian tới. Tính đến nay toàn tỉnh đã chấp nhận đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 451 dự án với tổng nguồn vốn đăng ký đạt 82.180 tỷ đồng, trong đó UBND tỉnh cấp 257 dự án, vốn đăng ký 40.243,4 tỷ đồng; Ban quản lý các khu công nghiệp cấp 70 dự án, vốn đăng ký 41.483,4 tỷ đồng; UBND các huyện, thành phố, thị xã cấp 124 dự án, vốn đăng ký 453,2 tỷ đồng. Các dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, giải trí, văn hóa có 101 dự án; công nghiệp thương mại có 308 dự án; nông nghiệp 42 dự án. Số dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài 27 dự án với 11 quốc gia có dự án đầu tư. Trong tổng số 451 dự án có 293 dự án đã đi vào sản xuất, hoặc một phần đi vào sản xuất với tổng mức vốn đầu tư 37.846 tỷ đồng; 54 dự án đang xây dựng, vốn đăng ký 23.726 tỷ đồng; 50 dự án chậm tiến độ, vốn đăng ký 14.807 tỷ đồng và 54 dự án đã thu hồi, vốn đăng ký 5.801 tỷ đồng.
Như vậy giai đoạn 2006-2011 Ninh Bình đã thu hút được nhiều nhà đầu tư năng lực, có quy mô lớn, có tính khả thi cao… góp phần quan trọng vào việc đưa tỉnh nhà từ tỉnh thuần nông lên tỉnh có công nghiệp và du lịch phát triển. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đầu tư chưa tập trung; một số dự án thực hiện không đúng nội dung, chậm tiến độ, sử dụng tài nguyên kém hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường, thu nhập của người lao động không phù hợp, huy động vốn khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp không cao…
Về chỉ số cạnh tranh (PCI), năm 2011 Ninh Bình đứng thứ 21 so với toàn quốc (tụt 10 bậc so với năm trước) và đứng thứ 4 so với các tỉnh đồng bằng sông Hồng (tụt 1 bậc so với năm trước). Thu hút đầu tư vào tỉnh có xu hướng chậm lại và giảm sút.
Hội nghị cũng đã dành nhiều thời gian cho các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, giám đốc các sở, ngành tham gia ý kiến và đi sâu vào những tồn tại, bất cập, các lĩnh vực cần thu hút đầu tư và giải pháp nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, đồng chí Bùi Văn Nam, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nêu rõ: UBND tỉnh đã chuẩn bị báo cáo khá kỹ, đánh giá khách quan kết quả thu hút đầu tư vào tỉnh trong thời gian qua. Báo cáo cũng nêu rõ những hạn chế và tồn tại trong việc thu hút đầu tư. Thời gian tới, việc thu hút đầu tư cần chú ý đến các dự án có hiệu quả, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Xác định rõ lĩnh vực, dự án ưu tiên, trọng điểm cần đầu tư ở từng lĩnh vực để mời gọi, giới thiệu với các doanh nghiệp ở trong và ngoài nước đầu tư vào. Tìm nhiều hình thức đầu tư, huy động được nhiều nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của các loại hình doanh nghiệp ở trong và ngoài nước. Nâng cao chất lượng công tác thẩm định đầu tư và hậu kiểm sau đầu tư.
Các ngành, địa phương mạnh dạn nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách với tỉnh. Bổ sung, công khai quy hoạch mang tính dài hạn. Có biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính. Nâng cao vai trò của các tổ chức, trung tâm tư vấn xúc tiến thương mại, đầu tư, gắn với công tác cán bộ. Tổ chức hội nghị cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong thời gian tới.
Đinh Chúc
Tác giả