The Vissai giữ chức Chủ Tịch Hội đồng doanh nghiệp tại diễn đàn Việt Nam – Bangladesh đẩy mạnh hợp tác kinh tế – thương mại

Cập nhật: 07/12/2013

(ĐCSVN)Nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Bangladesh, ngày 3/11, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Bangladesh tại Việt Nam tổ chức diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Bangladesh.

vietnam-bangladet

Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Bangladesh (Ảnh: Quang Nghĩa)

Trước sự chứng kiến của đại diện Chính phủ và cộng đồng các doanh nghiệp hai nước, Thủ tướng Bangladesh, bà Sheikh Hasina đã có bài phát biểu, trong đó nêu bật những thành quả kinh tế – xã hội mà đất nước đến từ khu vực Nam Á này đã đạt được.
Năm 2009, mức tăng trưởng GDP Bangladesh chỉ dừng lại ở con số 5,4%, nhưng đã tăng lên 6% ở năm 2010 và đạt 6,7% trong năm 2011. Trong cơ cấu kinh tế nước bạn, nông nghiệp chiếm 20,6% GDP, thu hút 63% lực lượng lao động. Các nông sản chính là lúa gạo, đay, chè, mía, khoai tây, thuốc lá, hạt có dầu… Công nghiệp của Bangladesh chiếm 29,7% GDP và thu hút khoảng 12% lực lượng lao động. Hiện Bangladesh có khoảng 2 triệu lao động đang làm việc ở nước ngoài, mỗi năm chuyển về nước hàng tỷ USD, năm 2010 đạt khoảng hơn 10 tỷ USD, năm 2011 đạt 14 tỷ USD.

Thủ tướng Sheikh Hasina hoan nghênh các nhà đầu tư của Việt Nam có ý định kinh doanh và đầu tư tại Banglaesh và cho biết Nhà nước Bangladesh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp của Việt Nam có thể an tâm đầu tư, kinh doanh tại Bangladesh.

vietnam-bangladet2

Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Bangladesh (Ảnh: Quang Nghĩa)

Phát biểu tại diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong những năm qua, mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Bangladesh đã có những bước phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực. Kim ngạch hai chiều giữa hai nước tăng tới 100% mỗi năm, đạt con số 500 triệu USD và phấn đấu trong vòng từ 2-3 năm tới sẽ đạt 1 tỷ USD.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, với số dân trên 160 triệu người, Bangladesh là thị trường tiềm năng lớn đối với Việt Nam trong khu vực Nam Á. Với những điểm tương đồng trong cơ cấu hàng hóa, tiềm năng hợp tác giữa hai nước là vô cùng to lớn, đặc biệt trong các ngành hàng như sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến nông sản, đóng tàu, công nghệ thông tin, du lịch…

vietnam-bangladet3
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Bangladesh (Ảnh: Quang Nghĩa)

Năm 2012, xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường này chủ yếu là: xi măng, mặt hàng xơ, sợi dệt, sắt thép, vải, gạo… Trong khi đó, các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ thị trường này bao gồm: dược phẩm; mặt hàng nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày…

Ông A.K.Azad, Chủ tịch Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Bangladesh cho biết, trong nhiều năm qua, Bangladesh đã có nhiều cải cách để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh quan hệ kinh tế với nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, hợp tác kinh tế giữa hai nước vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Với lợi thế giá nhân công rẻ, giá thuê mặt bằng thấp, ông A.K.Azad cho rằng đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh vào Bangladesh, đặc biệt là trong lĩnh vực dệt may.

Chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh với thị trường Bangladesh, ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Vissai, Tập đoàn Hoàng Phát cho rằng, nhu cầu tìm hiểu, đa dạng hóa lĩnh vực giữa 2 quốc gia là cần thiết. Ông tin tưởng, Diễn đàn sẽ là chìa khóa thành công cho các doanh nghiệp Việt Nam và là cầu nối cho các doanh nghiệp hai nước có cơ hội gặp gỡ giao lưu chia sẻ với nhau.

Cũng tại diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI đã trao quyết định thành lập Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam – Bangladeh, bổ nhiệm ông Nguyễn Tiến Đạt – Giám đốc Công ty TNHH MTV XNK The Vissai giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam – Bangladesh.

Việc thành lập Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam – Bangladesh được kỳ vọng sẽ góp phần đưa hợp tác kinh tế – thương mại của hai nước lên tầm cao mới, tạo thêm nhiều động lực mới trong mối quan hệ giữa hai cộng đồng doanh nghiệp./.

Tác giả