‘Bỏ thi tốt nghiệp THPT, chất lượng giáo dục sẽ đi xuống’
GS Nguyễn Minh Thuyết và nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ cho rằng nếu bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, chất lượng giáo dục sẽ đi xuống. Còn GS Nguyễn Lân Dũng ủng hộ bỏ để tránh áp lực cho thí sinh và phụ huynh.
GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên, nhi đồng cho rằng, thời gian gần đây, có nhiều cá nhân, tổ chức góp ý bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT do nó chưa thật sự có ý nghĩa. Khi 95% học sinh đỗ tốt nghiệp thì không thể phản ánh được thực chất chất lượng giáo dục phổ thông. Đây là một đề xuất về chính sách và muốn chấp nhận hay không cần phải đánh giá rõ thực trạng và nguyên nhân.
Về thực trạng, hiện nay kỳ thi chưa phản ánh đúng thực chất. Năm 2006, khi phát động “nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, tỷ lệ tốt nghiệp giảm đáng kể. Hàng chục tỉnh có tỷ lệ đỗ dưới 50%, có trường không học sinh nào đỗ. Kết quả đó phản ánh tương đối sát việc học của học sinh. Tuy nhiên năm sau tỷ lệ đỗ tăng trở lại và giữ cao ổn định cho đến hiện nay.
Dư luận không tin vào kết quả này, Bộ GD&ĐT cũng đã có nhiều đổi mới như cử thanh tra đi kiểm tra, chấm thi chéo, cho mang camera giám sát vào phòng thi…, nhưng kết quả đỗ vẫn quá cao khiến người dân băn khoăn. Nguyên nhân của tình trạng này là hình thức thi cử cồng kềnh, chưa đánh giá đúng được chất lượng giáo dục phổ thông, quá trình thi còn có nhiều tiêu cực.
GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng việc bỏ thi tốt nghiệp THPT không giải quyết được hậu quả, không khắc phục được nguyên nhân của kết quả tốt nghiệp không đáng tin. Ảnh: Nguyễn Hưng |
Theo GS Thuyết, dựa trên sự phân tích trên thì việc bỏ thi tốt nghiệp THPT không giải quyết được hậu quả, không khắc phục được nguyên nhân. Nếu bỏ là thừa nhận sự yếu kém và tiêu cực hoành hành. “Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đưa ra ý kiến để Bộ Giáo dục suy xét xem có nên bỏ thi hay không, đó là với tư cách của một người từng làm trong ngành giáo dục, là một ý kiến để Bộ tham khảo chứ không phải chỉ đạo của nhà nước”, GS Thuyết nói.
GS Thuyết băn khoăn các kỳ thi ở bậc phổ thông hiện nay đã bỏ gần hết, nếu bỏ nốt thi tốt nghiệp THPT thì học sinh sẽ học như thế nào? Trong khi các trường đại học thì mọc lên như nấm, mời chào thí sinh, thậm chí tặng tiền. Nếu như không thi tốt nghiệp THPT thì đâu là thước đo cho ngành giáo dục và chất lượng học sinh sẽ ngày càng giảm sút.
“Đi học thêm ngoại ngữ, tin học, nếu thầy cô không kiểm tra thì còn tặc lưỡi bỏ qua không ôn. Nếu thả lỏng không thi tốt nghiệp, những môn không thi đại học các em sẽ ngồi chơi cờ caro, từ đó thầy cô cũng sẽ chán giảng và chúng ta phải trả giá cho sự giảm sút về chất lượng”, GS Thuyết nói.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ giải thích, ý của Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan là Bộ cần nghiên cứu xem có nên bỏ thi tốt nghiệp hay không nếu tỷ lệ đỗ luôn cao. Theo PGS Nhĩ, kỳ thi này không thể bỏ mà cần cải tiến cho phù hợp hơn.
