Thi tốt nghiệp 4 môn: Trò vui, nhà trường phấn khởi

Cập nhật: 03/03/2014

Với việc thi tốt nghiệp THPT 4 môn thay vì 6 môn, quy định mới của Bộ GD-ĐT nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía học sinh và các trường. Với phương án này, học sinh chủ động hơn trong việc lựa chọn môn thi phù hợp với năng lực và nguyện vọng của mình.

thitotnghiep-be74c

Phương án thi tốt nghiệp THPT 4 môn nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các em học sinh.

Chiều ngày 24/2, Bộ GD-ĐT công bố một số nội dung về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Theo đó, số môn thi giảm từ 6 môn xuống còn 4 môn, gồm 2 môn thi bắt buộc là Toán và Ngữ văn, 2 môn tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử và Ngoại ngữ. Kết quả tốt nghiệp sẽ được tính 50% qua bài thi, 50% còn lại là kết quả học tập, rèn luyện của học sinh trong năm lớp 12.

Như vậy, thi 4 môn sẽ giảm được áp lực tâm lý cho các em và cũng sẽ “nhẹ nhàng” hơn so với việc thi 6 môn như trước. Bên cạnh đó, phương án thi tốt nghiệp THPT năm nay môn Ngoại ngữ không phải là môn bắt buộc mà là môn tự chọn. Các môn học sinh tự chọn đều nằm trong khối thi học sinh hướng đến trong kỳ thi đại học và có sự chuẩn bị khá kỹ từ trước.

Em Phan Anh Tú (lớp 12A1, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, TP Vinh, Nghệ An) hồ hởi: “Thi 4 môn thì học sinh chúng em giảm được áp lực học và thi nhiều lắm. Thi ít môn, thời gian ôn thi, thời gian thi đều giảm xuống, chúng em có thời gian tập trung cho ôn thi đại học”.

Còn em Hoàng Thị Phương Thảo (lớp 12A3, Trường THPT Thái Lão, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) lại bộc bạch: “Thi ít môn hơn các năm thì mừng lắm nhưng cũng lo lắng chị ạ. Sợ rằng đây là năm đầu tiên thực hiện nên sẽ khó hơn các năm trước”. Chia sẻ về 2 môn thi tự chọn, Thảo cho biết sẽ chọn môn Vật lý và Ngoại ngữ. Khi 4 môn thi tốt nghiệp đều năm trong 2 khối thi đại học thì Thảo sẽ thuận lợi hơn trong việc ôn thi.

Không chỉ các em học sinh vui mừng với quy định mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT mà phương án này cũng nhận được sự tán đồng từ các trường học. Tuy nhiên, việc cho học sinh được lựa chọn 2 môn thi tốt nghiệp đang dấy lên lo ngại liệu phương án này có dễ xảy ra tình trạng học lệch vốn đã tồn tại khá lâu trong ngành giáo dục hay không.

thitotnghiep---thayluong-be74c

Thầy Hoàng Minh Lương – Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Tập (TP Vinh): “Chưa có hướng dẫn cụ thể của Bộ GD-ĐT nên chúng tôi cũng khá băn khoăn về thời gian tổ chức các môn thi tự chọn”.

Về vấn đề này, thầy Hoàng Minh Lương – Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Tập (TP Vinh) chia sẻ: “Chúng ta không thể ôm đồm trong giáo dục được khi mà trước đó, việc phân ban đã được phân hóa từ cấp 3. Học sinh ít chọn các môn xã hội đã là tất yếu. Hiện nay, với xu thế chọn ngành, chọn nghề thì tình trạng học lệch cũng đã diễn ra rồi”.

Trong khi cô Nguyễn Thị Kiều Hương – Hiệu trưởng Trường THPT Đô Lương 1 (huyện Đô Lương, Nghệ An) lại cho rằng tình trạng học lệch sẽ không diễn ra hoặc nếu diễn ra chỉ ở một vài trường hợp cá biệt bởi các môn học khác đều được dạy và học đầy đủ theo lịch phân công ở các nhà trường.

