Điện toán đám mây ở Việt Nam: Có một tương lai

Cập nhật: 07/12/2013

Không đến nỗi lên “cơn sốt” như thời “đại dịch xuất khẩu phần mềm”. Không gây nhiều tranh cãi: có, không, lúc nào như “cuộc hôn nhân với  3G”, Điện toán đám mây (cloud computing) thâm nhập vào thị trường CNTT Việt Nam lặng lẽ y như tính chất của một đám mây và nhẹ nhàng lan tỏa cho đến khi Steve Ballmer xuất hiện…

Trong lần thứ hai đến Việt Nam vào cuối tháng 5/2010, Steve Ballmer đã thực sự khuấy động thị trường CNTT Việt Nam đang đi vào thời trầm lắng với “đám mây” đầy màu sắc của ông bởi những cuộc giao lưu, những ký kết hợp tác mang phong cách hết sức đặc sắc của mình. Qua đó, TGĐ điều hành của Microsoft đã mang đến thông điệp: “Điện toán đám mây sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho Việt Nam”; “Những người sáng tạo phần mềm, dữ liệu và các nội dung khác sẽ có khả năng phân phối trên toàn cầu và kiếm tiền một cách dễ dàng hơn. Việc đầu tư vào phần mềm mới sẽ thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới đem lại lợi ích cho người sử dụng. Chìa khóa thành công của mô hình kinh doanh này là bảo vệ được tính riêng tư, bảo mật cho người sử dụng”…

Sự hoạt náo của Steve Ballmer và thông điệp của ông đã khiến cả giới CNTT lẫn những người ngoại đạo về công nghệ ở Việt Nam thắc mắc, điện toán đám mây là gì, sao hấp dẫn quá vậy?

 

 

Điện toán đám mây là gì?

Môi trường điện toán đám mây được Amazon đưa ra đầu tiên, có thể nói là một ý tưởng đơn giản nhưng là một cuộc cách mạng về tư duy dù không phải là hoàn toàn mới. Đến 2007, điện toán đám mây được thực sự quan tâm và đang đứng đầu trong các xu hướng công nghệ hiện đại.

Điện toán đám mây có thể hiểu đơn giản là sử dụng tài nguyên tính toán có khả năng thay đổi theo nhu cầu được cung cấp như là một dịch vụ từ bên ngoài với chi phí trả cho mỗi lần sử dụng. Bạn có thể truy cập đến bất kỳ tài nguyên nào tồn tại trong “đám mây (cloud)” tại bất kỳ thời điểm nào và từ bất kỳ đâu thông qua hệ thống Internet. Trước đây, để có lợi thế cạnh tranh, các công ty phải dành thời gian, tiền bạc và nhân lực xây dựng cơ sở hạ tầng và để thành công thì công thức xây dựng phải là  xây dựng trước và khi cần đến là sử dụng.

Với công thức này, sẽ có một lượng lớn các tài nguyên tính toán không được sử dụng làm tiêu tốn không gian trong các trung tâm dữ liệu lớn. Một mặt phải cần đến người trông giữ các máy chủ, tiêu tốn chi phí năng lượng, mặt khác, công suất tính toán không được sử dụng bị bỏ phí mà không có cách nào chuyển sang công ty khác hay người dùng khác cho dù họ tình nguyện chi trả cho các chu kỳ tính toán thêm vào. Với điện toán đám mây, các máy tính dư thừa có thể đưa và sử dụng và được sinh lời bằng cách bán cho khách hàng. Và bạn có thể tham gia vào đó với tư cách của cả người cung cấp lẫn người sử dụng, được trả chi phí hoặc được lựa chọn trả chi phí cho nhà cung cấp nào có giá và dịch vụ tốt nhất.

Steve Chang, Chủ tịch HĐQT Trend Micro – Tập đoàn công nghệ được mệnh danh là Microsoft của châu Á thì định nghĩa ngắn gọn về đám mây thế này: Cách đây hàng trăm năm, khi mọi người toàn dùng máy nổ để phát điện, có một người đã đưa ý tưởng xây nhà máy phát điện thì nhiều người e ngại vì nhỡ nhà máy điện “chết” thì sẽ không có điện dùng nên để cho chắc mỗi nhà cứ có một máy nổ. Phải mất 20 năm, người ta mới quen cứ cắm phích vào ổ điện là có điện, thay vì chạy máy nổ tại nhà. Quan điểm về điện toán đám mây có thể hiểu đơn giản như dùng điện, dùng bao nhiêu, trả tiền bấy nhiêu và đơn giản không phải đầu tư gì cả, chỉ việc mua phích điện. Từ quan điểm đó, Steve Chang cho rằng một quốc gia châu Á cũng cần phải tự xây cho mình một “nhà máy phát điện riêng”. Và, Trend Micro đã bắt đầu từ sáng kiến xây nhà máy điện với mục tiêu “miễn phí”, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm đó với các quốc gia khác.

