TIN NHANH

Dấu ấn nhà máy Xi măng Sông Lam

Cập nhật: 21/12/2016

Với nhiều hạng mục công trình được thi công thần tốc trong vòng 15 tháng đã cho ra lò những sản phẩm đầu tiên đạt chất lượng quốc tế, đó là nhà máy Xi măng Sông Lam thuộc Tập đoàn Xi măng The Vissai. Sớm đi vào hoạt động, nhà máy đã tạo nên dấu ấn mới, đồng hành cùng sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Nghệ An.


Công trình nhà máy Xi măng Sông Lam.
Những ngày cuối tháng 11/2016, nhà máy Xi măng Sông Lam hoàn tất công tác đốt lò 2 dây chuyền sản xuất clinker, chính thức bước vào giai đoạn sản xuất sau 15 tháng thi công. Đặc biệt, những tấn sản phẩm clinker đầu tiên của nhà máy đã được ra lò.

Ông Đinh Quốc Quyền, Tổng Giám đốc Công ty CP xi măng Sông Lam phấn khởi chia sẻ, trong những ngày đầu tháng 12/2016, đã có trên 50.000 tấn clinker của nhà máy Xi măng Sông Lam sản xuất tại xã Bài Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) xuất ra thị trường.

Sự kiện vui cuối năm này mở ra những tín hiệu mới cho những năm tiếp theo, đồng thời cho thấy sự quyết tâm của cả Tập đoàn Xi măng The Vissai trong việc sớm đưa nhà máy mới vào hoạt động, vừa nâng khả năng sản xuất, cung ứng nguồn hàng clinker và xi măng của Tập đoàn, vừa góp phần phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Lễ khởi công xây dựng nhà máy Xi măng Sông Lam từ tháng 2/2015, Tập đoàn Xi măng The Vissai đã tập trung huy động nguồn lực, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công. Để huy động nguồn vốn và nhập khẩu thiết bị phục vụ xây dựng nhà máy, bên cạnh các đơn vị tín dụng trong nước, Tập đoàn Xi măng The Vissai còn ký kết với các đối tác Cộng hòa Liên bang Đức, Nhật Bản… qua đó, đảm bảo nguồn tài chính kịp thời và hơn 50.000 tấn thiết bị của nhà máy nhập khẩu đúng thời hạn. Chính vì vậy, từ khi nhận mặt bằng là một vùng đất trống, từ tháng 7/2015 công tác xây dựng, lắp đặt bắt đầu được triển khai, đến khi nhà máy đi vào hoạt động chỉ 15 tháng thi công.

Trong cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh vào giữa tháng 11/2016, ông Hoàng Mạnh Trường, Chủ tịch Tập đoàn Xi măng The Vissai khẳng định, việc sớm đưa nhà máy vào hoạt động sẽ nhanh chóng thu hồi vốn để quay vòng tái đầu tư. Bởi vậy, tập đoàn đã huy động gần 13.000 tỷ đồng để xây dựng nhà máy xi măng ở xã Bài Sơn (Đô Lương), công suất 4 triệu tấn/năm; đồng thời đầu tư xây trạm nghiền xi măng và cảng quốc tế tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc để tàu trọng tải 70 ngàn tấn vào bốc xếp hàng hóa clinker, xi măng xuất khẩu trong năm 2017…


Giám sát sản xuất Clinker tại phòng điều hành trung tâm nhà máy Xi măng Sông Lam.
Dự án nhà máy Xi măng Sông Lam là một trong những dự án công nghiệp trọng điểm của cả nước và tỉnh Nghệ An. Việc sớm đưa vào hoạt động sẽ phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tạo bước đột phá cho ngành công nghiệp vật liệu xây dựng của địa phương. Đây là một trong những công trình góp phần quan trọng cùng tỉnh Nghệ An thực hiện thành công Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, xây dựng Nghệ An thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của vùng Bắc Trung bộ.

Thời điểm Tập đoàn Xi măng The Vissai vào đầu tư, đồng chí Hồ Đức Phớc, Bí thư Tỉnh ủy lúc ấy, nay là Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam nhấn mạnh, với việc đầu tư của Tập đoàn và khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ có sức lan tỏa rất lớn để đưa kinh tế Nghệ An phát triển hơn nữa.  Nhà máy Xi măng Sông Lam của Tập đoàn Xi măng The Vissai sẽ góp phần kết nối vùng giữa 2 huyện Đô Lương và Nghi Lộc với các địa phương lân cận rất lớn, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Nghệ An.

Sự lan tỏa của công trình còn thể hiện thông qua giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động, trong đó ưu tiên tuyển dụng lao động trên địa bàn Nghệ An và giải quyết việc làm, thu nhập cho hàng nghìn người tham gia các dịch vụ vệ tinh. Đi vào hoạt động, nhà máy sẽ cho ra sản phẩm là các loại xi măng chất lượng cao, phục vụ các công trình biển đảo, các chương trình mục tiêu Quốc gia, chống biến đổi khí hậu và xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Bởi tầm quan trọng đó, quá trình thực hiện công trình, các cấp ngành, địa phương liên quan của tỉnh Nghệ An đã tích cực đồng hành với Tập đoàn Xi măng The Vissai trong công tác giải phóng mặt bằng, cung cấp quỹ đất sạch để thi công; phối hợp làm tốt công tác bảo vệ an ninh trật tự trong xây dựng, vận hành dự án; đồng thời, cả hệ thống chính trị ở Nghệ An vào cuộc để đẩy nhanh các cung đường D4, N5 phục vụ vận chuyển nguyên liệu và sản phẩm cho nhà máy Xi măng Sông Lam.

Theo kế hoạch, trong năm 2017, khi cụm công trình nhà máy Xi măng Sông Lam, Trạm nghiền và Cảng Nghi Thiết hoạt động ổn định, tập đoàn sẽ bắt tay ngay vào đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng nữa xây dựng, lắp đặt giai đoạn 2 với 2 dây chuyền sản xuất thứ 3 và thứ 4, đưa tổng công suất nhà máy Xi măng Sông Lam lên 24.000 tấn clinker/ngày. Cùng đó, Tập đoàn tăng cường các hoạt động kết nối với các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong công tác an sinh xã hội để đồng hành cùng phát triển bền vững, đó là khẳng định của ông Hoàng Mạnh Trường, Chủ tịch Tập đoàn Xi măng The Vissai Ninh Bình.

Quỳnh Trang.
Tác giả