Xi măng mác thấp MC25; Sự thụt lùi hay tình thế bắt buộc của ngành xi măng

Cập nhật: 07/12/2013

Vừa qua trên thị trường xây dựng Việt Nam xuất hiện dòng sản phẩm xi măng MC25. Đây được hiểu là loại xi măng có tỷ lệ thành phần clanhke thấp hơn những chủng loại xi măng đang có mặt trên thị trường như PC30, PC40 và PC50. 

Thông thường, sự xuất hiện của một dòng sản phẩm mới sẽ có nhiều phản ứng khác nhau trên thị trường và xi măng MC25 không ngoại lệ. Theo giới thiệu của những nhà sản xuất MC25 thì loại xi măng này chuyên dụng để xây trát vì có những đặc tính như tăng độ dẻo cho vữa, giữ nước tốt hơn, chống thấm tốt, thời gian đông kết hợp lý… Dòng sản phẩm này được sử dụng rất phổ biến ở các nước công nghiệp phát triển như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu… Điều làm người tiêu dùng quan tâm là tính kinh tế khi sử dụng MC25. Theo giới thiệu thì 1 khối vữa dùng MC25 sẽ giảm khoảng 30% chi phí so với dùng những loại xi măng thông thường hiện nay.

 

Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến MC25 chính là xi măng mác thấp mà trong đó clinker chỉ chiếm cao nhất khoảng 60%, còn lại là chất phụ gia. Trong khi đó những dòng xi măng thông dụng hiện nay clinker chiếm tới 80 – 90% và trên thế giới đang hướng tới giảm tỷ lệ phụ gia trong xi măng nhằm tăng độ kết dính.

Câu chuyện về sự ra đời của loại xi măng MC25 được xem như một bước đi hợp lí của nhiều doanh nghiệp trong ngành xi măng trong thời điểm này. Mục tiêu Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) đặt ra trong năm 2011 với lợi nhuận trước thuế là 1.251 tỷ đồng. Tuy nhiên đến hết tháng 9/2011 VICEM mới sản xuất hơn gần 11 triệu tấn clinker, trên 12,3 triệu tấn xi măng, đạt doanh thu gần 20.500 tỷ đồng, nộp ngân sách 730 tỷ đồng… Tính ra 9 tháng đầu năm 2011 VICEM đã lỗ 7,8 tỷ đồng nên khả năng đạt mục tiêu kế hoạch về lợi nhuận trong cả năm 2011 là khó đạt được.

Bên cạnh đó ngành xi măng lại đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng thừa. Hiện cả nước có khoảng trên 100 nhà máy xi măng với công suất hoạt động trên 60 triệu tấn/ năm, trong khi đó nhu cầu của thị trường trong nước chỉ đạt trên 50 triệu tấn/năm. Do khủng hoảng thừa, đến thời điểm này VICEM đang tồn kho hơn 1,4 triệu tấn xi măng và clinker. Trước tình hình đó các Công ty xi măng phải tìm đến phương án đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên đến hết tháng 8/2011 cả nước chỉ mới xuất khẩu được 156.39 triệu USD từ xi măng, đạt 46,2% kế hoạch. Như vậy khả năng xuất khẩu cao để giảm hàng tồn trong kho của ngành xi măng trong năm 2010 là khó đạt được.

Đi đầu trong xuất khẩu xi măng là Tập đoàn xi măng Vissai, ông Nguyễn Vũ Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn xi măng Vissai cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2011 Vissai đã xuất khẩu 1.2 triệu tấn clinker sang Bangladesh. Từ tháng 9/2010 đến 8/2011, The Vissai xuất khẩu 100.000 tấn sản phẩm mỗi tháng cho đối tác là Công ty Peakward Enterprises (Hồng Kông). Thời gian thực hiện hợp đồng xuất khẩu này sắp hoàn tất, The Vissai đang đàm phán với Peakward Enterprises để tiếp tục đưa sản phẩm sang thị trường này.

Ngoài việc đối phó với khủng hoàng thừa xi măng, nhiều Công ty ngành xi măng đang phải đối mặt với các  khoản trả nợ cho các dự án đã hoàn thành trước đây như Tam Điệp, Hải Phòng, Bút Sơn 1, Hoàng Mai…. Bên cạnh đó còn có các dự án hoàn thành cuối 2010 như Hoàng Thạch 3, Bình Phước, Bỉm Sơn mới, Bút Sơn 2…

Còn một khó khăn nữa là tình hình kinh tế đang rơi vào vùng trũng như hiện nay, nhất là những khó khăn đến từ thị trường bất động sản và nó đã lan tỏa đến thị trường vật liệu xây dựng. Thêm vào đó Chính phủ đã chủ trương cắt giảm nhiều dự án đầu tư công, dự án chưa mang tính cấp bách… Ngành xi măng đã bị tác động lớn khi đầu ra cho sản phẩm tại thị trường trong nước bị thu hẹp.

Chính những “khó khăn chồng lên khó khăn” khiến các doanh nghiệp ngành xi măng phải tìm lối đi riêng cho mình và một số Công ty thuộc VICEM đã lựa chọn sản xuất dòng xi măng MC25 để bán cho các thị trường ngách, thị trường tiêu dùng nhỏ. Đây được xem là giải pháp tình thế trong thời điểm này. Dòng xi măng mác thấp này đã bị loại khỏi thị trường từ nhiều năm trước đây khi chủ trương không đầu tư thêm những dây truyền sản xuất xi măng lò đứng. Xi măng lò đứng sẽ cho ra đời những loại xi măng chất lượng thấp trong khi việc tiêu tốn điện năng, chi phí đầu tư, nhân công… không tiết kiệm hơn những công nghệ mới hiện nay.

