“Vẻ đẹp Mỹ”: Bộ phim của sự đẹp đẽ và… ghê tởm

Cập nhật: 18/02/2014

“American Beauty” – bộ phim thắng lớn tại Oscar năm 2000 là một tác phẩm điện ảnh vừa vui vẻ, hài hước vừa buồn bã, u ám; vừa đẹp đẽ, nhân văn lại vừa xấu xa, ghê tởm… Nó chạm tới những góc sâu xa, thầm kín, thậm chí đen tối nhất của con người.

“American Beauty” từng dẫn đầu số lượng đề cử tại giải Oscar năm 2000 với tổng cộng 8 đề cử. Sau đó, phim đã giành về 5 tượng vàng cho Phim xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc, Diễn viên nam chính xuất sắc, Kịch bản xuất sắc và Quay phim xuất sắc nhất. “American Beauty” cũng được coi là bộ phim hay nhất năm 1999, đạt doanh thu hơn 350 triệu đô la.

Sự đổ vỡ trong cuộc sống hoàn hảo

“Vẻ đẹp Mỹ”: Bộ phim của sự đẹp đẽ và... ghê tởm

“American Beauty” (Vẻ đẹp Mỹ – 1999) xoay quanh nhân vật nam chính Lester Burnham, một người đàn ông trung niên thành đạt với vợ đẹp, nhà đẹp, con xinh, công việc tốt. Thế nhưng Lester luôn cảm thấy mình là một kẻ thất bại hoàn hảo, thất bại trên mọi “mặt trận”.

Ở nhà, bị vợ coi thường, bị con gái ghét bỏ, không có tiếng nói trong gia đình; ở cơ quan, bị sếp khinh rẻ… “Theo một nghĩa nào đó, tôi như đã chết rồi”, chính Lester tự nhận như vậy.

Lester chán ghét công việc và cả cuộc sống gia đình. Vợ anh – Carolyn – là một người phụ nữ thực dụng, giả tạo, cuộc hôn nhân của họ thực sự đã chết nhưng không ai trong hai người dám phá bỏ để công khai với những người xung quanh rằng họ đã thất bại trong hôn nhân.

Trong “American Beauty”, mỗi người có một cuộc khủng hoảng riêng, từ người lớn cho tới con trẻ, ai cũng có những bất ổn, dị thường, có người công khai, có người giấu kín, nhưng tất cả họ đều không muốn tìm tới nhau để cùng giải quyết. Khoảng cách càng lúc càng lớn và bi kịch gia đình càng lúc càng trở nên không thể cứu vãn.

Giam cầm và giải phóng

Hình ảnh nhân vật nam chính Lester ngồi thừ bên bàn làm việc, khuôn mặt in lên màn hình máy tính với những cột số chạy dọc ở đầu phim, ngay lập tức khiến người xem liên tưởng tới một người đàn ông đang bị giam cầm sau chấn song sắt. Đối với nhân vật Lester, quả thực, anh đang bị giam cầm trong cuộc sống của chính mình.

“Vẻ đẹp Mỹ”: Bộ phim của sự đẹp đẽ và... ghê tởm

Tất cả mọi sự rỗng tuếch, vô nghĩa trong công việc và cuộc sống gia đình bỗng nhiên bị thổi bay và Lester như được “tái sinh” sau khi gặp Angela – bạn học của cô con gái Jane. Lester bắt đầu nuôi trong đầu những ảo vọng ái tình với “nàng Lolita” Angela. Bắt đầu từ đây, Lester muốn được giải phóng, muốn nổi loạn dù đã ở tuổi trung niên.

Lester muốn thay đổi sự tồn tại tẻ nhạt của mình. Từ bỏ công việc đáng mơ ước, Lester trở thành một người bán đồ ăn nhanh. Sau một bước lùi tưởng như rất đáng thất vọng trong mắt mọi người, Lester bỗng thấy mình “có cả một cuộc đời tươi đẹp phía trước”.

Lester đại diện cho tuyến nhân vật dù thất bại trong cách nhìn nhận, đánh giá của xã hội nhưng thực tế, lại tìm thấy những bình yên, hạnh phúc mà hiếm người thấu hiểu được.

Bên cạnh những con người sống thật với chính mình, bất kể bình luận khen chê của người đời, như Lester, như Ricky, hay Jane còn một tuyến nhân vật khác, trái ngược hoàn toàn, cả cuộc đời, họ đóng kịch với bản thân và với những người xung quanh, đó là Carolyn, Angela, là đại tá Frank – cha của Ricky… Cuộc sống của họ được dùng để lo lắng về cách đánh giá của thiên hạ.

Hoa hồng và túi bóng

“American Beauty” có hai hình ảnh biểu tượng là hoa hồng và túi bóng. Trước tiên, hình ảnh chiếc túi bóng gắn liền với nhân vật cậu thanh niên Ricky – một con người kỳ lạ, bí ẩn, từng phải vào trại tâm thần, nhưng lại đóng vai trò làm thay đổi cách cảm nhận về đời sống của Lester và con gái ông – Jane.

Ricky có thói quen ghi lại tất cả những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày vào máy quay như thể sợ sẽ đánh mất những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống.

