VNCA kiến nghị các Bộ ngành có giải pháp tăng lượng tiêu thụ xi măng nội địa

Cập nhật: 27/04/2024

Là một trong những ngành công nghiệp có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), thời gian qua, các doanh nghiệp xi măng trong nước gặp rất nhiều khó khăn. Hiệp hội Xi măng Việt Nam đã gửi văn bản tới Thủ tướng Chính phủ đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành Xi măng vượt qua giai đoạn này. Đồng thời kiến nghị với các Bộ ngành theo chức năng, nhiệm vụ có giải pháp hỗ trợ ngành Xi măng, các doanh nghiệp sản xuất xi măng để tăng lượng tiêu thụ xi măng nội địa.

Tại các nước mới phát triển từ nước nghèo, chậm phát triển khi thu nhập GDP bình quân đầu người hàng năm đạt khoảng trên 4.000 USD thì nhu cầu xi măng đạt trên 1000 kg/người/năm. Mức tiêu thụ xi măng nội địa của Việt Nam hiện nay đang thấp, chỉ đạt chưa đến 650 kg/người/năm. Để tăng tiêu thụ xi măng nội địa, phù hợp với sức của nền kinh tế hiện tại và nhu cầu khách quan về đầu tư kết cấu hạ tầng, nhà ở, nhà ở xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay.
XMTVS
Hiệp hội Xi măng Việt Nam đề xuất một số kiến nghị với các Bộ, ngành giải quyết theo thẩm quyền các vấn đề, cụ thể:• Đối với Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng: Đề nghị chỉ đạo triển khai xây dựng các tuyến đường dạng cầu cạn, đường bê tông xi măng cốt thép thay cho đường đắp nền đất ở những nơi thích hợp. Công nghệ này phù hợp với những nơi nền đất yếu và những nơi cần cho lũ thoát qua. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai công tác xây dựng hạ tầng đô thị, nông thôn, nhà ở xã hội, thị trường bất động sản.

• Đối với Bộ Tài Chính: Báo cáo Chính phủ sớm trình Quốc hội thông qua việc bỏ thuế xuất khẩu với clinker. Còn trong ngắn hạn, nếu chưa bãi bỏ, Hiệp hội Xi măng đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ cho giữ nguyên thuế xuất khẩu với clinker trong 2 năm tiếp theo là 5% và được khấu trừ VAT.

• Đối với Ngân hàng Nhà nước: Đề nghị xem xét, nghiên cứu và chỉ đạo các ngân hàng giãn nợ, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp xi măng; ưu tiên các doanh nghiệp xi măng được vay vốn lưu động và không khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào dự án xi măng tại Việt Nam.

• Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường: Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo có chính sách khuyến khích về tài chính, thủ tục, thuế, phí đối với việc đầu tư, vận hành các thiết bị đồng xử lý, tái chế các chất thải trong nhà máy xi măng. Ban hành chính sách miễn, giảm, khấu trừ chỉ tiêu phát thải khí nhà kính đối với các doanh nghiệp sử dụng nhiên liệu thay thế là rác thải, chất thải trong sản xuất.

• Đối với Bộ Công thương: Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc xuất khẩu, bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp Việt Nam, tránh các rủi ro phát sinh từ các nước nhập khẩu…

(Nguồn ximang.vn) Phòng Marketing – Ban Kinh doanh nội địa tổng hợp!
Tác giả

Trả lời

*