“Bầu” Đức nói về những thương vụ đầu tư tại Lào

Cập nhật: 26/11/2013

Doanh nhân Đoàn Nguyên Đức cho hay, tính đến nay, ông đã đầu tư vào Lào số vốn 1 tỷ USD, nhưng phải đến năm 2013 ông mới có thể thu được đồng lãi đầu tiên từ các dự án đang triển khai tại nước này.

Vài năm trở lại đây, doanh nhân Đoàn Nguyên Đức liên tục đầu tư vào Lào, đặc biệt là những tháng cuối năm 2011.
ktksHAGL2_79d3d
Toàn cảnh khách sạn 4 sao Hoàng Anh Attapeu tại Lào. Ảnh: HAGL Group.
Dự án Cụm Công nghiệp Mía đường vừa khởi công tại Lào mới đây với số vốn đầu tư 100 triệu USD đã đưa Hoàng Anh Gia Lai trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tư lớn nhất tại Lào hiện nay. Cụm Công nghiệp Mía đường này hiện đại và lớn nhất Nam Lào, bao gồm nhà máy đường công suất 7000 tấn/ngày, nhà máy nhiệt điện công suất 30MW, nhà máy Ethanol 30.000 tấn/năm và nhà máy phân bón công suất 50.000 tấn/năm, dự kiến tháng 9/2012 đi vào hoạt động, tạo kim ngạch xuất khẩu hàng trăm triệu USD mỗi năm.Ngoài dự án trên, Hoàng Anh Gia Lai đã và đang triển khai nhiều dự án trung tâm thương mại, căn hộ, văn phòng cho thuê ở thủ đô Viêng Chăn, nhà máy chế biến gỗ Attapeu, dự án mỏ sắt và đồng tại Sê Kông, 8 dự án thủy điện, cùng với dự án trồng hàng chục nghìn hecta cao su… Theo Hoàng Anh Gia Lai, tất cả dự án trên được triển khai một cách đồng bộ, quyết liệt và nhanh chóng, trong tương lai sẽ giải quyết việc làm cho 20.000 người lao động tại Lào.

Cũng trong tháng 11 này, Chính phủ Lào đã đồng ý cấp phép cho Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai xây dựng 2 sân bay tại tỉnh Attapeu và Hữu Phăn. Việc đầu tư vào 2 sân bay này được triển khai trên hình thức Hoàng Anh Gia Lai hỗ trợ vốn cho Chính phủ Lào. Mức tín dụng cụ thể hai bên vẫn đang bàn bạc. Dự kiến, năm 2012, sân bay đầu tiên sẽ được khởi công xây dựng.

Mới đây nhất, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cho biết sẽ trở thành nhà đầu tư, cùng với Chính phủ Lào tổ chức Giải vô địch bóng đá chuyên nghiệp quốc gia tại nước này.

Dự án Tổ chức giải Vô định bóng đá chuyên nghiệp Quốc gia Lào (Laos League) đang được Tổng liên đoàn Bóng đá Lào xây dựng. Ngoài việc góp vốn, Hoàng Anh Gia Lai sẽ tham gia giải với một đội bóng được thành lập tại Lào.

Dù Hoàng Anh Gia Lai chưa công bố tổng số vốn chính xác mà họ đầu tư vào bóng đá tại nước này, song chiều 28/11, ông Đức cho hay, số tiền chắc chắn được tính bằng đơn vị triệu USD.

Bầu Đức cho biết, hiện tổng số vốn ông đầu tư vào Lào đã lên tới con số 1 tỷ USD. Ông bắt đầu đầu tư vào nước này từ năm 2007, ở 4 lĩnh vực chính là cao su, khoáng sản, thủy điện, mía đường. Còn việc xây sân bay, bệnh viện, trường học, khách sạn hay đầu tư vào bóng đá tại Lào, mục đích của Hoàng Anh Gia Lai không phải là để kinh doanh, mà là thực hiện trách nhiệm xã hội với nơi mình làm ăn. Trước đó, Hoàng Anh Gia Lai đã bỏ ra 35 triệu USD để giúp chính quyền và nhân dân tỉnh Attapeu xây tặng 1.000 căn nhà cho những người lao động, bệnh viện, trường học, nhiều cây cầu nối liền các vùng với nhau, kéo hàng trăm km đường điện phục vụ dân cư, xây dựng Trung tâm Hành chính mới huyện Phu Vông (tỉnh Attapeu)… Năm 2009, Hoàng Anh Gia Lai đã tài trợ 19 triệu USD cho Lào xây dựng Làng Vận động viên SEA Games 25.

