Vissai có lợi nhuận tốt từ xuất khẩu xi măng

Cập nhật: 11/12/2013

Năm 2012, chuyện điêu đứng của các DN sản xuất xi măng đã trở nên quá quen thuộc, thì Tập đoàn Xi măng The Vissai lại cán đích an toàn, với hai điểm sáng là không có hàng tồn kho trong khi năng lực sản xuất đạt 100% công suất thiết kế. Bí quyết của sự về đích an toàn này là gì? Đem câu hỏi này với vị Chủ tịch HĐTV Hoàng Mạnh Trường tôi đã nhận được câu trả lời “dài hơi” hơn cả sự mong đợi.

Hoangmanh truong

Hiệu quả dùng vốn: then chốt của thành công

Hẹn đi hẹn lại, ông Trường dành cho tôi một buổi gặp gỡ vào ngày cuối cùng của năm cũ 2012, khi mà hầu như các cơ quan, DN đã bắt đầu kỳ nghỉ lễ kéo dài. Cũng phải nói thêm là, nếu phóng viên Báo Đầu tư không có hơn một lần tiếp xúc với lãnh đạo Tập đoàn trong những lễ ký hợp đồng xuất khẩu xi măng trước đó, chắc chắn, ông sẽ thẳng thừng từ chối lời đề nghị phỏng vấn của tôi.

Trước một câu hỏi không dễ trả lời về hướng đi để giảm khó cho ngành xi măng, ông Trường đưa ra câu trả lời rất đơn giản: “Chúng tôi vẫn kiên định với ngành nghề kinh doanh cốt lõi là xi măng, và kết quả của một năm sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu là DN về đích an toàn, công suất đạt 100%, doanh thu tăng 30% so với 2011, đời sống người lao động được ổn định, không những thế, The Vissai còn tạo thêm 500 việc làm từ việc thành lập Công ty Vận tải bàu biển Vissai”.
Ông Trường cho biết, giá trị cốt lõi mà The Vissai hướng tới là, gia tăng hiệu quả đồng vốn để đem lại lợi ích cho nền kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, nhưng để đổi lại thì “khi khó cả trong lẫn ngoài, tập thể ban lãnh đạo Tập đoàn phải vất vả nhiều hơn, chứ không thể thong dong như trước”.

Ông Trường bày tỏ, 7 năm trước, khi đầu tư vào xi măng, năng lực sản xuất của ngành năm 2004 mới đạt 20 triệu tấn, phải nhập khẩu cho đến tận 2009 – 2010. “Nếu kinh tế cứ phát triển ở mức 8% thì nước ta vẫn phải đầu tư xi măng đáp ứng nhu cầu xây dựng”. Kinh tế suy thoái, đầu tư cắt giảm, xi măng tiêu thụ chậm, tồn kho ngành xi măng tăng là điều khó tránh khỏi. Trong bối cảnh như vậy, thành công của DN phụ thuộc vào tầm nhìn chiến lược của chính họ và thật may, Vissai cũng nằm trong số đó.

Nói về chiến lược, bàn về tầm tư duy, có lẽ hơi khó hình dung, nhưng theo ông Trường thì, biểu hiện rõ nhất và cụ thể và dễ thấy nhất trong việc tận dụng tối đa hiệu quả đồng vốn bỏ ra, chính là thực hiện các dự án đầu tư với thời gian nhanh nhất và đó luôn là tiêu chí hàng đầu của The Vissai khi bắt tay vào bất kỳ công trình nào.
Bởi vậy, không quá khó hiểu khi chỉ trong vòng 7 năm, The Vissai đã có tới 5 nhà máy xi măng và không hề có nhà máy nào của The Vissai có thời gian xây dựng dài hơn 2 năm.
Đơn cử, dây chuyền 1 Nhà máy xi măng The Vissai Ninh Bình (công suất 1,2 triệu tấn/năm) được khởi công tháng 10/2005, thì đến tháng 2/2007 đã khánh thành, đưa sản phẩm xi măng ra thị trường. Dây chuyền 2 (công suất 2,4 triệu tấn/năm) có thời gian xây dựng chưa đầy 20 tháng đã trở thành kỷ lục của ngành xây dựng Việt Nam xét về thời gian thi công.

Xuất khẩu: sự lựa chọn tối ưu

Năm 2010, khi cung đã vượt cầu, các DN xi măng đang đau đầu tìm đầu ra cho sản phẩm, thì The Vissai đã lập được “kỳ tích” do ký được Hợp đồng xuất khẩu 1,2 triệu tấn clinker sang Bangladesh. Hợp đồng kéo dài từ tháng 9/2010 đến tháng 8/2011.
Khoan chưa nói về giá xuất khẩu, nhưng xi măng vốn không phải mặt hàng mà các DN Việt Nam có ưu thế bán ra khỏi biên giới, đặc biệt những khó khăn của hệ thống cầu cảng, vận chuyển, thì The Vissai đã bước đầu tự mở được lối đi cho mình, khi mà thị trường nội địa vẫn tiếp tục đón thêm các dây chuyền mới đưa vào hoạt động.
Kể từ đó, đều đặn hàng năm, lượng hàng xuất khẩu luôn chiếm 1/3 trong tổng sản lượng của The Vissai.

