Vật liệu xây dựng xanh – Xu hướng phát triển bền vững
Gạch không nung ngày càng được sử dụng nhiều trong các công trình xây dựng.
Vật liệu truyền thống: Tốn tài nguyên, khó tái chế
Một vật liệu phổ biến trong xây dựng hiện nay được nhắc đến nhiều bởi tính không thân thiện với môi trường là gạch đất sét nung. Nguyên nhân khiến vật liệu nung nói chung và gạch nung nói riêng không có lợi cho môi trường là khó tái chế khi dỡ bỏ, không có ích gì cho tự nhiên khi phân hủy.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội nêu ví dụ, việc sản xuất 1 tỷ viên gạch đất sét nung theo đúng quy chuẩn tiêu tốn 1,5 triệu mét khối đất sét, tương đương 75ha đất nông nghiệp ở độ sâu khai thác 2m và 150 nghìn tấn than, đồng thời thải ra khoảng 0,57 triệu tấn khí CO2. Với đà tiêu thụ gạch nung đang gia tăng hiện nay, năm 2020, ước tính khoảng 42 tỷ viên gạch đất sét nung sẽ được sử dụng. Việc này sẽ tiêu tốn gần 60 triệu mét khối đất sét, 5,6 triệu tấn than và thải ra khoảng 17 triệu tấn khí CO2. Bên cạnh đó, rác thải xây dựng và rác từ phá dỡ công trình chiếm tới 8% lượng rác thải tại Việt Nam, trong khi chỉ có 21 thành phố cấp tỉnh có hệ thống bãi chôn lấp hợp vệ sinh (phải có che chắn kín ở phía trên và dưới để tránh chất thải độc hại tác động lên đất đai và nguồn nước ngầm).
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn, để giảm tác hại tới môi trường, vật liệu xây dựng cần được tăng công năng sử dụng, tăng tuổi thọ. Các vật liệu thông dụng có thể tái chế hiện nay là thép, đồng, nhôm; bê tông; kính; sản phẩm gỗ, tấm thạch cao… Các vật liệu có thành phần độc hại hạn chế có sơn hàm lượng hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) thấp; các loại keo, tấm trải sàn, vật liệu MDF, vật liệu cách nhiệt không độc hại. Những nguyên vật liệu tiêu tốn ít tài nguyên thiên nhiên, tái chế nhanh được các nhà môi trường khuyến khích là gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tre và vải sơn…
Cần các quy định “xanh”
Hiện nay, để thay thế, giảm thiểu việc sử dụng vật liệu gạch đất sét nung nói riêng, giảm sử dụng vật liệu không thân thiện môi trường nói chung, gạch bê tông khí chưng áp (ACC – gạch bê tông nhẹ) được coi là sự thay thế hợp lý. Bởi gạch bê tông khí chưng áp có trọng lượng nhẹ hơn từ 30 đến 50% so với gạch đất nung và chỉ chiếm 25% khối lượng của gạch bê tông thông thường, lại có tính cách âm, cách nhiệt tốt. Công trình sử dụng gạch này có thể tiết kiệm được đến 40% điện năng từ việc chạy máy điều hòa không khí.
Tuy nhiên, việc sử dụng gạch không nung dù đã dần trở nên phổ biến vẫn chưa được đón nhận nhiệt tình vì một số lý do. Trước tiên, gạch không nung khó cạnh tranh về giá so với gạch đất sét nung vốn có giá thành thấp, lại quá quen thuộc trong văn hóa xây dựng của người Việt. Ngoài ra, ông Nguyễn Phúc Hoài, chủ đầu tư Dự án tổ hợp chung cư, trung tâm thương mại An Phúc (quận Thanh Xuân) cho rằng: “Hiện nay, khi cân nhắc sử dụng vật liệu xây dựng, dự án vẫn đang băn khoăn về khả năng chống thấm của gạch không nung nên sẽ phải xem xét, cân nhắc thêm các phương án lựa chọn. Nhiều khả năng dự án sẽ sử dụng vật liệu này, song sẽ lựa chọn loại gạch không nung sản xuất công nghiệp của nhà sản xuất có uy tín, có chứng nhận về chất lượng đáng tin cậy”.
Để bảo đảm chất lượng cho các công trình sử dụng vật liệu thân thiện môi trường và tạo nên văn hóa sử dụng vật liệu “xanh”, một trong các giải pháp được đưa ra là thực thi các quy định Công trình xanh của Hội đồng Công trình xanh thế giới mà Bộ Xây dựng Việt Nam đã công nhận năm 2009. Theo kiến trúc sư Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và xây dựng Đất Việt, thị trường công trình xanh sẽ phát triển trong những năm tới, nên các nhà thầu thi công cần nắm vững các quy định của công trình “xanh” để chủ động tiếp cận thông tin về vật liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu về các loại vật liệu để đặt hàng khi cần. Đặc biệt cần lường được các khó khăn, thách thức trước khi triển khai, như sản phẩm phải nhập khẩu do không có sẵn trên thị trường, giá thành cao hơn thông thường, khó tiếp cận thông tin… để có giải pháp phù hợp.
Đại diện Viện Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng, ông Lê Cao Chiến cũng cho biết, Chương trình Nhãn xanh Việt Nam đang dự kiến ban hành “tiêu chí xanh” đối với xi măng, sứ vệ sinh. Theo đó, việc sản xuất xi măng phải tuân thủ các yêu cầu về quản lý năng lượng, sử dụng nhiên liệu, về tỷ lệ sử dụng phế thải thay thế vật liệu tự nhiên; tỷ lệ phát thải tối đa là 800kg CO2/tấn xi măng. Việc sản xuất sứ vệ sinh phải có mức sử dụng năng lượng nhiệt tối đa cho nung sản phẩm là 2.200kcal/kg sản phẩm; tiêu hao điện năng tối đa là 0,55kWh/kg sản phẩm.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư rất cần cơ quan chức năng ban hành những tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến sản phẩm, đến việc sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện môi trường; bổ sung chính sách để khuyến khích sử dụng công nghệ thi công tiên tiến. Đối với nhà sản xuất và người tiêu dùng, việc dán nhãn xác nhận đối với “vật liệu xanh” cũng là giải pháp hữu ích nhằm nâng cao ý thức sử dụng vật liệu ít tác hại tới môi trường trong cộng đồng.