“Vẻ đẹp Mỹ”: Bộ phim của sự đẹp đẽ và... ghê tởm

Đoạn phim đẹp nhất mà Ricky từng quay được và muốn chia sẻ với bạn gái Jane chính là hình ảnh chiếc túi bóng bị gió thổi tung và bay vòng vòng trong không trung. Một hình ảnh quá đỗi bình thường nhưng lại khiến Ricky nhận ra nhiều điều quan trọng, rằng “có cả cuộc đời đằng sau những vật tầm thường ấy”, rằng “có rất nhiều vẻ đẹp trong thế giới này”…

Hình ảnh biểu tượng thứ hai – kiêu sa và đẹp đẽ – đó chính là hoa hồng, sắc đỏ của nó trở đi trở lại trong phim như một màu nền quan trọng, dẫn dắt cả truyện phim, góp phần định nghĩa những cung bậc cảm xúc của nhân vật chính Lester.

Màu đỏ của những cánh hồng gắn liền với những cảnh khỏa thân của “người tình trong mộng” Angela, lúc này, hoa hồng tượng trưng cho dục vọng của Lester.

“Vẻ đẹp Mỹ”: Bộ phim của sự đẹp đẽ và... ghê tởm

Hoa hồng cũng gắn liền với người vợ thực dụng của anh, tượng trưng cho vẻ ngoài đẹp đẽ, hào nhoáng nhưng vô nghĩa. Ngày ngày, Carolyn bỏ công chăm sóc cho vườn hồng, nó giống như biểu tượng ẩn dụ về sự thành đạt và giàu có của gia đình cô. Hoa hồng xuất hiện ở mọi nơi trong nhà, như một chiếc mặt nạ dối trá che đậy những rạn nứt, đổ vỡ.

Ngày ngày, Carolyn ra vườn lựa chọn những bông hồng đẹp nhất để đem cắm vào bình và trầm trồ trước vẻ đẹp của chúng nhưng ngay khi cô bắt đầu cắm hoa vào lọ cũng chính là khi những bông hồng bắt đầu lụi tàn.

“Vẻ đẹp Mỹ”: Bộ phim của sự đẹp đẽ và... ghê tởm

Cuối cùng, màu đỏ của những cánh hồng còn xuất hiện trên bức tường vấy máu ở cuối phim, tượng trưng cho sự khắc nghiệt của cuộc đời, cho tội ác và những bí mật bị che giấu.

Trong trailer giới thiệu phim và ngay cả trên poster của “American Beauty”, người xem thấy xuất hiện nhiều câu “Look closer” (Hãy nhìn gần hơn). Hãy nhìn gần hơn để thấy chiếc túi bóng cũng có thể đẹp và bông hoa hồng cũng có thể xấu xa.

Khát khao và kiềm chế

Trong “American Beauty”, mỗi nhân vật đều có một đời sống tình dục góp phần định nghĩa tính cách và ý nghĩa nhân vật.

“Vẻ đẹp Mỹ”: Bộ phim của sự đẹp đẽ và... ghê tởm

Lester là người sớm nảy sinh ham muốn ngoại tình, nhưng cuối cùng, anh lại là người kiềm chế được dục vọng của bản thân trước tiếng gọi đạo đức. Vợ anh – Carolyn – mới chính là người “vượt rào” thực sự và thậm chí còn nảy sinh ý muốn giết chồng.

Hai cô thiếu nữ Angela và Jane cũng luôn thích nói về tình dục trong những câu chuyện phiếm. Angela tỏ ra dạn dày, sành sỏi nhưng thực tế lại… “không biết gì”. Jane từ đầu đến cuối gần như để Angela dẫn dắt, cuối cùng lại trở thành “người lớn” và đưa ra một quyết định táo bạo – sẽ rời bỏ gia đình để bắt đầu cuộc sống mới bên bạn trai Ricky.

Bố của Ricky – một quân nhân – từng dùng thiết quân luật để bắt con trai trở nên mạnh mẽ, từng tỏ ra ghê tởm những người đàn ông đồng tính, từng đánh con vì tưởng con có quan hệ đồng tính, hóa ra… lại là một người đồng tính và đã thực hiện hành vi tội ác để che giấu sự thật về bản thân mình.

Ý nghĩa và vô nghĩa

Đối với những ai có thói quen tổng kết nội dung, ý nghĩa phim, “American Beauty” sẽ là một thách đố bởi ngay cả giới phê bình cũng có rất nhiều cách diễn giải về thông điệp mà bộ phim truyền tải.

“Vẻ đẹp Mỹ”: Bộ phim của sự đẹp đẽ và... ghê tởm

Không ai có thể định nghĩa “vẻ đẹp Mỹ”, vì vậy, người ta cũng không thể chắc chắn “vẻ đẹp” mà bộ phim muốn hướng tới là gì – là ý nghĩa cuộc đời, là những khao khát thầm kín, hay là sự tồn tại vô nghĩa mà đôi khi chúng ta vẫn cảm thấy trong cuộc đời…?

Ngay cả đạo diễn Sam Mendes cũng không thể đưa ra một câu trả lời, mỗi khi đọc lại kịch bản, ông đều tìm thấy những cảm nhận mới khác nhau. Phim vừa vui vẻ, hài hước vừa buồn bã, u ám; vừa đẹp đẽ, nhân văn vừa xấu xa, ghê tởm…

Tác giả