Tôi hỏi: “Ông nghĩ thế nào khi nhiều ý kiến cho rằng, xuất khẩu xi măng không phải là hướng đi đem lại lợi nhuận tốt cho DN, bởi khi chi phí đầu vào lớn như vậy, đó chỉ là giải pháp tạm thời để tránh tồn kho? Ông Trường đã cho hay, xi măng không phải là mặt hàng dễ dàng đem lại lợi nhuận cao khi xuất khẩu nhưng DN hoàn toàn có thể làm được điều đó, nếu có bước đi và chiến lược bài bản.
“Mình là thế hệ trẻ, nên suy nghĩ và cách làm cũng khác trước nhiều? Nếu như thế hệ trước chưa giám làm thì giờ, Việt Nam đã vào WTO, chúng ta hoàn toàn có thể vươn ra biển lớn”?

nhamay

Theo ông Trường, Tập đoàn The Vissai đang xuất khẩu xi măng với “giá bán tốt hơn nội địa” và với 15 bạn hàng là những tập đoàn xi măng lớn trên thế giới như Holcim, HeidelbergCement (Đức) Cemex, Adelaide Brighton Australia, Tập đoàn Pegase (Thụy Sỹ) nên xi măng The Vissai đã có mặt tại 17 quốc gia khắp năm châu lục.

Có thể khẳng định, xuất khẩu đang và tiếp tục là hướng đi chủ đạo của Tập đoàn trong những năm tới và lượng xuất khẩu đang tăng lên sau mỗi năm sẽ là câu trả lời rõ ràng nhất cho bước đi của Vissai.”
“Kết quả của những chuyến đi năm 2012 đã cho thấy, tư tưởng mới và cách làm mới của những người thuộc thế hệ trẻ như chúng tôi đã không sai, khi Singapore, thị trường nhập khẩu 100% xi măng đã bắt đầu chia thị phần cho The Vissai từ năm 2013. Có thêm thị trường này, Vissai càng củng cố vững chắc về niềm tin khi khẳng định, các nhà máy của The Vissai sẽ tiếp tục chạy hết công suất trong năm tới ”.

Minh chứng thêm cho việc xuất khẫu xi măng có lợi nhuận, ông nói, Nhật Bản, quốc gia đi trước Việt Nam cả trăm năm nhưng đến thời điểm này họ vẫn đang xuất khẩu xi măng, thậm chí, quốc gia láng giềng chúng ta là Trung Quốc, với 1,5 tỷ dân, nhưng tổng công suất của ngành công nghiệp xi măng vẫn lên đến 2,6 tỷ tấn và họ vẫn xuất khẩu tốt. Trong khi, chúng ta vẫn đang xuất thô những tài nguyên không tái tạo được như quặng, đồng, titan thì nếu coi xi măng là mặt hàng xuất khẩu, có quy hoạch tốt cho những vùng khó khăn cho phát triển nông nghiệp cũng như các ngành sản xuất khác, trong khi có nguồn đá vôi, sét dồi dào, xi măng xuất đi, thu về ngoại tệ cho quốc gia đâu phải một định hướng tồi?

Ông Trường tự bạch:
Việt Nam khác với các nước phát triển, họ coi bóng đá là một nghề. Theo tôi, đầu tư bóng đá hiện nay mới dừng lại ở mức hỗ trợ quảng bá cho một thương hiệu nào đó. Tất nhiên, không thể không hướng đến các mục đích về xã hội, văn hóa.

Mỗi năm, The Vissai chi vài chục tỷ đồng cho đội bóng Vissai Ninh Bình đã khiến, thay vì ngày trước ít ai biết đến Ninh Bình, thì bây giờ tuần nào báo chí cũng nhắc đến Ninh Bình và tất nhiên là nhắc đến đội bóng của chúng tôi.

15 năm qua, bận cỡ nào cũng dành thời gian chơi golf. Để chơi được môn này, đòi hỏi người chơi phải kiên trì, nhẫn nại. Chơi golf dạy cho người kinh doanh nhiều điều. Ngoài sự kiên nhẫn, golf cũng khiến người ta nhẹ nhàng, quyết đoán hơn, có văn hóa hơn, lịch sự hơn.

” Năm 2004, khi đầu tư Nhà máy xi măng Vissai, GDP của tỉnh Ninh Bình lúc đó mới có 49 tỷ đồng. Đến 2011, GDP đã nâng lên thành 4.800 tỷ đồng. Chưa đầy 10 năm đã tăng gần 100 lần. The Vissai đã góp phần giúp Ninh Bình thu hút đầu tư trong các lĩnh vực từ sản xuất thép, phân đạm, đến mì ăn liền, may mặc…”

” Đầu tư làm xi măng, nhưng chúng tôi có cách nghĩ khác với thế hệ trước. Tôi cho rằng, vẫn có thể xuất khẩu xi măng để thu ngoại tệ về cho đất nước nếu như mình có chiếm lược bài bản cho hướng đi đó? Tôi đang tiếp tục chứng minh, rằng con đường mình chọn không sai.”
Hải Yến

Tác giả