BlackBerry – Số phận nào cho ‘ông hoàng’ smartphone
Palm, Ericsson hay Siemens đã biến mất như thế nào?
Hệ điều hành WebOS của Palm được đánh giá rất cao trên điện thoại di động, đặc biệt là những tính năng đa nhiệm và giao diện thân thiện với người dùng. Năm 2010, “Lão nhà giàu” HP đã bỏ ra 1.2 tỷ USD để mua Palm về với tham vọng chen chân vào thị trường điện thoại thông minh đầy hứa hẹn. Sau một thời gian phát triển, WebOS thất bại và LG đã mua lại chỉ để chạy trên …TV. Palm biết mất không để lại dấu vết.
Năm 2001, thế giới chứng kiến cuộc hôn phối giữa Ericsson – một tên tuổi lớn trong làng điện thoại di động với Sony – số một thế giới về thiết bị điện tử. Tất nhiên, những đứa con Sony-Ericsson đã nổi như cồn sau đó với những mẫu điện thoại cơ bản T100 bảnh, K700i. Điện thoại thông minh ra đời và Sony-Ericsson đã hụt hơi để Apple, LG, HTC, Samsung qua mặt. Cuối tháng 10-2011, Sony tuyên bố mua toàn bộ 50% cổ phần từ Ericsson để nắm trọn vẹn quyền sở hữu công ty liên doanh, cùng với đó thương hiệu Sony-Ericsson (hoặc chính Ericsson) bị khai tử, và Sony đặt lại tên mình cho các dòng điện thoại di động từ đầu 2012.
Năm 2005, Siemens quyết định bán thương hiệu cùng ngành sản xuất điện thoại di động của mình cho BenQ, và BenQ-Siemens ra đời từ đó. Chỉ sau đó 1 năm, BenQ-Siemens sụp đổ do thua lỗ nặng, BenQ quay ra sản xuất điện thoại với tên tuổi của chính mình. Cuối 2008, BenQ đóng cửa ngành điện thoại di động và Siemens hay BenQ cũng biến mất trong ngành điện thoại di động từ đó.
Có một lý do chung cho những sự biến mất trên đây là sự thiếu tập trung vì những BenQ, Siemens, Ericsson hay HP đều chỉ coi điện thoại di động là một ngành nghề “tay trái”. Khi nghề tay trái không mang lại lợi ích tương xứng, họ sẵn sàng đóng cửa để tập trung vào ngành nghề chính. Kết quả là những tên tuổi lớn một thời chính thức bị khai tử.
BlackBerry có đang giống Palm, Siemens hay Ericsson lúc hấp hối?
Thoạt trông có vẻ giống khi sự thật là BlackBerry đã lỗ 4 trong 5 quý gần đây nhất và thị phần sụt giảm nghiêm trọng (từ 50% xuống 3% ở Mỹ). Nhưng BlackBerry đang sở hữu gần 3 tỷ tiền mặt trong tài khoản, 70 triệu khách hàng thân thiết, 2 hệ điều hành điện thoại thông minh – BBOS và BlackBerry 10, 1 mạng xã hội trên di động BBM. Trên hết, sự khác biệt cơ bản nhất của BlackBerry với các thương hiệu đã chết kia là sự tập trung khi BlackBerry không có gì khác ngoài thiết bị và hệ điều hành BlackBerry. Và sự tập trung ấy được khẳng định rõ ràng hơn khi RIM đổi tên thành BlackBerry hồi đầu năm. Vậy có thể khẳng định BlackBerry không chết, BlackBerry chỉ đang tìm giải pháp để Sống hay Không sống mà thôi.
Kịch bản nào cho BlackBerry?
Không sống – BlackBerry tiếp tục làng nhàng “dở sống dở chết” với một hệ điều hành BBOS vốn đã già cỗi, một BlackBerry 10 mãi không chịu lớn, những chiến dịch quảng cáo truyền thông “trừu tượng” và tốn kém, BlackBerry vẫn bán được cho một số người nhưng kém thuyết phục với hầu hết. Đâu đó, người ta vẫn thấy BlackBerry trong tay một số người dùng, nhưng BlackBerry không còn là niềm tự hào về một thiết bị thông minh nữa.
Sống – BlackBerry tối ưu chi phí sản xuất để “phổ cập” BlackBerry 10 nhờ giá tốt, tập trung nguồn lực phát triển BlackBerry 10 để hệ điều hành mươt và nhiều ứng dụng, chiến dịch quảng bá rầm rộ với thông điệp đơn giản và “trúng” tâm lý người dùng, mạng xã hội BBM (BBM trên nhiều nền tảng và BBM Channel) cần được phát triển độc lập để tạo sự hiểu biết về BlackBerry. Với những mục tiêu để Sống như trên, BlackBerry cần một hoặc nhiều đối tác hợp tác phát triển, và đó cũng có thể là lý do Ủy ban đặc biệt được ra đời.
Chắc chắn BlackBerry không chết, không sụp đổ như phỏng đoán, nhưng sẽ Sống hay Không sống. Với những người yêu thương hiệu BlackBerry, BlackBerry cần phải sống cho ra sống để mãi mãi, trên tay họ, thương hiệu BlackBerry lấp lánh niềm tự hào không khoa trương về một thiết bị dành cho những người am hiểu và bận rộn. Đó mới chính là BlackBerry!