Nguyên Thứ trưởng Trần Xuân Nhĩ cho rằng không nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp mà cần cải tiến cho phù hợp hơn. Ảnh: Hoàng Thùy. |
Hiện tại, thi tốt nghiệp THPT đang đánh giá học sinh ở một thời điểm mà lẽ ra phải đánh giá cả quá trình. Các em đang học rất nhiều môn, nhưng khi thi lại bốc thăm, điều này sai nguyên tắc học gì thi nấy. Thế nên, việc quan trọng là cần đổi mới cách đánh giá học sinh, vừa không tốn tiền mà lại đạt chất lượng.
“Thi tốt nghiệp phổ thông các nước trên thế giới vẫn đang giữ, nhưng cách đánh giá của họ là cả quá trình, Việt Nam cần học tập. Học đến đâu đánh giá đến đó, và kỳ thi cuối cùng chỉ là một bộ phận trong chuỗi hoạt động kiểm tra, xem đó như một điểm thành phần, cộng với điểm trước đó chia ra để được điểm chung”, PGS Nhĩ đề xuất và khẳng định, có như vậy mới đánh giá đúng được chất lượng, vì các em chỉ có thể gian lận 1-2 lần chứ không thể tất cả đợt kiểm tra.
Nguyên Thứ trưởng Giáo dục cũng đề nghị Bộ nên giao kỳ thi về cho các Sở Giáo dục, đơn giản kỳ thi và tránh tốn kém.
GS Nguyễn Lân Dũng (Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học – Giáo dục, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) lại đồng tình với ý kiến nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT vì hiện hai kỳ thi tốt nghiệp và đại học rất gần nhau. Điều này vừa làm khổ cho thí sinh, vừa làm khổ phụ huynh.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, cần suy xét kỹ, bỏ cũng phải có điều kiện vì nếu bỏ thi, học sinh sẽ không học, thầy cô chán dạy. Dù bỏ thi vẫn phải có bằng tốt nghiệp, vì vậy cần có học bạ, có kiểm tra thường xuyên. Cuối cấp hội đồng nhà trường xem xét và kiến nghị danh sách tốt nghiệp lên Sở, bởi không có bằng tốt nghiệp THPT thì không thể làm gì được.
GS Nguyễn Lân Dũng đồng tình với ý kiến nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT vì hiện hai kỳ thi tốt nghiệp và đại học đang rất gần nhau. Ảnh: TTXVN. |
Theo GS Lân Dũng, đồng thời với việc đổi mới thi cử thì phải dạy tốt, học tốt, đổi mới chương trình sách giáo khoa, không phải chờ đến sau năm 2015 như kế hoạch của Bộ Giáo dục. Để làm được việc này, Bộ dựa vào các Hội khoa học chuyên ngành, cung cấp các tài liệu sách giáo khoa ở những nước phát triển, nước có điều kiện gần với mình để biên soạn. Như vậy vừa đảm bảo không quá chênh lệch so với các nước, vừa phù hợp với trình độ học sinh và sách dùng được lâu năm.
GS Lân Dũng kiến nghị, việc in sách giáo khoa nên để cho từng nhóm tác giả và từng nhà xuất bản làm. Còn việc lựa chọn bộ sách nào để giảng dạy, để học là tùy thầy cô và học sinh. Chỉ có cạnh tranh khoa học lành mạnh như vậy mới mong sớm có được những bộ sách giáo khoa tốt.
Trước đó tại cuộc họp do Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam tổ chức ngày 31/7, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã phát biểu và đề nghị Bộ Giáo dục suy nghĩ, nghiên cứu và trả lời về việc có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT hay không. Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, thi tốt nghiệp là một trong những khâu quan trọng nhất của quá trình dạy học.
Bộ đang nghiên cứu và đưa ra định hướng đổi mới các kỳ thi, công nhận tốt nghiệp THPT cũng như tuyển sinh đại học vào Đề án đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT Việt Nam cũng như đề án Đổi mới chương trình sách giáo khoa sau năm 2015. Sau khi các đề án được thông qua, phê duyệt, Bộ sẽ công bố phương án đổi mới để xin ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân trước khi quyết định chính thức.
Hoàng Thùy