Những quy định mới về môi trường có làm tăng chi phí của doanh nghiệp?
Theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Trưởng ban nghiên cứu khoa học, Hội Kinh tế môi trường Việt Nam, chi phí cho hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển bền vững của doanh nghiệp sẽ tăng lên nhưng cũng kèm theo nhiều lợi ích mới.
GS.TS Hoàng Xuân Cơ phát biểu tại Hội thảo nâng cao hiệu quả thực thi luật Bảo vệ môi trường 2020 do Tạp chí Kinh tế môi trường và VIASEE tổ chức.
Công cụ kinh tế, thị trường được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ môi trường, cũng là nội dung quan trọng được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Bên cạnh những nội dung mang tính khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp thực hành phát triển bền vững như trái phiếu xanh, tín dụng xanh, phát triển dịch vụ môi trường, khuyến khích kinh tế tuần hoàn… luật mới cũng đưa ra nhiều công cụ như thuế, phí, mức đóng góp bắt buộc.
Chính thức đi vào thực thi kể từ năm 2022, thời điểm cả đất nước vừa bước ra khỏi thời kỳ khó khăn nhất do đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp bày tỏ quan ngại những quy định mới sẽ khiến doanh nghiệp tăng thêm áp lực chi phí, làm tổn thương quá trình phục hồi cũng như phát triển trong lâu dài.
Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên, GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Trưởng ban nghiên cứu khoa học, Hội Kinh tế môi trường Việt Nam (VIASEE), cho biết, khi phải tuân thủ nhiều hơn và nghiêm ngặt hơn các quy định về môi trường, doanh nghiệp chắc chắn phải tiêu tốn thêm nhiều chi phí.
Đó là những thuế, phí đóng góp bắt buộc, là khoản tiền đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng quan trắc nước thải, xử lý ô nhiễm, xử lý sự cố môi trường…
“Đóng góp nhiều hơn thì chắc chắn nhưng vấn đề phải đặt ra là đóng góp như vậy liệu có đáng không”, ông Cơ nhận định.
Theo vị chuyên gia kinh tế môi trường, bỏ ra khoản chi phí ban đầu, lợi ích ngay trước mắt có thể thấy là những đóng góp tích cực cho xã hội, cho môi trường mà doanh nghiệp là một phần trong đó.
Để cam kết bền vững không chỉ là những ‘lời hứa suông’
Đồng quan điểm với ông Cơ, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE), lấy ví dụ về quy định chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên.
Nếu như trước đây, loại phí này chỉ áp dụng cho rừng thì với luật mới, doanh nghiệp phải chi trả cho cả việc sử dụng sông hồ, đất ngập nước hay biển. Tuy nhiên, đóng thêm một khoản, doanh nghiệp nhận được lợi ích là nguồn rừng, nguồn nước luôn được bảo đảm, thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh.
Một lợi ích khác, đặc biệt, được ông Cơ nhấn mạnh là việc doanh nghiệp xây dựng được uy tín, thương hiệu khi làm tốt công tác môi trường. Đây là lợi thế cạnh tranh quan trọng trong bối cảnh xu thế tiêu dùng bền vững đang nổi lên. Chuyên gia VIASEE cũng nhắn nhủ, báo chí, truyền thông nên dành thời lượng thích hợp để tôn vinh những tổ chức, doanh nghiệp thực hiện tốt nghĩa vụ và trách nhiệm với môi trường.
Để doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, ông Cơ đưa ra lời khuyên là hãy có kế hoạch tuân thủ luật mới ngay từ đầu, tránh để vi phạm rồi phải đóng phạt. Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đang áp dụng các hình thức “hậu kiểm”, tức là cho phép doanh nghiệp đăng ký thông tin và tiến hành hoạt động trước, sau đó mới kiểm tra xem tuân thủ đến đâu.
Cùng với đó, Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng mở ra nhiều cơ hội kinh tế mới cho doanh nghiệp, có thể kể đến như giao dịch tín chỉ carbon; kinh doanh bảo hiểm về môi trường hay kinh tế tuần hoàn.
Nguyên viện trưởng ISPONRE nhấn mạnh cơ hội doanh nghiệp đạt được từ kinh tế tuần hoàn. Theo ông Chinh, trước khi ban hành luật mới, đã có nhiều doanh nghiệp ứng dụng kinh tế tuần hoàn và thu được lợi nhuận lớn.
Mặt khác, cũng có những doanh nghiệp nhìn ra cơ hội từ kinh tế tuần hoàn. Ví dụ, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) cho biết có thể tạo ra lợi nhuận gấp 7 lần hiện tại nếu áp dụng kinh tế tuần hoàn cho rác thải thu gom, tuy nhiên chưa thể thực hiện được do chưa có cơ chế điều chỉnh.
Nguồn theleader.vn – Phòng Marketing Ban kinh doanh nội địa tổng hợp!