Các dự án lớn đối mặt ‘bão giá’ vật liệu

Cập nhật: 31/08/2022

TTO – Nửa đầu năm 2022, giá cả vật liệu xây dựng như thép, ximăng, nhựa đường, cát, đá xây dựng… đồng loạt tăng giá mạnh.

Các dự án lớn đối mặt bão giá vật liệu - Ảnh 1.

Giá nguyên vật liệu tăng cao đang ảnh hưởng không nhỏ đến các dự án đầu tư công. Trong ảnh: thi công cao tốc Cam Lộ – La Sơn nối tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế – Ảnh: PHƯỚC TUẦN

Điều này đã ít nhiều ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải ngân đầu tư công và đem đến nhiều lo lắng cho các bên tham gia những dự án hạ tầng lớn.

Theo báo cáo tình hình giá cả vật liệu xây dựng, thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm vừa gửi tới Ban Chỉ đạo điều hành giá Chính phủ, Bộ Xây dựng cho rằng giá nhiều loại vật liệu sẽ tiếp tục tăng trong những tháng còn lại của năm nay. Vì thế, đại diện nhiều nhà đầu tư, nhà thầu xây dựng, chuyên gia kinh tế cho rằng cần sớm có biện pháp kiểm soát giá cả vật liệu xây dựng, đồng thời thực hiện giải pháp bù trượt giá để bảo đảm tiến độ các dự án đầu tư công, đặc biệt dự án hạ tầng quy mô lớn như cao tốc Bắc – Nam.

“Không dám” nhận dự án

Ông Trần Anh Tú, tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi), một nhà đầu tư hạ tầng giao thông lớn tại khu vực phía Bắc, nhận định với biến động giá vật liệu xây dựng hiện nay, nhiều nhà đầu tư “không dám” nhận dự án, nhà thầu “không dám” nhận thầu thi công.

Để bảo đảm tiến độ các dự án đang đầu tư, theo ông Tú, rất cần một cơ chế điều chỉnh giá phù hợp. Quan trọng hơn nữa là cơ chế ban hành phải nhanh, việc ra quyết định phải kịp thời mới tăng được hiệu quả hỗ trợ. Tiếp đến, các chủ đầu tư cũng cần được tạo điều kiện cho nhà thầu trong khâu thanh toán như tăng hạn mức tạm ứng để tháo gỡ một phần khó khăn về giá cả.

Đại diện nhà đầu tư đang thực hiện dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo (một dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc – Nam), ông Hồ Đình Chung, tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, chia sẻ hầu hết các nhà đầu tư dự án hạ tầng đều đo lường những rủi ro trước khi làm dự án nhưng với biến động giá vật liệu quá lớn thời gian qua, các nhà đầu tư không thể theo kịp thực tế. Hiện nay, nội dung hợp đồng ký kết giữa nhà đầu tư tư nhân với cơ quan quản lý nhà nước có điều khoản về trường hợp có biến động giá thì được điều chỉnh. Tuy nhiên đây là về mặt nguyên tắc, còn chờ điều chỉnh e rằng rất lâu, rất khó nên khi giá cả leo thang, nhà đầu tư rất lo lắng.

Ông Chung cũng chia sẻ: tập đoàn đã báo cáo với Bộ Giao thông vận tải để đề xuất với Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Cũng theo ông Chung, nếu không có hỗ trợ điều chỉnh đơn giá theo giá thực tế, hoặc không có hợp đồng điều chỉnh thì thầu chính, thầu phụ sẽ lần lượt “chết”.

Trong bối cảnh hiện nay, không chỉ có chuyện giá tăng mà còn có cả chuyện khan hiếm vật liệu. Vì thế, ngoài cố gắng, nỗ lực của nhà đầu tư, nhà thầu thì rất cần sự quan tâm đặc biệt từ Chính phủ, các bộ, ngành trong việc ra quyết định chỉ đạo kịp thời để gỡ vướng cho các dự án đang thi công, ông Chung chia sẻ thêm.

Dù không tham gia xây dựng nhiều dự án đầu tư công nhưng ông Lê Viết Hải, chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, cũng nhìn nhận hầu hết các doanh nghiệp xây dựng trên cả nước đang gặp khó khăn, trước tình trạng “bão giá” vật liệu xây dựng. Để giảm thiệt hại, họ phải thương lượng với chủ đầu tư dự án để bù giá vật tư, thương lượng với các nhà cung cấp vật liệu xây dựng để hạn chế tăng giá, đồng thời ký hợp đồng mua hàng cố định giá. Bên cạnh đó, họ cũng phải cắt giảm lợi nhuận để bù đắp biến động giá cả trên thị trường.

