Tiêu thụ xi măng dự báo tăng trưởng tốt trong năm 2021
Đầu tư công là tiền đề quan trọng kích thích các nguồn lực của khối tư nhân và thu hút đầu tư nước ngoài, từ đó đẩy mạnh vốn đầu tư toàn xã hội, kích thích nhu cầu xây dựng.
Tăng trưởng sẽ rõ rệt hơn từ năm 2021 trở đi khi nhu cầu xây dựng dân dụng và công nghiệp tăng nhanh nhờ cơ sở hạ tầng được cải thiện mạnh ở nhiều địa phương.
Các dự án đầu tư công trọng điểm như cải tạo, mở rộng cao tốc Bắc – Nam, xây dựng các tuyến đường kết nối, liên tỉnh, sân bay,…sẽ cải thiện chất lượng logistics của Việt Nam, thúc đẩy kết nối liên vùng.
Làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia lân cận sau dịch sẽ thu hút lượng lớn vốn FDI và hỗ trợ xây dựng công nghiệp
Sản lượng xuất khẩu clinker và xi măng của Việt Nam bật tăng từ tháng 7/2020 do xuất khẩu sang Trung Quốc tăng. Hoạt động xây dựng hạ tầng ở Trung Quốc tăng mạnh nhờ chính sách kích thích đầu tư sau khi mở cửa lại nền kinh tế làm gia tăng mạnh nhu cầu đối với các loại vật liệu xây dựng.
Trong khi đó, sản xuất nội địa chưa thể tăng bắt kịp nhu cầu đã khiến Trung Quốc phải nhập khẩu lượng lớn các sản phẩm thép, xi măng. Với vị trí địa giáp với Trung Quốc và hệ thống vận tải biển thuận lợi, Việt Nam đã tận dụng tốt lợi thế để tăng xuất khẩu xi măng và clinker, giảm bớt tình trạng dư thừa tại thị trường nội địa.
BSC đánh giá nhu cầu nhập khẩu xi măng của Trung Quốc sẽ giữ ở mức cao tương đương tháng 8 – 9/2020 cho đến đầu năm 2021. Xuất khẩu xi măng sang Trung Quốc sẽ giúp giảm bớt cạnh tranh tại thị trường nội địa, đặc biệt đối với các DN xi măng khu vực phía Bắc và Bắc miền Trung.