Đoàn Nguyên Đức cho biết, phải đến năm 2013 ông mới có thể thu được đồng lãi đầu tiên từ việc đầu tư vào Lào, từ dự án đầu tiên ông triển khai ở nước này năm 2007. Hiện lĩnh vực cao su cho lợi nhuận sau 5 năm, khoáng sản thì tùy từng dự án sẽ cho lợi nhuận trong vòng 3 – 5 năm, thủy điện thì khoảng 3 năm.

Theo bầu Đức, Lào là một thị trường hấp dẫn để cho các doanh nghiệp trong nước nhắm đến đầu tư. Tuy nhiên, doanh nghiệp muốn đầu tư tại đây phải trường vốn, có tiềm lực về tài chính mạnh, tầm nhìn xa trông rộng thì mới mong thành công, còn nếu làm kiểu “ăn xổi ở thì”, khó mà sống được. Bởi ngoài việc đầu tư vào kinh doanh, họ phải quan tâm tới trách nhiệm xã hội của mình tại đây, đầu tư vào các dự án mang tính phúc lợi xã hội mà không có lợi nhuận.

Bên cạnh Lào, Hoàng Anh Gia Lai cũng đang đầu tư vào lĩnh vực cao su tại Campuchia được 3 năm nay, và sắp tới sẽ nhắm đến thị trường Myanmar. Khi được hỏi vì sao lại đầu tư vào 3 nước nghèo nhất khu vực Đông Nam Á, mà không phải các nước khác, bầu Đức nói rằng, những nước nghèo mới còn nguồn tài nguyên, khoáng sản phong phú để đầu tư.

Hoàng Anh Gia Lai là một thương hiệu lớn tỏa sáng không chỉ ở Việt Nam mà còn lan rộng ra nước ngoài, đang phát triển nhanh và bền vững với 4 ngành chủ lực: cao su, khoáng sản, bất động sản, thủy điện.Hiện nay HAGL là một trong những công ty bất động sản lớn nhất nước với 27 dự án ở khắp nơi.

Trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản HAGL có 7 mỏ sắt và đồng với tổng trữ lượng 60 triệu tấn, sẽ đem về doanh thu trong nhiều năm tới ước tính hàng tỷ USD. Bên cạnh đó, 17 dự án thủy điện với tổng công suất 420 MW tạo doanh thu khoảng 1500 tỷ đồng/năm. Đặc biệt điểm nhấn là quỹ đất để tập đoàn này trồng cao su, cọ dầu, mía đường đã lên đến 100.000 hecta, không lâu nữa cao su mang lại lợi nhuận khoảng 500 triệu USD cho tập đoàn mỗi năm.

Sự thành công của Hoàng Anh Gia Lai nói chung, dấu ấn và tài năng của ông Đoàn Nguyên Đức nói riêng được các tổ chức uy tín quốc tế công nhận. Tháng 9/2011 ông Đức được Tạp chí tài chính hàng đầu thế giới Wall Street Journal bình chọn là một trong 29 doanh nhân quyền lực nhất Đông Nam Á, rồi tiếp đó hồi đầu tháng 10 ông trở thành nhân vật xuất sắc nhất đạt giải “Bản lĩnh Doanh nhân lập nghiệp” do Ernst & Young bình chọn, đại diện cho doanh nhân Việt Nam tham dự giải thưởng toàn cầu tại Pháp vào tháng 6 năm sau.

Và bầu Đức chia sẻ, vẫn giữ vững khát vọng trở thành tỷ phú thế giới trong nay mai. “Tôi tin rằng, tất cả những doanh nhân tâm huyết làm giàu đều mong muốn và phấn đấu vì điều này. Đây không còn là danh dự cá nhân mà còn là niềm tự hào dân tộc”, bầu Đức nói.

Theo Đông Nhiên

Đất Việt

Tác giả