Việc ra đời dòng sản phẩm xi măng MC25 lại đang trở thành nỗi lo cho nhiều công ty xi măng đã loại sản phẩm xi măng mác thấp ra khỏi dây truyền sản xuất từ lâu. Theo phân tích của ông Nguyễn Vũ Thanh, Phó Tổng Giám đốc Vissai, hiện nay giá 1 tấn phụ gia xi măng trên thị trường khoảng 100.000 đồng và clinker có giá khoảng 760.000 đồng/tấn. Đây là hai thành phần khi trộn với nhau sẽ trở thành xi măng thương phẩm. Tuy nhiên, xi măng mác cao như PC30, PC40 và PC50 thì tỷ lệ phụ gia ít hơn những xi mang mác thấp như MC25. Clinker là thành phần tạo nên độ kết dính của xi măng nên tỷ lệ càng nhiều độ kết dính càng cao. Nếu làm phép toán thông thường tỷ lệ chất phụ gia trong 1 tấn xi măng càng nhiều thì tỷ lệ clinker phải thấp đi. So sánh giá clinker và giá phụ gia có thể hiểu tại sao xi măng mác thấp như MC25 lại có giá rẻ hơn xi măng mác cao đang thông dụng trên thị trường hiện nay rất nhiều.

Mối lo của các doanh nghiệp không tham gia sản xuất dòng sản phẩm xi măng mác thấp MC25 nằm ở việc người sử dụng không hiểu được tỷ lệ thành phần các chất trong 1 tấn xi măng sẽ quyết định đến chất lượng, độ bền của các công trình xây dựng như thế nào. Trong khi đó, người sử dụng chỉ quan tâm nhiều đến giá thành sản phẩm nên thị trường sẽ lựa chọn sản phẩm MC25 có giá thành thấp. Nhìn một cách khắt khe hơn, ông Hoàng Mạnh Trường, Chủ tịch HĐQT Vissai cho rằng việc sản xuất MC25 đang đi ngược lại sự phát triển của khoa học công nghệ. Trong khi Chính phủ đang chủ trương loại công nghệ sản xuất xi măng lò đứng, một công nghệ chuyên sản xuất xi măng mác thấp ra khỏi nền công nghiệp vật liệu xây dựng thì sự ra đời của MC25 đi ngược lại chủ trương đó. Mặt khác, khi đưa một dòng sản phẩm kém chất lượng ra thị trường là ta đang đưa vào tay người tiêu dùng vốn đang thiếu hiểu biết về sản phẩm đó một sản phẩm kém và mối nguy hại sẽ đến từ những công trình sử dụng sản phẩm kém chất lượng. Ông Trường thẳng thắn đề nghị Bộ Xây dựng xem xét lại việc để thị trường vật liệu xây dựng xuất hiện dòng sản phẩm xi măng chất lượng thấp.

Trong khi chúng tôi đang nổ lực tìm kiếm thị trường xuất khẩu để đầy mạnh đầu ra cho ngành xi măng thì ngay tại thị trường trong nước chúng tôi lại phải đối mặt với sự cạnh tranh của xi măng chất lượng thấp, giá rẻ – ông Nguyễn Vũ Thanh chia sẻ. Dự tính năm 2011 Vissai sẽ xuất khẩu khoảng 1,2  đến 1,5 triệu tấn xi măng, trong khi đó công suất của toàn bộ nhà máy trong Tập đoàn là 6,2 triệu tấn, điều đó cho thấy thị trường trong nước vẫn là thị trường chủ đạo của Vissai. Không chỉ riêngVissai, tất cả các doanh nghiệp sản xuất xi măng lớn trong nước đều phải lấy thị trường nội địa để làm điểm tựa cho xuất khẩu.

 

Thêm một mối lo rất “con người” mà ông Phó tổng Tập đoàn xi măng Vissai chia sẻ, đó là những lo lắng cho các công trình xây dựng lớn tại Việt Nam. Sẽ khó tránh khỏi việc dòng xi măng mác thấp bị tuồn vào để trộn với dòng xi măng mác cao tại các công trình xây dựng lớn. Việc trộn lẫn giữa xi măng mác cao và xi măng mác thấp sẽ giảm chi phí đầu tư cho công trình và đây cũng là một “mánh” ăn bớt vật liệu xây dựng thường xảy ra. Tuy nhiên, với những công trình lớn việc đưa xi măng mác thấp với độ kết dính thấp vào thì hậu quả sẽ rất khó lường. Cũng theo tính toán của ông Thanh, chi phí để sản xuất 1 tấn xi măng MC25 như chi phí về điện năng, nhân công, bao bì, vận chuyển… không ngang bằng với chi phí sản xuất 1 tấn xi măng mác cao như PC30, PC40 và PC50. Lí do để MC25 bán giá thấp hơn là do tỷ lệ clinker thấp hơn, chỉ khoảng 40% đến 60% còn lại là phụ gia nên giá thành đầu tư sẽ thấp hơn.

Tác giả