TIN NHANH

Ngành sản xuất tiếp tục phục hồi

Cập nhật: 10/05/2022

Sản lượng tăng trở lại khi làn sóng Covid-19 giảm, tuy nhiên tốc độ tăng đơn hàng mới đã chậm lại khi một số khách hàng ngần ngại trước mức tăng mạnh của giá cả.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) được thực hiện bằng cách khảo sát lãnh đạo các công ty tư nhân nhóm sản xuất, dịch vụ nhằm đánh giá sức khoẻ chung của cả nền kinh tế. PMI lấy ngưỡng 50 điểm, trong đó, lĩnh vực sản xuất được xác nhận có sự mở rộng nếu PMI trên 50 và ngược lại, thu hẹp nếu dưới 50.

Tháng 4, PMI ngành sản xuất của Việt Nam ở mức 51,7 điểm, không thay đổi so với tháng trước, khi các điều kiện kinh doanh đã cải thiện trong bảy tháng liên tiếp.

“Tốc độ giảm nhanh các ca nhiễm Covid-19 tại Việt Nam đã giúp sản lượng và việc làm tăng trở lại trong tháng 4 khi các điều kiện kinh doanh trở nên bình thường hơn”, Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global, cho biết. Điều này dẫn đến hy vọng rằng ngành sản xuất sẽ duy trì được thời kỳ khôi phục và tăng trưởng.

PMI ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 4 ở mức 51,7 điểm, tương đương tháng 3. Ảnh: S&P Global

PMI ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 4 ở mức 51,7 điểm, tương đương tháng 3. Ảnh: S&P Global

Theo khảo sát của S&P Global, cả sản lượng và việc làm đều tăng trở lại trong tháng 4 sau khi giảm vào tháng 3. Trong cả hai chỉ tiêu, các công ty được hưởng lợi từ tình trạng giảm số ca nhiễm Covid-19 sau khi đạt đỉnh trong tháng 3. Tình hình đại dịch cải thiện đã cho phép nhân viên quay lại làm việc, trong khi có nhiều báo cáo về hoạt động tuyển dụng mới. Trên thực tế, tốc độ tạo việc làm đã lên mức cao nhất trong một năm.

Năng lực sản xuất tăng giúp các công ty tăng sản lượng và tận dụng được lực cầu khách hàng đang tăng. Sản lượng đã tăng tháng thứ sáu trong bảy tháng qua.

Tuy nhiên, tốc độ tăng số lượng đơn hàng mới đã chậm lại, với biên độ thấp nhất trong thời kỳ tăng kéo dài bảy tháng. Theo những người được khảo sát, tình trạng giá cả tăng và nguyên vật liệu khan hiếm đã hạn chế đà tăng của đơn hàng. Tình hình tương tự xảy ra với số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới khi tốc độ tăng của chỉ số này cũng chậm lại. Trong trường hợp xuất khẩu, những hạn chế do diễn biến phức tạp của Covid-19 tại Trung Quốc là một phần nguyên nhân dẫn đến giảm tốc độ tăng.

Số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm hơn và lực lượng nhân công tăng giúp các công ty có thể giải quyết tốt khối lượng công việc và lần đầu tiên trong ba tháng đã có thể giảm lượng công việc tồn đọng.

Ở phía chi phí sản xuất, chi phí đầu vào tiếp tục tăng mạnh. Những hạng mục được báo cáo tăng giá là cước vận tải, khí đốt, xăng dầu. Để bù đắp, các nhà sản xuất đã tăng giá bán hàng và tốc độ tăng giá là nhanh nhất trong năm tháng qua.

Thời gian giao hàng cũng tiếp tục bị kéo dài, chịu ảnh hưởng từ diễn biến Covid-19 tại Trung Quốc và căng thẳng tại Ukraine. Tuy nhiên, mức độ kéo dài thời gian giao hàng đã xuống mức thấp nhất trong một năm khi tình hình đại dịch tại Việt Nam đã cải thiện.

Những vấn đề về nguồn cung nguyên vật liệu cũng góp phần làm tồn kho hàng mua trong tháng 4 giảm lần đầu tiên trong bốn tháng. Trên thực tế, hoạt động mua hàng hóa đầu vào tăng nhanh hơn so với tháng 3 và những người trả lời khảo sát cho rằng nguyên nhân tăng là do số lượng đơn đặt hàng mới tăng.

Tồn kho thành phẩm cũng giảm và các thành viên nhóm khảo sát cho rằng nguyên nhân giảm do việc sử dụng hàng tồn kho để đáp ứng yêu cầu bán hàng.

Nguồn vnexpress.net – Phòng Marketing Ban kinh doanh nội địa tổng hợp!

Tác giả