Tạo đột phá từ phát triển kết cấu hạ tầng

Cập nhật: 10/11/2020
Những năm qua, cùng với sự phát triển chung của tỉnh, huyện Quảng Ninh đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Trước chặng đường mới, được đánh dấu từ Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025, Quảng Ninh tiếp tục có những định hướng mang tính đột phá, trong đó, phát triển kết cấu hạ tầng (KCHT) được xem là “đòn bẩy”, đưa Quảng Ninh phát triển nhanh và bền vững.
 
Xác định phát triển KCHT có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là tiền đề thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển, huyện Quảng Ninh đã tập trung huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng KCHT theo hướng ngày càng đồng bộ.
 Chỉ tính trong 5 năm qua, tổng nguồn vốn đầu tư trên địa bàn đạt gần 2.400 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm 14,5%. Từ nguồn vốn này, huyện Quảng Ninh đã thực hiện bê tông hóa gần 200km đường giao thông nông thôn, cứng hóa giao thông nội đồng, xây mới kênh mương và đầu tư 32km điện chiếu sáng. Đến nay, 100% người dân huyện Quảng Ninh được dùng điện lưới và điện năng lượng mặt trời; 100% xã, thị trấn có trường học cao tầng, kiên cố.
Kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ tạo điều kiện đưa Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững.
Kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ tạo điều kiện đưa Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững.
Cùng với xây dựng KCHT kinh tế-xã hội phục vụ phát triển sản xuất, việc đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với đô thị hóa theo hướng văn minh, hiện đại cũng chính là một trong những giải pháp quan trọng tạo đà cho Quảng Ninh phát triển. Theo đó, huyện đã sẽ tập trung phát triển KCHT nông thôn, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu tư và có lộ trình cụ thể trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng NTM. Trong 5 năm, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, huyện Quảng Ninh đã huy động gần 770 tỷ đồng đầu tư hạ tầng, xây dựng NTM; phấn đấu đến cuối năm 2020 có 12/14 xã đạt chuẩn NTM, xã Lương Ninh đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, xã Võ Ninh đạt chuẩn NTM nâng cao.
 
Song song với phát triển KCHT xây dựng NTM, huyện Quảng Ninh đã đầu tư phát triển KCHT thiết yếu, từng bước chỉnh trang thị trấn Quán Hàu với mục tiêu nâng tầm đô thị, đưa Quán Hàu phát triển tương xứng với vị trí là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của huyện.
 
Trao đổi với phóng viên, đồng chí Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết, trên tinh thần phát huy dân chủ cơ sở, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, 5 năm qua, đã có trên 50 công trình được đầu tư xây dựng với tổng nguồn vốn trên 300 tỷ đồng, góp phần chỉnh trang kiến trúc đô thị Quán Hàu.
 
Nhiều công trình “điểm nhấn”, như: quảng trường trung tâm huyện, vỉa hè tuyến đường từ đài tưởng niệm huyện đến đài tưởng niệm Bến phà Quán Hàu, hệ thống điện chiếu sáng Quốc lộ 1A từ phía Nam cầu Quán Hàu đến Dinh Mười và Nam cầu Quán Hàu đến khu vực nghỉ dưỡng FLC…, được đầu tư xây dựng, góp phần tạo cảnh quan đô thị Quán Hàu và vùng phụ cận ngày một khang trang, hiện đại.
 
Bên cạnh đó, với mong muốn đưa miền núi gần hơn với đồng bằng, huyện Quảng Ninh đã quan tâm đầu tư các công trình thiết yếu tại địa bàn 2 xã miền núi Trường Sơn, Trường Xuân. Công trình đường vào bản Sắt, dự án định canh định cư bản Chân Trộng, khai hoang đất sản xuất ở bản Sắt, Trung Sơn, Ploang và các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung… được triển khai đã phát huy hiệu quả, tạo điều kiện để địa phương thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho người nghèo, cận nghèo, cải thiện rõ rệt điều kiện phúc lợi cho người dân. Đây cũng chính là cơ sở góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm nhanh xuống còn 4% (năm 2020).
 
Đặc biệt, với định hướng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, huyện Quảng Ninh đã chú trọng đầu tư hạ tầng du lịch, tập trung những trục giao thông chính kết nối tour, tuyến nhằm phát triển đa dạng các loại hình du lịch. Qua đó, tạo cơ sở để quy hoạch và đầu tư mở rộng các hoạt động du lịch dịch vụ tại bãi tắm Hải Ninh, khu du lịch tâm linh núi Thần Đinh; từng bước kết nối tour du lịch bến phà Long Đại-nhà thờ Nguyễn Hữu Cảnh-khu di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh-suối Bang, khu du lịch sinh thái khe Nước Lạnh cùng với dự án Du lịch nghỉ dưỡng FLC và các dự án du lịch tại xã Hải Ninh; tạo động lực đưa nền kinh tế của huyện chuyển dịch đúng hướng, ngày càng phát triển.
 
Trước chặng đường mới với nhiều tiềm năng, lợi thế đang được mở ra, chia sẻ về những định hướng phát triển của Quảng Ninh trong tương lai, đồng chí Bí thư Huyện ủy Quảng Ninh Hoàng Xuân Tân cho biết: “Về không gian, khu vực ven sông, ven biển từ xã Lương Ninh lên xã Gia Ninh sẽ là động lực chính cho sự phát triển của Quảng Ninh trong thời gian tới. Quá trình phát triển này sẽ gắn liền với các dự án lớn, quá trình đô thị hóa và sự phát triển của thành phố Đồng Hới. 
Cơ giới hóa nông nghiệp được ứng dụng rộng rãi, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất ở Quảng Ninh.
Cơ giới hóa nông nghiệp được ứng dụng rộng rãi, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất ở Quảng Ninh.
Về lĩnh vực du lịch, dịch vụ với các dự án lớn tại xã Hải Ninh và vùng ven sông, cồn Soi, cồn Nổi kết hợp với các di tích danh thắng: Nhà thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn bến phà Long Đại, chùa Non núi Thần Đinh, thác Tam Lu, khe Nước Lạnh và hệ thống hang động du lịch cộng đồng ở Trường Sơn sẽ là hướng phát triển kinh tế mới, nhanh và bền vững cho Quảng Ninh trong tương lai”.
 
Chính vì vậy, thời gian tới, trên cơ sở thực hiện tốt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội huyện đến năm 2030, huyện Quảng Ninh ưu tiên thực hiện tốt quy hoạch phát triển vùng phụ cận thành phố Đồng Hới (gồm xã Lương Ninh, TT. Quán Hàu và một phần xã Vĩnh Ninh); 3 xã vùng cát (gồm Gia Ninh, Võ Ninh, Hải Ninh); đô thị Dinh Mười và vùng phụ cận Nam Long, Áng Sơn.
 
Cùng với đó, huyện sẽ ưu tiên thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng KCHT đồng bộ nhằm thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển nhanh và bền vững; quan tâm đầu tư, hoàn thiện các công trình quan trọng: thông tuyến và nâng cấp đường từ Nam Long đi Trường Sơn, đầu tư mới đường từ Mỹ Trung đi Hải Ninh, từ Tân Ninh đi Vạn Ninh, bổ sung quy hoạch cầu Nhật Lệ 4 từ Văn La đi Phú Cát… Đồng thời, Quảng Ninh huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế; trong đó, chú trọng các công trình trọng điểm, chỉnh trang đô thị, phát triển vùng sâu, vùng xa.
Nguồn Báo Quảng Ninh
Tác giả