Bộ Xây dựng dự báo nhu cầu về vật liệu xây dựng tăng đột biến trong quý 3
Đáng chú ý, theo dự báo của Bộ Xây dựng, trong 3 tháng tới, giá cát, đá xây dựng vẫn tiếp tục tăng do từ đầu năm 2023 đến nay các dự án giao thông trọng điểm đã được khởi công đồng loạt trên cả nước.
Về diễn biến thị trường từ đầu năm 2023 đến nay, ông Biên cho hay giá cát có xu hướng tăng, bình quân tăng 1,52% hằng tháng do nhu cầu xây dựng tăng. Trong đó, giá cát ở các tỉnh miền Nam có xu hướng tăng mạnh hơn (bình quân 3,4%/tháng) do yếu tố nguồn khai thác, nhu cầu sử dụng cao hơn miền Bắc và miền Trung. Tính chung, giá cát xây dựng quý II tăng 2,5% so với quý I/2023.
Giá đá xây dựng trong 6 tháng đầu năm cũng có xu hướng tăng nhẹ nhưng đều và giữ ổn định. Trong đó, giá đá xây dựng trong quý I/2023 tăng 2,7% so với dịp cuối năm 2022; trong quý II/2023, giá đá xây dựng tăng 2,7% so với quý I/2023.
Theo Cục Kinh tế xây dựng, việc tăng giá cát, đá xây dựng trên có thể do nhu cầu sử dụng cho các công trình giao thông đang thi công ở các khu vực trên cả nước, nhất là các dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 tại miền Trung và miền Nam. Bên cạnh đó, việc khan hiếm nguồn cát tự nhiên dùng trong thi công và nhu cầu chuyển đổi sang dùng vật liệu cát công nghiệp sản xuất từ đá cũng tăng mạnh.
Trước tình hình giá cả leo thang nêu trên, Bộ Xây dựng dự báo giá cát, đá xây dựng vẫn tiếp tục tăng trong 3 tháng tới do nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng của các dự án giao thông trọng điểm đã được khởi công đồng loạt trên cả nước. Trong đó, có thể kể đến một số dự án trọng điểm như: 10 dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 đoạn từ tỉnh Hà Tĩnh đến tỉnh Khánh Hòa; vành đai 4 tại thành phố Hà Nội; vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu…
Đại diện Cục Kinh tế xây dựng cũng lưu ý nhiều khả năng các dự án trên sẽ khiến nhu cầu về đất đắp, đá, cát xây dựng trong thời gian tới tăng đột biến, gây khó khăn cho cả chủ đầu tư, đơn vị thi công và chính quyền các địa phương. Trong đó, những “điểm nóng” về vật liệu sẽ tập trung tại 3 điểm là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Riêng đối với thị trường xi măng, thép xây dựng và nhựa đường, Cục Kinh tế xây dựng nhận định giá sẽ giữ ổn định hoặc giảm nhẹ trong quý III do khả năng cung cấp và sản xuất luôn đáp ứng được nhu cầu thi công xây dựng và xuất khẩu.