Xuất khẩu xi măng: Dấu ấn thành công của The Vissai
Trong bối cảnh cung vượt cầu, ngành xi măng buộc phải chủ động tìm kiếm thị trường để giảm tối đa lượng xi măng dư thừa.
Theo báo cáo của Vicem, nhu cầu nhập khẩu xi măng phục vụ tiêu thụ nội địa tại Myanmar rất lớn do khả năng sản xuất của các nhà máy của quốc gia này mới đáp ứng được 50% nhu cầu. Từ nhiều năm nay, Myanmar đã nhập khẩu xi măng từ Thái Lan, Malaysia và Trung Quốc.
Nguồn cung xi măng tại thị trường trong nước đang dư thừa.
Không những vậy, giá bán xi măng tại Myanmar cũng khá hấp dẫn so với giá xuất khẩu sang các thị trường Bangladesh, Lào, Campuchia. Bộ Xây dựng cho biết, giá xi măng nhập khẩu CIF tại cảng Yagoon (Myanmar) từ 85 đến 89 USD/tấn, giá bán thực tế khoảng 100 – 110 USD/tấn.
Thị trường xi măng trong nước trong năm 2011 và những năm sau sẽ bước vào thời kỳ cạnh tranh mạnh mẽ do cung vượt cầu. Vì vậy, từ năm 2009 và đặc biệt là năm 2010, Bộ Xây dựng đã liên tiếp đề nghị các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm thị trường xuất khẩu.
Trong 6 tháng đầu năm 2011, với việc đẩy mạnh tìm kiếm khách hàng, kết quả xuất khẩu mà Vicem đạt được dẫu chưa cao so với năng lực sản xuất, nhưng so với năm 2010, đã đạt bước tiến xa, với 610.000 tấn sang các thị trường Singapore, Philippines, Bangladesh, Hồng Kông, Lào.
Ông Nguyễn Ngọc Anh, Tổng giám đốc Vicem cho hay, năm 2010, Vicem đã lỗi hẹn với mục tiêu xuất khẩu 1 triệu tấn xi măng. Với kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm nay, Vicem dự kiến sẽ xuất khẩu thêm được 600.000 tấn trong 6 tháng cuối năm, đạt 1,1-1,2 triệu tấn cả năm 2011.
Năm 2010, Tập đoàn The Vissai Ninh Bình đã tạo dấu ấn lớn trong ngành xi măng khi ký được hợp đồng xuất khẩu 1,2 triệu tấn clinker, trị giá 40 triệu USD sang thị trường Bangladesh. Cụ thể, từ tháng 9/2010 đến 8/2011, The Vissai xuất khẩu 100.000 tấn sản phẩm mỗi tháng cho đối tác là Công ty Peakward Enterprises (Hồng Kông). Thời gian thực hiện hợp đồng xuất khẩu này sắp hoàn tất, The Vissai đang đàm phán với Peakward Enterprises để tiếp tục đưa sản phẩm sang thị trường này.
Ông Hoàng Mạnh Trường, Chủ tịch HĐQT The Vissai Ninh Bình cho biết, Peakward Enterprises không chỉ là nhà xuất nhập khẩu vật liệu xây dựng, mà còn là doanh nghiệp mạnh về vận chuyển, nên các doanh nghiệp trong nước có thể giảm bớt một phần áp lực trong vấn đề thuê tàu vận chuyển khi xuất khẩu hàng hoá. Nhờ quan hệ thương mại thường xuyên với Peakward Enterprises, The Vissai có thêm nhiều cơ hội để xuất khẩu sản phẩm sang nhiều thị trường mới như Nhật Bản, Singapore…
Dẫu không đặt mục tiêu sản xuất để xuất khẩu, nhưng trong bối cảnh cung vượt cầu, ngành xi măng buộc phải chủ động tìm kiếm thị trường để giảm tối đa lượng xi măng dư thừa. Kết quả xuất khẩu 6 tháng qua của Vicem dù đã tăng khá so với năm 2010, nhưng theo báo cáo mới nhất của Vicem, lượng hàng tồn kho hiện nay của doanh nghiệp đã lên đến gần 1,4 triệu tấn, bao gồm cả xi măng và clinker.
Theo Báo Đầu tư