Điểm mới trong thi tốt nghiệp THPT năm 2014 là điểm tốt nghiệp sẽ bằng điểm thi cộng với kết quả học tập năm lớp 12 của học sinh. Cách tính này liệu có đánh giá một cách công bằng năng lực của học sinh hay không khi điểm thi thấp mà điểm tổng kết cao hoặc ngược lại. Và liệu có xảy ra tình trạng các trường “thả nổi” chất lượng lớp 12 để đảm bảo chắc chắn các em sẽ đậu ngay cả khi điểm thi tốt nghiệp thấp?

Cô Nguyễn Thị Kiều Hương bày tỏ quan điểm: “Bản thân tôi rất đồng tình với phương án thi tốt nghiệp 4 môn của Bộ GD-ĐT. Nó giúp các em học sinh và các trường giảm áp lực trong việc ôn luyện và thi cử. Về việc có thả nối chất lượng lớp 12 hay không thì theo tôi không có trường nào “mạo hiểm” với danh tiếng của mình như vậy đâu. Danh tiếng của một trường sẽ được tính bằng số lượng học sinh đậu các kỳ thi học sinh giỏi và đậu đại học. Nên nếu thả nổi chất lượng lớp 12 để đảm bảo tỷ lệ đậu tốt nghiệp cao trong khi số em đậu đại học lại thấp thì cũng ảnh hưởng lớn đến uy tín của trường”.

Việc đăng ký thi tốt nghiệp sẽ được các em lựa chọn theo hướng môn thế mạnh của mình. Như vậy, trong một trường, một hội đồng thi sẽ phải tổ chức nhiều môn thi (hoặc có tất cả các môn thi theo đề xuất của Bộ GD-ĐT). Vậy liệu phương án mới này có thực sự giảm tải cho các đơn vị tổ chức thi trong việc chuẩn bị đề thi, bố trí giáo viên coi thi, chấm thi? Và liệu 2 môn thi tự chọn của thí sinh có bị trùng thời gian thi với nhau?. Trong trường hợp 2 môn tự chọn của thí sinh sẽ thi trong cùng 1 buổi, vậy liệu có thực sự giảm được áp lực cho thí sinh hay không?.

Về vấn đề này, thầy Hoàng Minh Lương cũng bày tỏ sự băn khoăn: “Hiện các trường chưa nhận được hướng dẫn cụ thể từ Bộ GD-ĐT nên cũng khá băn khoăn trong việc thời gian tổ chức môn thi tự chọn. Các em có bị thu hẹp vùng lựa chọn không khi các môn thi tự chọn được bố trí trong một ngày. Nếu vậy phải chia là 2 ca thi, phải phân vùng sắp lịch thi thì các em có thể chọn môn thi phù hợp với năng lực của mình không. Nên chăng Bộ Giáo dục công bố lịch thi cụ thể từng môn tự chọn trước, trên cơ sở đó, học sinh đăng ký môn thi thì sẽ thuận lợi hơn”.
Ông Phạm Huy Đức – nguyên Chánh VP Sở GD-ĐT Nghệ An: “Tôi cho đây là một quyết định hợp lòng dân của Bộ GD-ĐT; đây cũng là một quyết định thể hiện sự nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý từ các lực lượng xã hội của Bộ, dẫu rằng vẫn đang ở mức chuyển giai đoạn. Kỳ thi tốt nghiệp THPT đang được Bộ tiếp tục nghiên cứu, đổi mới theo hướng: chuyển dần từ 4 môn thi thành 4 bài thi;nội dung của mỗi bài thi bao gồm phần cơ bản và phần nâng cao. Công bố này trở thành hiện thực mới hy vọng chấm dứt được tình trạng học lệch của học sinh; giúp học sinh học tập, phát triển toàn diện; tạo thước đo khách quan, khoa học để các trường ĐH, CĐ sử dụng trong việc tự chủ tuyển sinh, hướng tới có một kỳ thi quốc gia đáp ứng cả yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT, cả yêu cầu tuyển sinh ĐH, CĐ”.
Hoàng Lam
Tác giả