Đẩy nhanh tiến độ GPMB mở rộng nhà máy xi măng Sông Lam giai đoạn 2

Cập nhật: 09/05/2016

Dự án Nhà máy xi măng Sông Lam giai đoạn 2 và các công trình phụ trợ, Dự án Đường giao thông nối đường N5 khu kinh tế Đông Nam đến Hòa Sơn (Đô Lương) là những dự án trọng điểm của tỉnh. Do đó huyện nhà nỗ lực khắc phục khó khăn đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) bàn giao cho nhà đầu tư.

Dự án Nhà máy xi măng Sông Lam tại xã Bài Sơn (diện tích đã được giao đất 348.850 m2). Sau khi Tập đoàn The Vissai Ninh Bình nhận bàn giao từ nhà máy cũ, Nhà máy xi măng Sông Lam đã mở rộng thêm giai đoạn 1 hơn 40 ha, mở khuôn viên nhà máy lên 77 ha.  Hiện nay Nhà máy xi măng Sông Lam tiếp tục mở rộng dự án giai đoạn 2 thêm 43 ha, trong đó thuộc địa bàn huyện Đô Lương 11,5 ha. Công ty CP xi măng Sông Lam đang hoàn tất thủ tục quy hoạch chi tiết.

anh 1
Nhà máy xi măng Sông Lam giai đoạn 2 được xây dựng tại xã Bài Sơn, huyện Đô Lương.

Để mở rộng nhà máy giai đoạn 2, trên địa bàn xã Bài Sơn có gần 30 hộ dân thuộc diện phải di dời nhà cửa. Hiện tại những hộ dân này rất băn khoăn vì chưa có phương án bồi thường cụ thể cho bà con. Gia đình ông Đào Danh Thìn xóm Đô Sơn, xã Bài Sơn có diện tích đất khoảng 1.500 m2 nhà ở sát nhà máy xi măng nên rất lo lắng. Ông Thìn bộc bạch: “Năm 2015, chúng tôi nhận được thông báo của xã có 9 hộ thuộc diện phải di dời cấp bách trong đó có gia đình tôi. Chúng tôi mong sớm được di dời đến nơi ở mới để ổn định cuộc sống, yên tâm làm ăn.”

anh 10
Gia đình ông Đào Danh Thìn xóm Đô Sơn, xã Bài Sơn ở sát Nhà máy xi măng nên mong muốn sớm được bồi thường tái định cư đến nơi ở mới.

Ông Nguyễn Hữu Quang, Chủ tịch UBND xã Bài Sơn trao đổi: Khi có dự án nhà máy xi măng Sông Lam giai đoạn 2 triển khai trên địa bàn, chính quyền địa phương cũng như bà con nhân dân cơ bản đồng thuận ủng hộ chủ trương thực hiện dự án trên địa bàn. Trong quá trình GPMB được các hộ dân hợp tác, ủng hộ, không có vướng mắc lớn.

Hiện nay nhà máy đang tiếp tục mở rộng giai đoạn 2 thêm 43 ha, theo đó có gần 30 hộ dân trên địa bàn xã phải di chuyển để bàn giao đất cho nhà máy. Nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có phương án bồi thường cho người dân mặc dù khu tái  định cư đã có.

Đồng hành cùng dự án, huyện Đô Lương đã chỉ đạo Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất của huyện lập trích lục đo vẽ bổ sung khu vực mở rộng. Huyện ủy, UBND huyện và các địa phương liên quan đến dự án đồng thuận chấp hành chủ trương, làm tốt công tác tuyên truyền vận động người dân trong phạm vi bị ảnh hưởng của dự án. Tập trung chỉ đạo, ưu tiên dồn toàn bộ nhân lực cho GPMB nhà máy xi măng Sông Lam để nhà máy sớm đi vào hoạt động đúng tiến độ.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Hợi, phó phòng tài nguyên môi trường – Phó Chủ tịch Hội đồng bồi thường GPMB huyện cho biết: ” Thực hiện mở rộng giai đoạn 2 của nhà máy có gần 30 hộ dân phải di chuyển nhà cửa nên công tác GPMB tái định cư cho dân khó làm nhanh được. Do vậy về tiến độ thời gian khó hoàn thành vì 2 nguyên nhân sau: hiện tại quy hoạch chi tiết của chủ đầu tư chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt nên các bước tiếp theo của công tác GPMB chưa làm được. Bên cạnh đó, khó khăn chung là báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án chưa được Bộ Tài nguyên & Môi trường phê duyệt nên một số hộ dân trong vùng dự án còn băn khoăn về phạm vi bị ảnh hưởng, khả năng phải di dời.”

anh 13
Đường vận chuyển nguyên liệu đá từ mỏ đá về Nhà máy xi măng Sông Lam đã GPMB xong  bàn giao cho chủ đầu tư.

Ngoài ra, trong khu vực xã Bài Sơn có 4 công trình phụ trợ của nhà máy xi măng gồm: khu nhà ở cán bộ công nhân viên rộng 4,7 ha đã GPMB xong và bàn giao đất cho nhà máy. Đường vận chuyển nguyên liệu đá từ mỏ đá về nhà máy (7,8 ha) cũng đã GPMB xong bàn giao cho nhà máy. Còn mỏ đá nguyên liệu và mỏ sét (chủ đầu tư chưa có quy hoạch chi tiết, đang triển khai các thủ tục). Và Đường điện 110 KV để phục vụ nhà máy (qua 4 xã Thịnh Sơn, Hòa Sơn, Văn Sơn, Bài Sơn). Hiện nay Hội đồng bồi thường GPMB huyện Đô Lương đang triển khai thực hiện.

Đối với  Dự án Đường giao thông nối đường N5 khu kinh tế Đông Nam đến Hòa Sơn, Đô Lương. Tuyến đường này phục vụ vận chuyển sản phẩm từ nhà máy về Trạm nghiền Nghi Thiết (Nghi Lộc). Trên địa bàn huyện Đô Lương đi qua 10 xã (Hòa, Thịnh, Tân, Minh, Thái, Quang, Thượng, Hiến, Trù, Đại) với tổng chiều dài hơn 17 km.

Hiện, Hội đồng bồi thường GPMB huyện tập trung nhân lực làm việc ngày, đêm để sớm hoàn thành GPMB nhanh nhất bàn giao cho chủ đầu tư. Còn một số đơn vị  nếu thuận lợi như các địa phương trên thì công tác bồi thường GPMB sẽ hoàn thành trước ngày 20/5/2016.

                                                                                                                                                               Quỳnh Lan

Tác giả