Thủ tướng gợi ý mô hình công – tư cho Khu kinh tế Thái Bình
Khẳng định việc phát triển khu kinh tế rất quan trọng với Thái Bình, Thủ tướng Thủ tướng gợi ý, Thái Bình có thể làm theo mô hình lãnh đạo công – quản trị tư, kêu gọi hợp tác với các nhà đầu tư lớn, cùng phát triển.
Khu kinh tế Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập từ năm 2017; bao gồm 30 xã, 1 thị trấn của hai huyện ven biển Tiền Hải, Thái Thụy, với tổng diện tích tự nhiên trên 30.000 ha.
Tỉnh Thái Bình chủ trương xây dựng khu kinh tế thành động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Đến nay, sau hơn 1 năm được phê duyệt, khu kinh tế này đã hoàn thành giải phóng mặt bằng được hơn 500ha. Từ năm 2021 đến nay, Khu kinh tế Thái Bình thu hút được 555 triệu USD vốn đầu tư FDI, trong đó Khu công nghiệp Liên Hà Thái thu hút được 4 dự án với 440 triệu USD vốn đầu tư FDI.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai xây dựng, tỉnh đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong chuyến công tác tại tỉnh Thái Bình của Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 8/5, trả lời câu hỏi của Thủ tướng về các khó khăn của khu kinh tế, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải cho biết, khó khăn lớn là tỉnh chưa có kinh nghiệm trong triển khai.
Bên cạnh đó là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng khi đất chật người đông. “Nếu không có sự vào cuộc của người dân thì trong vòng từ 6 – 8 tháng, không thể giải phóng mặt bằng được hơn 500ha”.
Đưa ra gợi ý về các phương án triển khai xây dựng khu kinh tế, Thủ tướng cho rằng, Thái Bình có thể làm theo mô hình lãnh đạo công – quản trị tư. Quản trị công là xây dựng thể chế, quy hoạch, chiến lược, xây dựng hạ tầng tới chân hàng rào khu kinh tế…, còn quản trị tư là giao cho nhà đầu tư lớn vận hành, kêu gọi, thúc đẩy các nhà đầu tư khác tham gia đầu tư. Nhiều tỉnh đã làm tốt mô hình này.
Thủ tướng nhấn mạnh, muốn phát triển được khu kinh tế cần xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh, liên thông, đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng điện nước và hạ tầng xã hội như nhà ở công nhân, hạ tầng môi trường.
Công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư phải đi trước, phải phối hợp chặt chẽ giữa hệ thống chính trị, người dân và nhà đầu tư để làm tốt công tác giải phóng mặt bằng; an sinh phải đi đầu; và hạ tầng phải đồng bộ.
Phân tích kỹ hơn về yêu cầu phát triển hạ tầng, Thủ tướng yêu cầu tỉnh dồn lực nguồn vốn đầu tư công để hoàn thiện hạ tầng kết nối khu kinh tế, trong đó trước hết là dự án đường ven biển để kết nối càng sớm càng tốt với sân bay Cát Bi, cảng Lạch Huyện của Hải Phòng. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không trông chờ, ỷ lại vào Trung ương.
Bên cạnh đó, Thủ tướng khẳng định, phát triển khu kinh tế rất quan trọng với Thái Bình, tỉnh đất hẹp người đông, đưa tỉnh phát triển hướng ra biển, khai thác không gian biển. Thủ tướng gợi ý, trước đây, tiền nhân đã khai phá huyện Tiền Hải của tỉnh Thái Bình. Đến nay, Khu kinh tế Thái Bình mới chủ yếu phát triển trên đất liền, cần phát triển theo hướng khai thác không gian biển.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Thái Bình phải xác định người dân phải được hưởng lợi từ khu kinh tế chứ không phải bị ảnh hưởng, bảo đảm đời sống của người dân đã nhường mặt bằng cho dự án ở nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ, năm sau tốt hơn năm trước. Thủ tướng yêu cầu tỉnh triển khai tốt việc xây dựng khu kinh tế Thái Bình để rút kinh nghiệm, mở rộng mô hình này.
Được biết, Khu kinh tế Thái Bình có diện tích trên 30.000 ha, trong đó diện tích dành cho công nghiệp, đô thị, dịch vụ trên 8.000 ha. Đây là lợi thế rất lớn để Thái Bình bứt phá phát triển công nghiệp.
Khu kinh tế được xây dựng theo mô hình khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, năng động, hiệu quả và phát triển bền vững gắn với tăng trưởng xanh, bảo tồn, phát huy giá trị của hệ sinh thái biển, di tích lịch sử, văn hóa. Nơi đâu được kỳ vọng trở thành khu vực động lực, trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh và vùng Nam Đồng bằng sông Hồng.
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, từ năm 2021 – 2025, Thái Bình phấn đấu cơ bản hoàn thiện kết cấu hạ tầng KKT, bảo đảm tương đối đồng bộ và đẩy mạnh thu hút các ngành công nghiệp có công nghệ tiên tiến, hiện đại, ít gây ô nhiễm môi trường; định hình phát triển các đô thị biển hiện đại, văn minh, gắn kết với các khu chức năng sản xuất, kinh doanh.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 thu hút được khoảng 25 dự án lớn với tổng mức đầu tư khoảng 500.000 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế theo các ngành: công nghiệp – xây dựng chiếm 55 – 60%, thương mại – dịch vụ chiếm 28 – 30%, nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 10 – 17%; tạo việc làm mới cho 30.000 – 40.000 lao động; thu nhập bình quân đầu người gấp 1,5 – 2 lần mức bình quân chung của tỉnh.
Một số dự án lớn, trọng điểm (Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1 và 2, Nhà máy Amon Nitrat, dự án khí mỏ Hàm Rồng…) được tỉnh tạo điều kiện thuận lợi triển khai; một số dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo bước đột phá về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Khu công nghiệp Liên Hà Thái là khu công nghiệp đầu tiên được thành lập trong khu kinh tế. Khu công nghiệp này được tỉnh giao sứ mệnh tiên phong, đặt nền tảng cho việc thúc đẩy phát triển Khu kinh tế Thái Bình.
Nguồn theleader.vn – Phòng Marketing Ban kinh doanh nội địa tổng hợp!