TIN NHANH

Tổ chức kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh, 5 năm thành lập thành phố Ninh Bình

Cập nhật: 11/12/2013

Sáng 30-3, tại Trung tâm hội nghị tỉnh, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh, 5 năm thành lập thành phố Ninh Bình. Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã về dự.

Thủ Tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trao Huân chương Độc lập hạng Nhất lần thứ hai cho tỉnh Ninh Bình.
Dự lễ kỷ niệm có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An. Các đồng chí: nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải; Lê Hồng Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Tòng Thị Phóng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc Hội; Tô Huy Rứa, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Ngô Văn Dụ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Đinh Thế Huynh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Phạm Quang Nghị, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí Thư thành ủy Hà Nội; Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Thiện Nhân, UVT.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ gửi lẵng hoa chúc mừng. Đại biểu lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương; lãnh đạo các tỉnh bạn; các tướng lĩnh, doanh nhân là con em Ninh Bình đã về dự.
Về lãnh đạo tỉnh có các đồng chí: Bùi Văn Nam, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Thường trực Tỉnh uỷ, Thường vụ Tỉnh uỷ, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, lãnh đạo các huyện, thành phố, thị xã qua các thời kỳ; các bậc lão thành cách mạng, các mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, các doanh nhân tiêu biểu trong tỉnh; đại biểu các chức sắc tôn giáo; đại biểu các xã, phường của Thành phố Ninh Bình.

Các đại biểu dự lễ kỷ niệm. Ảnh: Thế Minh
Đồng chí Bùi Văn Nam, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ đã đọc diễn văn kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh, 5 năm thành lập thành phố Ninh Bình. Diễn văn nêu rõ: Sau 16 năm hợp nhất với tỉnh Nam Hà thành tỉnh Hà Nam Ninh, ngày 1/4/1992, tỉnh Ninh Bình chính thức được tái lập và đi vào hoạt động. Những năm đầu tái lập tỉnh, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Ninh Bình đối mặt với bộn bề khó khăn. Kinh tế chậm phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội lạc hậu. Thu nhập bình quân đầu người và thu ngân sách nhà nước trên địa bàn còn thấp. 20 năm qua, kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử và cách mạng vẻ vang của quê hương, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình đã đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực: Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Cơ cấu chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng trong các ngành công nghiệp- dịch vụ. Sản xuất công nghiệp phát triển, trở thành động lực phát triển kinh tế- xã hội. Các ngành dịch vụ có mức phát triển vượt bậc. Trong đó, du lịch đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lương thực đạt được nhiều thành tựu, đảm bảo an ninh lương thực, tăng cường đời sống nhân dân, góp phần giữ vững ổn định xã hội. Thu ngân sách tăng nhanh, cơ cấu nguồn thu có sự chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững.
Từ một tỉnh thuần nông, đến nay đã hình thành rõ nét nền kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đến năm 2011, tỷ trọng công nghiệp – xây dựng đạt 49%; du lịch, dịch vụ đạt 36%; nông, lâm nghiệp, thuỷ sản còn 15%. Cơ cấu vùng kinh tế có bước chuyển dịch theo hướng hình thành các vùng động lực phát triển kinh tế theo hướng kết hợp giữa vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các khu du lịch dịch vụ.
Ninh Bình đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phù hợp, tập trung sức xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển, thu hút được nhiều dự án đầu tư trong nước và nước ngoài. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2011, gấp 42 lần năm 1992. Kim ngạch xuất khẩu năm 2011, gấp hơn 100 lần năm 1992, danh mục các mặt hàng xuất khẩu ngày càng mở rộng. Du lịch đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, đạt mức tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2006- 2011, hướng tới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Kết cấu hạ tầng du lịch được tăng cường, tạo ra bước phát triển có tính đột phá. Số lượng khách du lịch năm sau cao hơn năm trước; năm 2011, đạt 3,6 triệu lượt khách. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản phát triển ổn định, theo hướng sản xuất hàng hoá, gắn sản xuất với chế biến và thị trường, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Năm 2011, giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 ha canh tác đạt 86 triệu đồng. Thu ngân sách năm 2011 đạt 3.392 tỷ đồng, gấp hơn 84 lần so với năm 1992. Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, thuỷ lợi được tập trung đầu tư, phát triển tương đối đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa bão, lũ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội trước mắt và lâu dài.

