Cuộc sống ở nơi búp bê nhiều gấp 10 lần số dân
Ở một thung lũng hoang vắng của Nhật – thung lũng Iya – số búp bê nhiều gấp 10 lần số dân. Người ta dự đoán với tình hình dân số già như ở ngôi làng Nagoru này, chỉ trong vòng 10 năm nữa, ngôi làng sẽ bị… “xóa sổ”.
Tại ngôi làng Nagoru, nằm trên hòn đảo Shikoku, hòn đảo nhỏ nhất trong 4 đảo chính của xứ sở mặt trời mọc, trong suốt những năm qua, dân làng cứ dời đi dần để đến những thành phố lớn tìm kiếm việc làm. Những người ở lại chủ yếu là người già, họ cứ thế nối tiếp nhau nằm xuống và số người còn sống ở làng Nagoru hiện nay chỉ còn khoảng hơn 30 người.
Trong số những người cao niên sống tại làng Nagoru có bà cụ 64 tuổi Ayano Tsukimi. Bà mới quay trở về quê hương 10 năm trước, khi tuổi già bắt đầu ập đến. Kể từ đó đến nay, bà Ayano chứng kiến ngôi làng Nagoru ngày càng trở nên hoang vắng, buồn bã, hiu quạnh.
Chính vì vậy, bà quyết định sẽ giúp “gia tăng dân số” cho làng Nagoru bằng những búp bê do bà tự làm. Bà làm từ búp bê trẻ nhỏ cho tới búp bê người già, từ búp bê nhà nông cho tới búp bê nhà giáo… Trên cánh đồng, các bác nông dân đang làm công việc đồng áng; ở trường học, giáo viên đang giảng bài cho các em học sinh…
Đó là những hoạt cảnh do bà Ayano dựng lên với các búp bê “tự chế”. Nếu không có những búp bê này, ngôi làng Nagoru sẽ rất vắng lặng, hầu như không có tiếng người, không có những cảnh sinh hoạt sống động của đời sống thường nhật.
Thung lũng Iya kể từ khi có bàn tay chăm sóc của bà Ayano đã trở thành điểm tham quan lý thú đối với người dân Nhật Bản. Một bộ phim tài liệu ngắn có tên “Thung lũng của những búp bê” vừa mới được một nhà làm phim người Đức có tên Fritz Schumann thực hiện.
Trong bộ phim tài liệu, bà Ayano giải thích rằng khi mới trở về làng, bà không biết dùng thời gian rảnh vào việc gì nên bắt đầu trồng cây, nhưng vì ở đây có quá ít người ở nên chim chóc “không biết sợ”, liền tới ăn hết những mầm cây mới nhú của bà.
Bà Ayano liền nghĩ tới việc làm một bù nhìn để dọa lũ chim. Ban đầu, bà thực hiện một bù nhìn dựa trên hình ảnh của người cha quá cố. Từ một bù nhìn ban đầu này, bà Ayano bắt đầu nảy ra ý tưởng sẽ làm thật nhiều búp bê kích cỡ như người thật, dựa trên hình ảnh của những người từng một thời sinh sống ở ngôi làng Nagoru.
Mục đích của bà Ayano là để thu hút khách tham quan tới với ngôi làng, để nó trở nên sống động, vui tươi hơn: “Tôi nghĩ mọi người sẽ hứng thú và tìm đến đây để chụp ảnh. Tôi đặt búp bê trên những cánh đồng như thể chúng đang làm việc, có cả những búp bê ngồi chờ ở bến xe buýt…”.
Bộ phim tài liệu “Thung lũng của những búp bê” được thực hiện với những khuôn hình rất đẹp mắt, cho thấy những búp bê được bà Ayano thực hiện và sắp đặt thật khéo léo, để hòa nhập gần như hoàn hảo vào không gian tự nhiên xung quanh. Trong đoạn phim ngắn, chỉ có giọng nói của nhân vật chính là bà Ayano được cất lên.
Những suy nghĩ trầm lắng, vẻ ngoài tư lự, cách nói chậm rãi của bà khiến đoạn phim dù không đề cập trực tiếp nhưng đã ngầm đưa ra những câu hỏi đầy trăn trở về sự sống – cái chết, về tốc độ đô thị hóa và sự cô đơn trong cuộc sống của con người, đặc biệt khi họ đã về già.
Bà Ayano cho biết bà không hứng thú với việc tạo ra những búp bê “kỳ quái”, “dọa ma”. Bà chỉ mong muốn tạo nên những búp bê hòa nhập đẹp đẽ vào không gian xung quanh để đem lại hơi thở cuộc sống sinh động cho ngôi làng của mình.
Những búp bê này được nhồi rơm, giẻ vụn, quần áo cũ… Tính đến nay bà đã thực hiện khoảng 350 búp bê. Đối với Ayano, phần khó nhất là khi tạo nét mặt, tâm trạng cho từng búp bê.
Mục đích thu hút du khách của bà Ayano đã trở thành hiện thực. Một số công ty du lịch của Nhật và của nước ngoài đã bắt đầu đưa du khách tới làng Nagoru như một điểm đến thú vị.
Những búp bê này theo bà Ayano không thể tồn tại quá 3 năm, vì vậy, bà thường xuyên phải làm những búp bê mới thay thế. Người ta dự báo rằng chỉ trong vòng chưa đầy một thập kỷ tới, ngôi làng Nagoru sẽ bị “xóa sổ” bởi những người già còn lại có lẽ sẽ được con cháu đến đón đi và một số khác sẽ tiếp tục qua đời vì tuổi cao sức yếu…
Theo Huffington Post.