Còn với Steve Ballmer, Tổng giám đốc điều hành của Microsoft, ông lại đưa đến một thực tế ở ngay trong gã khổng lồ Microsoft: “Tất cả chúng tôi đều ở trong (đám mây).” Riêng trong năm 2010, Microsoft bỏ ra 9,5 tỷ USD cho việc nghiên cứu, phát triển điện toán đám mây và hiện là công ty bỏ ra số tiền lớn nhất về đầu tư cho CNTT và điện toán đám mây. Hiện 70% trong số 40.000 người sáng tạo phần mềm tại Microsoft đang tập trung phát triển các sản phẩm và dịch vụ đám mây và năm 2012, con số này sẽ tiến tới 90%, Steve Ballmer kỳ vọng.

Tương lai của đám mây và tiềm năng của nó ở Việt Nam

Chỉ với một thời gian ngắn nhưng ngày càng nhiều doanh nghiệp dựa vào sự phát triển của các ứng dụng và nền tảng CNTT qua Internet hoặc “đám mây” để cung cấp những ứng dụng CNTT. Trên khắp thế giới, hiện tượng điện toán đám mây đang được tung hô như là một điều gì lớn lao sắp đến của ngành CNTT. Nó sẽ thay đổi cách con người làm việc, cách thức các công ty hoạt động cũng như khả năng sử dụng dịch vụ hiệu quả và tiết kiệm hơn. Theo dự báo của Công ty Dữ liệu quốc tế IDC, thị trường các dịch vụ đám mây trên toàn thế giới sẽ đạt quy mô khoảng 43 tỉ USD vào năm 2012. IDC cũng cho rằng những ứng dụng dịch vụ đám mây sẽ đạt tỷ lệ tăng trưởng hàng năm (CAGR) khoảng 27%, cao gấp khoảng 5 lần mô hình sử dụng các dịch vụ CNTT truyền thống.

Ở Việt Nam, đám mây bắt đầu được biết đến khi FPT – không hổ danh là nhà công nghệ hàng đầu của Việt Nam đã khẳng định vị thế tiên phong của mình trong công nghệ bằng lễ ký kết với Microsoft châu Á-Trend Micro để hợp tác phát triển “đám mây” ở châu Á. Và với FPT, đám mây đến bắt đầu từ nỗi sợ của gã khổng lồ và một chút duyên kỳ ngộ.

TGĐ FPT Nguyễn Thành Nam kể: Cách đây khá lâu, trong một lần trò chuyện với một lãnh đạo của Microsoft, tôi có hỏi: “Đối thủ của các ông hiện giờ là ai?”. Và tôi hoàn toàn bất ngờ khi nghe câu trả lời: “Giờ chúng tôi sợ nhất Amazon”.

Tôi khá ngạc nhiên không  hiểu điều gì khiến Microsoft lại sợ hãi một Amazon chỉ giỏi bán sách và bán hàng qua mạng. Tìm hiểu, tôi mới biết, Amazon là tổ chức đưa ra một khái niệm mới mang tên điện toán đám mây. Ngay lập tức, người đứng đầu của FPT suy nghĩ: “Phải chăng thế giới đang có một cuộc cách mạng công nghệ khác mà FPT chưa biết,” và Thành Nam bắt đầu quan tâm tới điện toán đám mây.  Đúng khi đó, thật tình cờ, một người bạn Nhật đã giới thiệu Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT FPT với Steve Chang, và kế tiếp là cuộc gặp gỡ của Steve Chang với  Nguyễn Thành Nam tại Đài Loan. Theo TGĐ FPT, mối nhân duyên FPT – Trend Micro là một sự xích lại gần nhau một cách kỳ lạ: “Chỉ sau hai cuộc gặp, mỗi cuộc gặp vỏn vẹn 15 phút và FPT hiểu rằng, với cuộc cách mạng công nghệ mới đang diễn ra, nếu chậm chân một chút, dù chỉ một chút thôi, chúng ta sẽ thua”.

Còn với Steve Chang, người đã bỏ thế giới công nghệ suốt 4 năm để đi… trồng rừng, sự chia sẻ về cơ hội mới của điện toán đám mây tại châu Á với hai con người đam mê và đầy nhiệt huyết với công nghệ mới của Việt Nam (Trương Gia Bình và Nguyễn Thành Nam) đã khiến ông quyết định tái xuất giang hồ trong lĩnh vực công nghệ để “cùng tham gia vào cuộc cách mạng mới (điện toán đám mây) một cách bình đẳng.

