Hội thảo Phát triển ngành VLXD Việt Nam trong điều kiện bình thường mới

Cập nhật: 24/05/2022

Chiều ngày 18/5, Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển ngành vật liệu xây dựng Việt Nam trong điều kiện bình thường mới” tại Đà Nẵng với mục tiêu định hướng phát triển vật liệu xây dựng trong thời gian tới. Tại Hội thảo, vấn đề phát triển ngành vật liệu xây dựng tiên tiến, hiện đại, bảo vệ môi trường được các đại biểu đặc biệt quan tâm.


Toàn cảnh Hội thảo.

 
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho hay dịch Covid-19 đã có nhiều tác động nặng nề đối với việc sản xuất, kinh doanh của ngành vật liệu. Tuy nhiên, lực lượng doanh nghiệp đã nỗ lực vượt khó, vươn lên để phát triển trong điều kiện bình thường mới để hòa cùng công cuộc khôi phục kinh tế – xã hội chung của Quốc gia.
 

Chia sẻ về “Chiến lược phát triển VLXD thời kỳ 2021-2030, Định hướng tới 2050”, Th.S Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng chiến lược được xây dựng dựa trên 6 quan điểm nhất quán như phát triển ngành. Trong đó, chú trong vào phát triển vật liệu xây dựng hiệu quả, bền vững, đáp ứng nhu cầu trong nước, từng bước tăng cường xuất khẩu. Đồng thời, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ, sử dụng hiệu quả tài nguyên, triệt để tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu.

Có nhiều tham luận thu hút sự quan tâm như: Phương án tối ưu chống ăn mòn công trình dân dụng biển cho vật liệu sắt thép, mạ, nhúng kẽm, nhôm, inox; Ứng dụng Bê tông siêu tính năng (UHPC) trong xây dựng và công trình hạ tầng; Giới thiệu các dòng sản phẩm mới cách âm cách nhiệt.

Mục tiêu của hội thảo nhằm thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đạt trình độ tiên tiến, hiện đại. Hướng đến các sản phẩm có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, đáp ứng như cầu của thị trường trong nước.

Các vật liệu mới cần loại bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường.

Cuối cùng là xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có tính cạnh tranh mạnh trên thị trường quốc tế. Hạn chế xuất khẩu những sản phẩm sử dụng nhiều nguyên liệu, nhiên liệu là tài nguyên khoáng sản không tái tạo.

Nguồn ximang.vn – Phòng Marketing tổng hợp!
Tác giả