Làng làm giá đỗ lớn nhất miền Trung tất bật mùa Tết

Cập nhật: 20/01/2014

Bất chấp thời tiết mưa phùn giá rét, những ngày này, dân làng làm giá đỗ qui mô lớn nhất miền Trung ở thôn Thọ Lộc, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) tất bật ra bãi cát ven sông Trà Khúc làm giá đỗ phục vụ thị trường dịp tết.

18-1-Anh-1-Lang-gia-do-vao-tet-2352-1390
Khác với nhiều địa phương làm giá đỗ trong thùng xốp, chum, vại, từ lâu hàng trăm hộ dân ở thôn Thọ Lộc, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh tận dụng bãi bồi mênh mông ven sông Trà để đào hố làm giá đỗ trong lòng cát.
18-1-Anh-2-Lang-gia-do-vao-tet-1394-1390
Sau khi hoàn tất công việc đồng áng, khoảng 16h mỗi ngày, người dân nơi đây kéo nhau ra bãi cát ven sông Trà để đào hố cát gieo đậu xanh hoặc đậu đen làm giá đỗ.
18-1-Anh-3-Lang-gia-do-vao-tet-2136-1390
Mỗi hố cát rộng khoảng 3 gang, sâu cũng 3 gang để gieo khoảng 1 kg đậu xanh theo nhiều tầng lớp khác nhau. Chị Cao Thị Hoanh ở thôn Thọ Lộc cho biết, cứ mỗi hố như vậy thu về khoảng 7 kg giá. Trung bình mỗi gia đình làm giá đỗ từ 15 đến 20 hố cát, sau khoảng 4 ngày gieo hạt thì bắt đầu thu hoạch.
18-1-Anh-4-Lang-gia-do-vao-tet-6592-1390
Để đảm bảo độ ẩm cho cây giá phát triển tốt trong lòng cát, hàng ngày người dân nơi đây phải tưới nước 2 lần vào sáng và chiều tối. Để tiết kiệm chi phí, vài hộ gia đình góp tiền đóng giếng trên bãi bồi, kéo dây điện để bơm nước cho các hố giá.
18-1-Anh-5-Lang-gia-do-vao-tet-2602-1390
Ông Lê Văn Sang ở thôn Thọ Lộc giải thích, để tránh gây hỏng cho cây giá trong gia đoạn nảy mầm, mỗi khi tưới phải khoanh vòng tròn xung quanh hố cát rồi lấy rổ có khe hở nhỏ cho nước thấm dần.
18-1-Anh-6-Lang-gia-do-vao-tet-6905-1390
Người dân đào hố cát rộng rồi lót phủ bạt chống thấm, sau đó bơm nước vào để rửa sạch giá đỗ ngay tại bãi bồi ven sông Trà. “Những năm gần đây, các món hủ tiếu, mì, phở, bún… đắt khách, nhất là vào mùa tết giá đỗ ở địa phương được thị trường tiêu thụ mạnh gấp nhiều lần so với ngày thường nên người dân chúng tôi có thu nhập cao, vui xuân ấm áp hơn”, ông Sang hồ hởi nói.
18-1-Anh-7-Lang-gia-do-vao-tet-6797-1390
Sau khi vớt giá từ dưới hố lên, người dân dùng rổ tre xẩy đều loại bỏ cát bám vào thân cây giá. Theo các lão nông địa phương, nhờ trồng ở bãi cát tự nhiên ven sông Trà (không sử dụng hóa chất) nên cây giá đỗ nơi đây sạch, ngọt, hương thơm đặc biệt được người dân ở nhiều tỉnh khu vực miền Trung ưa chuộng.
18-1-Anh-8-Lang-gia-do-vao-tet-3342-1390
Thu nhập ổn định, bà Trần Thị Cho (70 tuổi) ở thôn Thọ Lộc có thâm niên 40 năm làm giá đỗ trên bãi bồi ven sông. “Thời còn trẻ, mỗi ngày tôi chở vài trăm kg giá đến chợ trung tâm của tỉnh bán. Giờ lớn tuổi nên mỗi ngày chỉ bán ở các chợ lẻ ở huyện khoảng 100 kg. Nhờ gắn bó với nghề làm giá đỗ mà gia đình tôi đã nuôi con cháu học hành đàng hoàng”, bà Cho thổ lộ.
18-1-Anh-9-Lang-gia-do-vao-tet-3647-1390
Để kịp bán sỉ cho các chợ đầu mối, từ 23h hôm trước đến 2h hôm sau (tùy theo hoàn cảnh), người dân nơi đây ra bãi thu hoạch giá đỗ để bán cho thương lái đưa đi khắp nơi tiêu thụ. Chị Nguyễn Thị Cẩm ở thôn Thọ Lộc bộc bạch, thời tiết gần tết trời lạnh kéo dài, thức khuya dậy sớm cơ cực nhưng bù lại 1 kg giá đỗ khoảng 7.000 đồng thì mỗi gia đình có nguồn thu ít nhất 500.000 đồng/ngày.
18-1-Anh-10-Lang-gia-do-vao-te-9403-3027
Đôi khi người dân ở các địa phương lân cận tò mò đến tìm hiểu cách làm giá độc đáo ven sông Trà và mua vài kg giá đỗ về nấu ăn. Ông Trần Hồng Long, Chủ tịch UBND xã Tịnh Hà cho hay, trung bình mỗi ngày người dân ở thôn Thọ Lộc bán ra thị trường khoảng 7 tấn, vào dịp trước, trong và sau tết thì tăng lên 10 tấn giá đỗ mang về nguồn thu lớn cho người dân địa phương.

Trí Tín

Tác giả