Các dự án lớn đối mặt bão giá vật liệu - Ảnh 2.

Dự án cầu Mỹ Thuận 2 đang được triển khai, tuy nhiên thời gian qua gặp nhiều khó khăn vì giá vật liệu tăng cao – Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Cần bù giá kịp thời

Theo Bộ Kế hoạch – đầu tư, tính đến ngày 30-6-2022, giải ngân vốn đầu tư công cả nước đạt khoảng 151.046 tỉ đồng, bằng 27,86% kế hoạch Thủ tướng giao. Tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm một phần do giá nguyên nhiên vật liệu tăng quá cao, nguồn lao động bị thiếu hụt sau dịch.

Trong bối cảnh này, TS Vũ Đình Ánh, nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường – giá cả (Bộ Tài Chính), cho rằng ưu tiên trước mắt vẫn phải bảo đảm tiến độ đầu tư công. Vì vậy, cần sử dụng ngay khoản chi phí dự phòng trong các hợp đồng để bù trượt giá 6 tháng đầu năm 2022. Nếu hết chi phí dự phòng mà vẫn chưa bù nổi trượt giá vật liệu thì cần bổ sung cơ chế điều chỉnh hợp đồng theo hướng bù trượt giá theo biến động giá thực tế. Cơ chế này phải thực hiện ngay chứ với quy trình như hiện nay, nhiều dự án đầu tư công được dự báo sẽ phải tạm dừng.

Đại diện một nhà đầu tư BOT khu vực miền Trung cũng khẳng định nếu không kiểm soát kịp thời đà tăng giá vật liệu hiện nay, việc triển khai các công trình hạ tầng lớn sẽ hỗn loạn. Mức phí dự phòng thông thường 10% trong các hợp đồng xây dựng hiện không bù nổi biến động tăng giá vật liệu trên thị trường.

Để việc thi công các dự án đầu tư công không bị gián đoạn, ông Lê Viết Hải khuyến nghị Nhà nước nên xem xét bù giá cho doanh nghiệp xây dựng ở những dự án sử dụng vốn ngân sách. Với những hợp đồng ký mới cần bổ sung điều kiện về trượt giá. Trước đây khi thị trường giá cả ổn định thì rất ít chủ đầu tư nào chấp nhận điều khoản trượt giá, nhưng trong bối cảnh khó khăn, giá cả tăng mạnh như hiện nay thì nhiều chủ đầu tư xem nhà thầu là đối tác chiến lược sẽ phải có những giải pháp hỗ trợ để chia sẻ khó khăn. Tất nhiên, muốn làm điều này nhà thầu phải nỗ lực đàm phán với chủ đầu tư, nhà cung cấp, ông Hải nói.

Ông Lê Quốc Hiệp, chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, cho hay với biến động lớn về giá vật liệu từ 2021 đến nay, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị đến các bộ, ngành nhưng đến nay chưa có biện pháp nào hỗ trợ cụ thể giúp các nhà thầu xây dựng vượt qua khó khăn.

Cũng theo ông Hiệp, có 2 vấn đề để bảo đảm tiến độ giải ngân đầu tư công trong bối cảnh giá cả tăng cao hiện nay. Trước hết, Bộ Xây dựng cần sớm ban hành thông tư yêu cầu các địa phương cập nhật giá vật liệu xây dựng sát thực tế. Địa phương công bố giá nhưng Bộ Xây dựng phải là cơ quan kiểm tra để bảo đảm địa phương cập nhật giá sát thực tế chứ không phải đơn giá lạc hậu, gây khó cho nhà thầu trong khâu thanh quyết toán dự án.

Ngoài ra, hiệp hội cũng đang kiến nghị Bộ Xây dựng cần xây dựng, quản lý đơn giá vật liệu theo hướng bổ sung định mức chưa có và thay đổi những định mức đơn giá lạc hậu. Ngoài việc cập nhật định mức, đơn giá theo thị trường, cần có biện pháp giảm thuế để kéo giảm giá nguyên vật liệu, đặc biệt là các loại vật liệu nhập khẩu.

Theo (tuoitre.vn) – Phòng Marketing- Ban KD nội địa tổng hợp!

Tác giả