Những người gác biển
Ngoài nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo, cán bộ chiến sĩ Hải đội 2 – BĐBP Nghệ An còn trực tiếp tham gia cứu hộ, cứu nạn ngư dân, phương tiện hoạt động trên biển. Họ được gọi là những người con của biển.
Giới thiệu sơ qua về đơn vị, Thượng tá Nguyễn Xuân Phương – Hải đội trưởng Hải đội 2 – Bộ đội biên phòng Nghệ An cho biết: “Hải đội 2 là đơn vị tàu thuyền cơ động chiến đấu, quản lý vùng biển Nghệ An với diện tích 32 hải lý. Nhiệm vụ chủ yếu của đơn vị là tuần tra, kiểm soát bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo, đấu tranh với các loại tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội khu vực biển; Tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển”.
Giữ yên vùng biển
Đóng quân nơi cửa biển, vị mặn mòi của biển cả ngấm vào da thịt, ngấm cả vào cách nói chuyện hào sảng của cán bộ, chiến sỹ Hải đội 2 – Bộ đội biên phòng Nghệ An. Họ – từ nhiều nơi đã tụ hội về đây, sống với biển, chiến đấu trên biển để thực hiện nhiệm vụ của người lính canh giữ bình yên vùng biển thân yêu của Tổ quốc.
Nhiệm vụ tuần tra bảo vệ biển và bảo vệ bờ biển là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Hải đội 2. Với hơn 80km bờ biển, trải dài trên diện tích 32 hải lý trong khi phương tiện tuần tra chưa được trang bị một cách hiện đại và đồng bộ là một thách thức không nhỏ cho các cán bộ, chiến sỹ Hải đội 2.
Cách đây ngót 20 năm, tình hình buôn lậu trên biển hết sức nóng bỏng. Các đối tượng thường lợi dụng những cơn áp thấp nhiệt đới để xuất phát, trang bị cả vũ khí và phương tiện thông tin liên lạc, tàu thuyền hiện đại. “Mỗi khi nhận được tin báo, dù mưa bão hay đêm tối, chúng tôi ngay lập tức xuất quân. Các đối tượng buôn lậu thường hung hãn, ngoan cố chống trả lực lượng chức năng. Đã có những đồng chí bị thương trong quá trình chiến đấu nhưng vẫn cố gắng áp sát tàu, khống chế từng đối tượng”, đại úy Trần Công Dần, người đã có thâm niên 20 năm bám biển nhớ lại.
Trong giai đoạn hiện nay, khi vấn đề biển Đông đang có nhiều diễn biến phức tạp thì nhiệm vụ của Hải đội 2 nặng nề hơn. Trong đó, tình trạng tàu thuyền nước ngoài công suất lớn tìm cách xâm phạm chủ quyền vùng biển, đánh trộm hải sản tại các ngư trường của ta, thậm chí gây hấn tàu thuyền của ngư dân ta trên vùng biển đánh cá chung. Những lúc như vậy, chiến sỹ Hải đội 2 trở thành những người “bạn thuyền”, xua đuổi tàu lạ, bảo vệ người và tài sản cho ngư dân. Họ – những người lính biển trở thành vành đai bảo vệ cho ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Vượt sóng dữ cứu tàu bị nạn
Nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển được xem là nhiệm vụ trọng tâm của cán bộ, chiến sỹ Hải đội 2 – Bộ đội biên phòng Nghệ An. Là khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những cơn bão trên biển, trung bình mỗi năm Nghệ An đón 10-12 cơn bão lớn. Cùng với các lực lượng khác, Hải đội 2 có nhiệm vụ ứng trực, sẵn sàng ứng cứu, tổ chức cứu hộ, cứu nạn ngư dân gặp sự cố trên biển.
Có những đợt mưa bão, khu vực ngư dân xảy ra tai nạn đắm thuyền quá xa. Nhận được tin báo, bất kể đêm tối, bão bùng, những biên đội Hải đội 2 lại tức tốc vượt sóng dữ lên đường. Đại úy Trần Công Dần kể: “Sóng lớn, tàu bị dồi lên dập xuống lắc lư dữ dội. Anh em say sóng lả cả người nhưng đến khu vực tàu ngư dân bị nạn, nhìn thấy niềm vui lóe sáng ở những khuôn mặt mệt mỏi, kiệt sức và đầy vẻ sợ hãi, mọi người như được tiếp thêm động lực để triển khai công tác cứu nạn”.
15h ngày 18/11/2013, Hải đội 2 nhận được tin báo tàu cá mang số hiệu HT1018TS gặp nạn phía tây đảo Ngư, trên tàu có 5 ngư dân. Một biên đội 2 tàu tức tốc được điều tới hiện trường. Khi lực lượng cứu hộ ra đến nơi, nước đã ngập 2/3, tàu có nguy cơ chìm xuống biển. Một mặt tổ chức đưa ngư dân sang tàu cứu hộ, một mặt chằng kéo neo tàu bị nạn, dùng máy bơm hút nước và lai dắt về đất liền bàn giao cho chính quyền địa phương.
Vậy nhưng không phải lần nào việc cứu hộ cũng có kết quả như mong muốn. Để mỗi ngư dân, mỗi tàu đánh cá phải nằm lại dưới biển đó là sự day dứt đến bạc đầu của những người “gác biển” nơi đây. Mỗi lần nhắc tới câu chuyện cứu hộ tàu Tân An, thượng tá Nguyễn Xuân Phương không khỏi ngậm ngùi.
“Ngày 29/10/2013, chúng tôi nhận được tin báo về sự mất tích của tàu Tân An. Trên tàu có 10 thuyền viên là người Quỳnh Lưu (Nghệ An). Lực lượng cứu hộ được điều đi ngay trong đêm nhưng do khu vực bị nạn quá xa nên khi tới nơi thì không phát hiện được dấu vết. Sóng to, gió lớn, mặc dù có sự hỗ trợ của ngư dân nhưng mọi nỗ lực tìm kiếm đều thất bại. Mở rộng khu vực tìm kiếm, “quần nát” cả một vùng biển rộng lớn đều không tìm được dấu vết của con tàu và 10 ngư dân. 10 ngư dân và tài sản tích góp cả đời của hộ đã vĩnh viễn nằm lại dưới biển…”, thượng tá Phương kể.
Trong câu chuyện của vị Hải đội trưởng có cả nỗi đau đớn, day dứt và bất lực trước sự cuồng nộ của thiên nhiên. Trong khi đó, sức người lại nhỏ bé quá!
Biển vẫn thế, lúc dữ dội, lúc lại dịu dàng bao dung và nuôi sống hàng vạn ngư dân. Những đoàn thuyền đánh cá lại dong buồm ra khơi lúc đêm xuống và trở về khi binh minh lên, vững vàng và yên tâm bởi những ngư dân nơi đây luôn biết những người lính biển luôn dõi theo và có mặt vào những lúc họ cần nhất.
Hoàng Lam