                                            Múa hát kỷ niệm 20 tái lập tỉnh. Ảnh: Thế Minh
Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hoá, y tế, giáo dục, các hoạt động văn nghệ, thể thao, thông tin tuyên truyền và các lĩnh vực xã hội khác từng bước được chăm lo, phát triển. Sự nghiệp giáo dục – đào tạo đạt được những tiến bộ mới, toàn diện. Cơ sở vật chất phục vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân được mở rộng, tăng cường. Văn hoá- văn nghệ, thể dục- thể thao phát triển mạnh và đạt nhiều thành tích. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống được chú trọng. Công tác xoá đói, giảm nghèo được quan tâm chỉ đạo, được mọi tầng lớp nhân dân tham gia với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo. Những kết quả đó, đã làm thay đổi cuộc sống của nhiều hộ dân, nhất là những vùng khó khăn,. năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo còn 9,86 %. Thu nhập bình quân đầu người năm 2011 đạt gần 25 triệu đồng, tăng hơn 20 lần so với năm 1992.
Công tác quốc phòng địa phương được tăng cường, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, công tác đối ngoại được mở rộng. Hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, vững mạnh về mọi mặt. Phương thức lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng từ tỉnh đến cơ sở được đổi mới; hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp được nâng lên.
Cuộc vận động ‘Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh’ đạt nhiều kết quả, tạo sức lan toả trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, khơi dậy phong trào thi đua yêu nước trong toàn xã hội. Công tác tập hợp, vận động quần chúng của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ngày càng hiệu quả; mối đoàn kết, gắn bó giữa đồng bào theo tôn giáo và không theo tôn giáo ngày càng được tăng cường, góp phần vào sự ổn định, phát triển của địa phương.
Trên đà phát triển chung của tỉnh, năm 2007, thành phố Ninh Bình được thành lập. Đảng bộ và nhân dân thành phố Ninh Bình đã bứt phá vươn lên đạt nhiều thành tựu quan trọng. Kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ tăng nhanh, tỷ trọng nông nghiệp giảm dần phù hợp với lộ trình đô thị hoá. Những thành tựu trên đã và đang tạo đà vững chắc đưa thành phố phát triển đi lên, xứng đáng với vị trí trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá – xã hội của tỉnh.
Diễn văn nhấn mạnh: Hai mươi năm tái lập tỉnh là một mốc son, đánh dấu sự phấn đấu bền bỉ, ý chí vượt lên mọi thử thách, khó khăn, đánh dấu thành tựu đổi mới của Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình.
Thay mặt Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ kêu gọi các cấp, các ngành, toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử và cách mạng của quê hương, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XX và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, xây dựng quê hương Ninh Bình ngày càng văn minh, giàu mạnh.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, nhìn lại chặng đường 20 năm phát triển, chúng ta rất phấn khởi và tự hào trước những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực mà Đảng bộ và quân dân tỉnh Ninh Bình đã đạt được.
Qua 20 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ và quân dân tỉnh Ninh Bình đã có nhiều nỗ lực, năng động, sáng tạo, phát huy tốt những tiềm năng, lợi thế của tỉnh, khơi dậy mạnh mẽ các nguồn lực và đạt đã được những thành tựu to lớn, toàn diện.
Đặc biệt là 5 năm gần đây, Ninh Bình đã đạt mức tăng trưởng bình quân khá cao 16,5%/năm. Quy mô và tiềm lực kinh tế ngày càng lớn mạnh, GDP năm 2010 gấp hơn 2 lần năm 2005. Cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch theo hướng tích cực.Hệ thống hạ tầng kinh tế – xã hội, đô thị ngày được cải thiện rõ rệt. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; đời sống các tầng lớp nhân dân tiếp tục được cải thiện. Năm 2011, là năm có nhiều khó khăn nhưng Ninh Bình vẫn đạt tốc độ tăng trưởng cao trên 16%, gấp hơn 2,5 lần mức tăng trưởng của cả nước.
Những thành tựu đạt được của Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình trong 20 năm qua đã làm thay đổi đáng kể diện mạo của vùng đất Cố đô, tạo tiền đề cho tỉnh Ninh Bình tiếp tục đổi mới, phát triển nhanh và bền vững hơn trong những năm tới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực phấn đấu, những kết quả to lớn đạt được và sự đóng góp quan trọng của Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình vào thành tựu chung của cả nước trong suốt 20 năm qua.
Thủ tướng nhấn mạnh bước sang giai đoạn phát triển mới, trong bối cảnh khó khăn, thách thức đều lớn và đan xen nhau, Ninh Bình cần phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài tỉnh để tạo ra những đột phá nhằm phát triển kinh tế nhanh, toàn diện và bền vững; tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại và hiệu quả hơn trên cơ sở áp dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, tạo ra sản phẩm có có giá trị gia tăng cao; chủ động hội nhập quốc tế, tìm kiếm thị trường để mở rộng xuất khẩu; phát triển du lịch cảnh quan, văn hóa, lịch sử…Đồng thời Ninh Bình cần phối hợp, liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng Sông Hồng, các tỉnh Bắc miền Trung, trong việc xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng nhằm phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của từng tỉnh, thành phố và toàn vùng. Phấn đấu 5 năm tới, thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Ninh Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Đồng bằng Sông Hồng.
Cùng với phát triển kinh tế, Ninh Bình cần đặc biệt quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa – xã hội, bảo vệ tốt cảnh quan và môi trường. Không ngừng phát huy quyền làm chủ và nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân. Tập trung phát triển giáo dục và đào tạo; chú trọng đào tạo nghề để phát triển nguồn nhân lực; quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ cho hệ thống chính trị các cấp, nhất là cấp cơ sở. Phát triển mạnh sự nghiệp y tế, trong đó quan tâm đầu tư, tăng cường năng lực của các cơ sở khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, đặc biệt quan tâm chăm lo những người có công với cách mạnh, gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Coi trọng và thực hiện tốt nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh, trước hết tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác bảo vệ chính trị nội bộ; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật đối với các vấn đề khiếu kiện của nhân dân, không để phát sinh thành điểm nóng; tăng cường đấu tranh phòng chống, đẩy lùi các loại tội phạm hình sự, các tệ nạn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu rõ, Ninh Bình cần tập trung làm tốt công tác xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp nhằm xây dựng bộ máy chính quyền hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
Tại Lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhất lần thứ hai cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình.
Quỳnh Thu
Tác giả