Mỹ công bố chiến lược quốc phòng mới, châu Á là điểm nhấn

Cập nhật: 07/12/2013

Tổng thống Barack Obama ngày 5/1 đã công bố chiến lược quốc phòng mới của Mỹ, trong đó nhấn mạnh tăng cường sự hiện diện quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương bất chấp ngân sách quốc phòng bị cắt giảm nhiều tỷ USD.

Cùng xuất diện với Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta và Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân – Tướng Martin Dempsey, người đứng đầu Nhà Trắng công bố chiến lược rất được chú ý này trong bối cảnh nước Mỹ đang ở giai đoạn mà ông gọi là “thời điểm chuyển tiếp” sau một thập niên chiến tranh.

 

 

Chiến lược này phải xác định lại các ưu tiên quốc phòng sao cho phù hợp với thực tế là khoảng 450 tỷ USD ngân sách sẽ bị cắt giảm trong 10 năm tới đây.

Trong chiến lược mới, Bộ Quốc phòng Mỹ phác họa một số ưu tiên quốc phòng gồm: Tiếp tục có đường lối tích cực chống lại những đe dọa của các phần tử cực đoan và khủng bố; duy trì hiện diện tối thiểu về quân sự của Mỹ và đồng minh, và hỗ trợ cho những đối tác tại và xung quanh Trung Đông.

Chiến lược nhấn mạnh phát triển đường lối hiện diện nhỏ, ít tốt kém và sáng tạo để thực hiện những mục tiêu an ninh; thực hiện những cuộc hành quân chống phổ biến vũ khí giết người hàng loạt; và đặc biệt nhấn mạnh tái cân bằng lực lượng ở vùng châu Á-Thái Bình Dương.

Kế hoạch này thay đổi chút ít từ chiến lược kéo dài nhiều thập niên của Lầu Năm Góc là chuẩn bị cho hai cuộc chiến tranh vùng cùng một lúc. Tuy nhiên Bộ trưởng Panetta nói Mỹ vẫn duy trì khả năng đối đầu với nhiều kẻ thù.

Tổng thống Obama cho biết quân đội sẽ ít hơn nhưng ông nói thêm thế giới cần phải biết rõ Mỹ vẫn giữ ưu thế về quân sự. Ông nói Mỹ đang tiến tới từ “một vị thế vững mạnh,” tiếp theo cuộc chiến tại Iraq và giữa việc chuyển tiếp không tham dự các trận chiến tại Afghanistan.

Về phía mình, Bộ trưởng Panetta nói quân số sẽ được cắt giảm nhưng con số chính xác sẽ được tiết lộ khi ngân sách được loan báo. Ông cũng thảo luận về sự cần thiết duyệt lại hưu bổng quân đội và chi tiêu bảo hiểm sức khoẻ cho binh sĩ và gia đình, nhưng quả quyết là những phúc lợi căn bản sẽ được bảo vệ.

Tổng thống Mỹ nói chiến lược mới gồm việc chú trọng đến châu Á và Trung Đông. Bộ trưởng Panetta thì khẳng định vị thế của Mỹ tại châu Âu phải được tiến hóa và thích ứng.

Còn nhiều vấn đề?
Chiến lược quốc phòng mới là một kế hoạch chấm dứt chiến lược trước đây của Mỹ là duy trì một lực lượng quân sự có thể tham gia hai cuộc chiến tranh cùng lúc.

Báo chí Mỹ ngày 4/1 đưa tin Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ triển khai chiến lược chiến đấu và thắng một cuộc chiến tranh, trong lúc vẫn có khả năng ngăn chặn hay làm thất bại những hành động gây hấn tại nơi khác.

Bộ Quốc phòng Mỹ đang phải đương đầu với biện pháp cắt ngân sách tới 450 tỉ USD, tương đương với 8% toàn bộ ngân sách, trong thập niên tới.

Tuy nhiên, những biện pháp cắt giảm phụ trội, tổng cộng vượt quá 500 tỉ USD, có thể diễn ra, giữa lúc Tổng Thống Obama và Quốc hội Mỹ đang tìm các phương cách để giảm mức thâm hụt trong ngân sách quốc gia.

Ngân sách Lầu Năm Góc trong năm nay vào khoảng 530 tỉ USD.

Do nguồn lực bị cắt giảm, Bộ quốc phòng nói sẽ không còn lớn mạnh đủ để thi hành những cuộc hành quân ổn định lớn và kéo dài tại những quốc gia gặp xáo trộn.

Ngày 5/1, ông Panetta chưa đưa ra những con số cắt giảm cụ thể, nhưng những “lĩnh vực” bị cắt giảm được dự báo sẽ gồm giảm quân số, giảm nhân viên dân sự và hoãn một số chương trình mua sắm vũ khí, trong đó có một tàu sân bay.

Trước khi chiến lược mới được công bố, một viên chức cao cấp trong chính quyền Mỹ đã tiết lộ với hãng tin MỹBloomberg rằng chiến lược quân sự mới sẽ được triển khai theo hướng phối hợp nguồn lực của các binh chủng hải, lục, không quân và thủy quân lục chiến. Mục tiêu nhắm tới là phá vỡ mọi mưu toan của các nước “muốn ngăn cản không cho Mỹ tiến vào Biển Đông, vùng Vịnh Péc-xích, hoặc những khu vực chiến lược khác”.

Nhưng cựu quan chức Bộ quốc phòng Frank Gaffney cho rằng chiến lược mới có rất nhiều vấn đề. Ông nói cả sách lược lẫn ngân sách mới có thể khiến cho Mỹ không có khả năng đối phó cùng lúc với nhiều cuộc tranh chấp xảy ra đồng thời, kể cả tranh chấp với Trung Quốc và với Iran.

Hồi tháng 11/2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tái xác định sự chuyển dịch trọng tâm chiến lược của Mỹ trở lại vùng châu Á – Thái Bình Dương, với việc loan báo nhiều bước mở rộng hợp tác thương mại và quân sự với những quốc gia trong vùng, trong đó có nhiều nước cùng chia sẻ mối quan ngại của Mỹ về các đòi hỏi của Trung Quốc tại Biển Đông.

Khi đó, dư luận băn khoăn là chiến lược mới của Mỹ sẽ ra sao tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, và cụ thể là Biển Đông, vào lúc ngân sách quốc phòng bị cắt giảm?

Hà Khoa
Tác giả