6 tháng: Xuất khẩu xi măng, clinker giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022
Là thị trường xuất khẩu xi măng lớn của Việt Nam (ước tính khoảng 65% lượng xi măng, clinker xuất khẩu) nhưng từ đầu năm đến nay, tình hình xuất khẩu xi măng sang Trung Quốc khá ảm đạm, do thị trường bất động sản nước này chưa hồi phục hoàn toàn. Quý I/2023, giá trị xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc chỉ đạt gần 11,4 triệu USD, giảm 95% so với cùng kỳ.
Thị trường xuất khẩu xi măng lớn thứ hai của Việt Nam là Philippines. Nhưng vừa qua nước này đã chính thức công bố áp thuế chống bán phá giá tạm thời với sản phẩm xi măng từ Việt Nam, khiến xuất khẩu xi măng sang thị trường này không mấy dễ dàng.
Ngoài tìm cách xuất khẩu sang các thị truyền thống như: Philippines, Trung Quốc, Banglades, các doanh nghiệp xi măng đang tích cực tìm kiếm thị trường mới. Hiện nhiều doanh nghiệp tìm cách xuất khẩu xi măng, clinker sang khu vực châu Mỹ. Nhưng lượng xuất khẩu sang thị trường này chưa nhiều.
Còn phương án xuất khẩu xi măng sang châu Âu như “bước vào cửa khó”, bởi dự kiến từ tháng 10/2023, 27 quốc gia thành viên trong Liên minh châu Âu (EU) thực hiện thí điểm cơ chế điều chỉnh biên giới carbon. Từ năm 2026, EU sẽ đánh thuế carbon lên sắt thép, xi măng, phân bón. Các nhà nhập khẩu phải báo cáo lượng khí thải có trong xi măng, clinker, nếu lượng khí thải này vượt quá tiêu chuẩn của EU sẽ phải mua “chứng chỉ khí thải” theo mức giá carbon hiện nay tại EU. Buộc nhà sản xuất xi măng phải giảm lượng phát thải đạt chuẩn, theo yêu cầu của EU. Như vậy, về lâu dài, đây là thị trường “khó tính”, các doanh nghiệp xi măng Việt Nam không dễ đặt chân đến thị trường này, nếu không chuyển đổi sản xuất xanh.
Bên cạnh đó, từ 01/01/2023, thuế xuất khẩu clinker tăng từ 5% lên 10%, theo Nghị định số 101/2021/NĐ-CP, nhằm hạn chế xuất khẩu sản phẩm dùng nhiều nguyên liệu, nhiên liệu và tài nguyên không tái tạo. Thuế xuất khẩu tăng nhưng giá clinker xuất khẩu không tăng, khiến khó khăn doanh nghiệp càng thêm chồng chất.