” Nhận định về hợp tác này, Steve Chang cho rằng, điện toán đám mây sẽ đem lại cơ hội cho Việt Nam bởi công nghệ hoàn toàn mới sẽ giúp giới trẻ Việt Nam vốn rất năng động sẽ có thêm điều kiện sáng tạo và phát huy tài năng của mình. Steve Chang cũng nhìn nhận rằng với tiềm năng về nhân lực, cơ sở hạ tầng và nhất là “tính sẵn sàng” của FPT hai bên sẽ không chỉ dừng lại ở cung cấp dịch vụ về điện toán đám mây ở Việt Nam mà sẽ vươn ra toàn cầu

Sau cuộc ký kết đó một tuần, FPT tiếp tục hợp tác cùng “đại gia” Microsoft. Tâm điểm của hợp tác này là một thỏa thuận nhằm phát triển nền tảng điện toán đám mây dựa trên công nghệ của Microsoft. Hai bên đều cùng hướng đến việc phát triển nền tảng cho các dịch vụ đám mây bao gồm truyền thông, hợp tác, lưu trữ dữ liệu và các dịch vụ hạ tầng, nhằm phục vụ nhu cầu của đông đảo khách hàng.

Theo Microsoft, từ sự hợp tác này, các doanh nghiệp lớn, nhỏ, các cơ quan chính phủ và các nhà cung cấp phần mềm độc lập sẽ sớm nhận được nhiều lợi ích từ nền tảng điện toán đám mây của Microsoft tại Việt Nam. Steve Ballmer chia sẻ: “Bản thân tôi rất lấy làm ấn tượng trước sự phát triển vượt bậc của FPT trong thời gian vừa qua, với tổng doanh thu lên tới hơn 1 tỷ USD, số lượng nhân viên hơn 10.000 người. FPT không chỉ dừng lại trong phạm vi một quốc gia mà còn vươn ra toàn cầu, khiến nhiều người phải ngước nhìn. Vì vậy, hợp tác với FPT, chúng tôi hy vọng sẽ giúp các tổ chức tại Việt Nam tiếp cận điện toán đám mây tốt hơn, một cách tiếp cận tổng thể mới, trong đó có sự kết hợp giữa đám mây và các dịch vụ tại chỗ”.

Đánh giá cơ hội của đám mây tại Việt Nam và với các doanh nghiệp trong nước, cũng như của FPT ông Nguyễn Thành Nam chia sẻ: “ViệtNam không phải là nước dẫn đầu về công nghệ nên chỉ có thể cảm nhận và bắt kịp những làn sóng công nghệ mới của thế giới. Đây là một cơ hội tốt cho Việt Nam. Nếu chúng ta không làm là chậm”. Theo Nguyễn Thành Nam, với việc bắt tay với hai “anh bạn” lớn, FPT sẽ được hỗ trợ nhiều về công nghệ và khả năng nắm bắt nhanh các xu hướng công nghệ từ Trend Micro và Microsoft- hai tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. “Cũng phải nói thêm rằng, sự hợp tác giữa FPT với Trend Micro và Microsoft không chỉ là quan hệ giữa hãng – hãng, mà còn là quan hệ giữa cá nhân các vị lãnh đạo các tập đoàn như Steve Balmer, như Steve Chang… – những người dẫn dắt và đứng vị trí số 1 trong làng công nghệ của thế giới và FPT – đơn vị đi đầu trong công nghệ tại Việt Nam,” ông Nam nhấn mạnh.

“Điện toán đám mây là nền tảng công nghệ mà FPT chờ đợi. Tôi cho rằng FPT sẽ được nhiều từ điện toán đám mây: người FPT sẽ được đào tạo và học hỏi nhiều và khi giá thành của dịch vụ công nghệ rẻ hơn thì dễ thành công hơn… Tuy nhiên, rủi ro mà FPT có thể gặp là sẽ phải dành công sức và thời gian cho việc học hỏi, nghiên cứu và tất nhiên là có thể hàng chục triệu đô chi phí đầu tư. Nhưng, FPT thấy rằng giá trị thu được sẽ lớn hơn rủi ro.” Việc hợp tác với các đối tác công nghệ mới luôn nằm trong chiến lược của FPT, FPT thực sự muốn phát triển công nghệ mới. Trong vai trò người tiên phong, FPT hi vọng Chính phủ ViệtNam, doanh nghiệp và các hộ dân đều quan tâm, thích thú với công nghệ này. Mục tiêu của chúng tôi là thực hiện được hoài bão, đưa công nghệ đám mây tới tất cả mọi người với một giá thành rẻ,” TGĐ FPT kỳ vọng.

Với hai cái bắt tay, một với Trend Micro, một với Microsoft về điện toán đám mây, không còn bàn cãi về sự hào hứng của tổ chức công nghệ hàng đầu Việt Nam trong cuộc cách mạng CNTT thông tin mới và cũng như những hứa hẹn không nhỏ về doanh thu trong lĩnh vực này. Dễ hiểu khi Steve Ballmer và Trương Gia Bình làm chứng cho lễ ký hợp tác điện toán đám mây giữa Microsoft và FPT, thì tại thị trường chứng khoán, cổ phiếu FPT lên đến kịch trần. Động thái tích cực đó, hy vọng sẽ mở ra một thời kỳ mới triển vọng cho ngành CNTT ViệtNam và tác động trở lại với nền kinh tế. Hãy hy vọng thế và hành động để đạt hy vọng đó!

Nguồn An ninh thế giới

Tác giả