Xây dựng nông thôn mới: Định hướng phát triển quy hoạch, kiến trúc nông thôn tạo bản sắc truyền thống
(Xây dựng) – Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm tổ chức triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy thay đổi nông thôn trên nhiều mặt, trong đó có lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc nông thôn.
Công trình nhà ở khu vực gần biển thuộc xã Hải Sơn, Hải Hậu, tỉnh Nam Định sử dụng vật liệu có nguồn gốc tự nhiên và truyền thống (ảnh minh họa: Internet). |
Bộ Xây dựng qua theo dõi tình hình thực hiện công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch kiến trúc nông thôn đã nhận định: Các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan đã nghiêm túc thực hiện và triển khai nhiều giải pháp thiết thực, tạo được sự chuyển biến rõ nét và đạt được nhiều kết quả quan trọng xây dựng nông thôn mới theo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020.
Một số hạn chế, bất cập
Theo Vụ Quy hoạch – Kiến trúc (Bộ Xây dựng), trong đợt rà soát đánh giá tại các địa phương, Bộ đã chỉ ra công tác quy hoạch kiến trúc nông thôn vẫn còn những tồn tại, bất cập cần được điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn.
Về Quy hoạch nông thôn thì sự phối hợp giữa quy hoạch xây dựng và các quy hoạch chuyên ngành khác chưa chặt chẽ, nhiều quy hoạch ngành được lập riêng rẽ, không khớp nối với các loại quy hoạch khác trên cùng một vùng lãnh thổ (liên tỉnh, tỉnh, liên huyện, huyện) dẫn đến sự phát triển không đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu vực nông thôn, làm cho việc triển khai quy hoạch xây dựng nông thôn chưa thực sự hiệu quả.
Công tác bố trí, tái định cư, di dời điểm dân cư nông thôn tại các khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn còn rời rạc ở các địa phương, chưa có chương trình mang tính quốc gia thống nhất từ Trung ương tới địa phương. Các bản đồ phân vùng thiên tai do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì lập có lỷ lệ 1/50.000 trong khi quy hoạch chung xây dựng xã có tỷ lệ 1/10.000.
Theo ông Vũ Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch – Kiến trúc (Bộ Xây dựng): Chất lượng một số đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới còn chưa cao, chưa thực sự bám sát yêu cầu và tình hình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Nguyên nhân xuất phát từ sự thiếu đồng nhất về định hướng quy hoạch và định hướng triển khai thực hiện quy hoạch giữa tổ chức tư vấn lập quy hoạch, Chủ đầu tư và cộng đồng dân cư tại khu vực lập quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới. Bên cạnh đó, lực lượng tư vấn làm quy hoạch xây dựng nông thôn còn ít, kinh nghiệm còn hạn chế.
Nhiều chuyên gia kiến trúc, quy hoạch cũng cho rằng pháp luật liên quan đến quản lý kiến trúc trước đây thiếu tính thống nhất, đồng bộ, ổn định và chưa thể hiện được vai trò quan trọng, đặc thù của kiến trúc. Có thể thấy rằng, trước khi Luật Kiến trúc năm 2019 được Quốc hội thông qua thì quy định pháp luật liên quan đến quản lý kiến trúc, đặc biệt về quản lý kiến trúc tại khu vực nông thôn còn nằm rải rác, phân tán tại nhiều văn bản khác nhau và thường được lồng ghép chung trong các hoạt động xây dựng.
Theo KTS Vũ Hồng Sơn, Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia: “Các giá trị đặc trưng về tự nhiên, cảnh quan, không gian và văn hóa bản địa chưa được coi trọng đúng mức trong Bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới các cấp, dẫn đến hiện tượng đồng hóa về hình thức kiến trúc và thiếu sáng tạo về hình thái không gian, gây tác động tiêu cực đến bộ mặt quy hoạch kiến trúc nông thôn và đô thị”.
