“Nóng” nạn săn cây cổ thụ
(Dân trí) – Trong khi tình trạng lâm tặc tấn công các rừng gỗ nghiến hàng trăm năm tuổi chưa được xử lý thì vài tháng nay, tại tỉnh Cao Bằng lại rộ lên tình trạng thương lái thu mua các cây cổ thụ như sung, sanh, si, đa, vối,… về chỉnh sửa rồi bán sang Trung Quốc.
Điều đáng nói là hiện nay hoạt động này diễn ra khá phổ biến và công khai nhưng cơ quan chức năng của tỉnh vẫn chưa có biện pháp nào ngăn chặn.
Xúi dân nghèo làm lâm tặc
Theo chỉ dẫn của một anh bạn, chúng tôi xuống Đông Khê, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng gặp Trần Văn Chung, một người có thâm niên săn cây cổ thụ người Nam Định đã hơn mười năm nay.
Thấy tôi khá am hiểu về các loại cây cảnh nên Chung chẳng chút nghi ngờ, thậm chí còn tỏ ra là một bậc đàn anh chỉ bảo đàn em cùng nghề. Theo như những gì Chung nói thì hắn đang hốt bạc nhờ nghề này. Vừa đầu tuần trước Chung vừa trúng lớn vì bán được 3 gốc si cho một lái buôn khác ở Hưng Yên trị giá gần hai trăm triệu, trong khi đó cả tiền mua của dân và tiền thuê máy cẩu Chung chỉ mất có 50 triệu đồng.
Những cây cổ thụ như thế này là “đối tượng” nhắm tới của dân buôn cây cổ thụ, từ đây “chảy” sang Trung Quốc.
Thấy tôi há hốc mồm, Chung đưa cho tôi xem một mớ ảnh các loại cây cổ thụ và bảo : “Chú mới vào nghề trước hết cứ nhập bọn cùng anh, việc của chú là đem mớ ảnh này đi các huyện và dò hỏi dân xem họ có thấy những cây như thế này không? Nếu có thì chỉ việc ghi lại địa chỉ và thuê họ đào và đốn cành theo ý của mình”. Theo Chung thì làm như vậy nếu bị kiểm lâm bắt, người dân bảo đào về trồng trong vườn và chẳng liên quan gì đến mình.
Sáng hôm sau tôi cùng Chung đi lang thang mấy xã như Đức Thông, Vân Trình, Thái Cường… để kiểm tra các địa chỉ mà Chung đã “tăm” sẵn. Theo ghi nhận của tôi thì các điểm đến của Chung chủ yếu là gần các bờ sông, bờ suối, nơi đây có rất nhiều sung và si cổ thụ.
Cái giá mà Chung mua cây của dân cũng rất “bèo”, những cây bình thường Chung chỉ trả cho dân 6-7 triệu đồng; những cây to và có đủ 4 yếu tố độc, kỳ, cổ, quái mới được trả giá cao. Chung nói phải tìm được những cây như thế mới bõ làm, vừa dễ bán lại không phải ghép cành, tạo dáng nhiều.
Cần có chế tài chống “chảy máu” cây cổ thụ
Tôi làm bộ ngạc nhiên hỏi: Việc thuê dân đào cây để khỏi bị mang tiếng phá rừng thì được rồi, thế còn phải cẩu, vận chuyển thì làm gì để qua cửa ải của kiểm lâm được. Chung cười láu cá bảo: “Làm gì thì cũng phải có luật lá”.
Như để tỏ rõ sự sành sỏi, Chung rút điện thoại gọi cho một ông trưởng xóm nào đấy bảo: Vào nhà trưởng xóm mổ lợn ăn cơm rồi bàn chuyện sau. Đang trên đường đi đến nhà trưởng xóm thì Chung lại bảo: “Có thằng em ở xã Độc Lập (Quảng Uyên) gọi bảo có món cây vối ngon lắm, mình qua đó xem rồi ăn cơm sau”.
Chung quay quắt đầu chiếc xe bán tải lao về phía huyện Quảng Uyên. Mười hai giờ trưa chúng tôi có mặt ở gần trụ sở xã Độc Lập. Một người đàn ông lùn tịt ra đón Chung nói: Cây thì đánh xong rồi, làm bầu tử tế mà không tài nào mang đi được, chiều hôm qua có mấy người ở truyền hình tỉnh vào quay nên kiểm lâm và xã xuống chặn lại. Người này hỏi Chung xem có cách nào tháo được không sẽ để giá “mềm” cho. Mất cả nửa tháng mới đào được 5 cây bây giờ không đi được thì gay quá.
Chung cười và bảo: “Cứ để kiểm lâm bắt, bắt rồi kiểu gì trả bán đấu giá, nếu cây đẹp thì ta mua lại. Chuyện này đã được làm mãi rồi”.
Theo chân người đàn ông lùn chúng tôi xuống một bờ suối nơi có 4, 5 cây vối đã được chặt rễ, đánh bầu cẩn thận, chờ thời cơ là cẩu lên xe. Phía bên kia đường một chiếc xe cẩu đang nằm chờ bốc hàng. Điều đáng nói hơn là địa điểm các cây cổ thụ bị đào gốc chỉ nằm cách trụ sở UBND xã Độc lập khoảng 300m còn trạm kiểm lâm của huyện Quảng Uyên chỉ nằm cách đó nửa cây số.
Mang câu chuyện về những cây cổ thụ bị đốn hạ trao đổi với ông Đặng Hùng Chương, Chi Cục Trưởng Kiểm lâm Cao Bằng, chúng tôi được biết: Đã từ lâu trên địa bàn tỉnh Cao Bằng xảy ra tình trạng này, tuy nhiên, hiện nay lực lượng kiểm lâm vẫn chưa có chế tài để xử lý việc buôn bán cây cổ thụ. Nếu là cây cảnh phải có tiêu chí cụ thể như thuộc nhóm nào, có nằm trong danh mục cây quý hiếm hay không?… Hầu hết những vụ bắt được trên địa bàn tỉnh cũng chỉ rừng lại ở chỗ phạt hành chính và tịch thu tang vật để bán đấu giá. Còn việc cây cổ thụ bị bán sang Trung Quốc thì kiểm lâm không thể can thiệp được.
Như vậy có thể thấy việc quản lý rừng trong đó có việc quả lý các cây cổ thụ hàng trăm tuổi ở Cao Bằng đang hết sức lỏng lẻo. Nên chăng tỉnh cần có quy định cụ thể về việc khai thác và buôn bán loại cây đặc biệt này, không để tình trạng “chảy máu” cây cổ thụ tiếp diễn, gây thất thoát tài nguyên quốc gia.
Mạnh Hà
TTXVN