Cũng theo Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia, việc triển khai quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn còn hạn chế, nhiều địa phương chưa có quy chế gây khó khăn cho công tác quản lý kiến trúc nông thôn, đặc biệt là quản lý kiến trúc tại khu vực trung tâm các xã. Việc quản lý, bảo tồn, phát huy kiến trúc đặc trưng, truyền thống gặp nhiều khó khăn, do kinh phí đầu tư xây dựng các công trình kiến trúc truyền thống đảm bảo các yêu cầu về tiêu chí nhà ở nông thôn thường lớn hơn các công trình nhà khung bê tông cốt thép thông thường (do các yêu cầu đặc thù về vật liệu và yêu cầu về thi công, lắp dựng).
Bộ Xây dựng trong đợt rà soát vừa qua, cũng đánh giá tác động chính sách, tổng kết thực tiễn còn có lúc hình thức, sơ sài, chưa thể hiện được tính liên thông, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến xây dựng, xử lý hài hòa sự thống nhất và tính đặc trưng trong quan hệ giữa xây dựng với kiến trúc, đô thị, nông thôn, giữa khu vực và từng công trình.
Đồng thời, việc theo dõi, đánh giá tác động của luật pháp, chính sách đã ban hành chưa thường xuyên, chặt chẽ nên không kịp thời bổ sung, điều chỉnh bãi bỏ các quy định không còn phù hợp. Mặt khác, chưa phát huy đầy đủ vai trò của cộng đồng, người dân, các tổ chức xã hội trong việc xây dựng và giám sát thực hiện pháp luật.
Định hướng quy hoạch kiến trúc nông thôn có bản sắc
Để hạn chế và xử lý kịp thời những tồn tại, bất cập hiện nay, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả cho công tác quản lý về quy hoạch, kiến trúc nông thôn đồng bộ trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung vào một số nội dung quan trọng.
Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật nhằm hoàn thiện, tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Cụ thể, soạn thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Nhà ở (sửa đổi); Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050…
Bên cạnh đó, cũng tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn, cập nhật các vấn đề mới để phù hợp với yêu cầu thực tiễn cho từng vùng nông thôn trong bảo tồn và tôn tạo di sản, di tích; kiến trúc cảnh quan điểm quần cư nông thôn; tiêu chuẩn nhà ở nông thôn mới và các nội dung khác có liên quan; nhấn mạnh các tiêu chuẩn quản lý chất lượng các công trình xây dựng và hạ tầng nông thôn mới.
Đồng thời, bổ sung thêm các thiết kế mẫu các công trình dịch vụ tiện ích cộng đồng, đặc biệt với các vùng miền đặc trưng (vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, thiểu số với rất nhiều khó khăn và đặc thù riêng). Nghiên cứu các mô hình nhà ở kết hợp với sản xuất, các yếu tố đặc thù riêng về sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc gia cầm, thủy hải sản, tiểu thủ công nghiệp… trên cơ sở các nghiên cứu khảo sát thực địa cụ thể và bài bản, bao quát trên diện rộng, ưu tiên trước vùng bị ảnh hưởng nhiều về thiên tai theo chỉ đạo của Trung ương.
Công trình nhà ở tại Quảng Bình thống nhất về không gian đảm bảo yếu tố truyền thống và hiện đại (ảnh minh họa: Internet). |
Theo Vụ Quy hoạch – Kiến trúc, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất các mẫu kiến trúc nhà ở vùng nông thôn, trong đó tập trung vào các mẫu nhà có quy mô vừa và nhỏ, khai thác tốt nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, ứng dụng được những công nghệ và vật liệu mới giúp giảm giá thành xây dựng phù hợp với khả năng kinh tế của đại bộ phận người dân nông thôn. Hướng tới trong tương lai, các mẫu nhà hiện đại, tiệm cận với các tiêu chuẩn sống của đô thị, nhưng kế thừa các nét kiến trúc truyền thống tiêu biểu và đặc biệt bền vững, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường.
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng cũng sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để nâng cao hiệu quả của quy hoạch xây dựng nông thôn trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, lồng ghép thêm các yếu tố kiến trúc cảnh quan nông. Hướng tới phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc giữ gìn kiến trúc truyền thống.
Nguồn baoxaydung.com.vn – Phòng Marketing tổng hợp!