Công nghệ chuyển đổi nhiệt khí thải, rác thải sinh hoạt trong các nhà máy xi măng

Cập nhật: 14/10/2024

» Ngày 10/10, Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) tổ chức Hội nghị chuyên đề “Công nghệ chuyển đổi nhiệt khí thải thành điện và chuyển đổi rác thải sinh hoạt thành nhiên liệu trong các nhà máy xi măng”.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, các doanh nghiệp xi măng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong những năm gần đây. Một trong các giải pháp được nhiều doanh nghiệp xi măng quan tâm trong thời gian qua là đổi mới công nghệ để hạ giá thành sản phẩm và giảm tiêu hao năng lượng trong quá trình sản xuất. Từ đó, thấy được tầm quan trọng của việc chuyển đổi nhiệt khí thải thành điện và chuyển đổi rác thải sinh hoạt thành nhiên liệu trong các nhà máy xi măng.Theo đại diện của Vụ Vật liệu Xây dựng cho biết, mức tiêu thụ điện năng trung bình cho khâu sản xuất clinker khoảng 60 kWh/tấn, cho khâu nghiền xi măng khoảng 34 kWh/tấn. Mức tiêu thụ nhiệt năng toàn ngành dao động trong khoảng 724 – 1.065 kcal/kg clinker. Nhiên liệu sử dụng chính là than cám có nhiệt trị từ 4.800 – 6.200 kcal/kg than, một số nhà máy xi măng đã sử dụng nhiên liệu thay thế chủ yếu là vải vụn, mảnh nhựa, nilon, cao su vụn, dăm gỗ, lốp xe, da giày, nhựa, rác thải, bã điều, vỏ cây, trấu, dầu thải và các dung môi…

Hiện, cả nước đã có 34 dây chuyền đầu tư lắp đặt và đưa vào hoạt động hệ thống phát điện nhiệt dư với tổng công suất khoảng 248 MW, chủ yếu là các nhà máy xi măng của khối doanh nghiệp tư nhân và liên doanh. Lượng phát thải tại Việt Nam khoảng 60.000 tấn rác/ngày, trong đó có 60% là rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, rác thải sử dụng làm nhiên liệu thay thế trong các nhà máy xi măng hiện nay chủ yếu là rác thải công nghiệp. Cả nước vẫn chưa có nhà máy xi măng nào sử dụng rác thải sinh hoạt để đốt.

Theo báo cáo của Vụ Vật liệu Xây dựng, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển ngành Xi măng và tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính.

Đại diện của VICEM khẳng định, mục tiêu của chiến lược áp dụng công nghệ phát điện tận dụng nhiệt khí thải là tận dụng nhiệt thừa để phát điện tại các dây chuyền sản xuất xi măng nhằm tự cung cấp một phần điện tiêu thụ, đồng thời giảm lượng phát thải bụi và khí CO2.

Nguồn điện phát ra được hòa đồng bộ vào lưới điện của các nhà máy. Hệ thống trạm phát điện tận dụng nhiệt khí thải được thiết kế, lắp đặt không làm ảnh hưởng đến quá trình vận hành bình thường của dây chuyền sản xuất clinker.

Có 9/10 doanh nghiệp thành viên của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) dự kiến triển khai lắp đặt, vận hành hệ thống tận dụng nhiệt khí thải để phát điện (hệ thống WHR). Theo tính toán, các dự án tận dụng nhiệt khí thải đang triển khai có tổng công suất lắp đặt dự kiến khoảng 71,45 MW, tổng công suất phát điện dự kiến khoảng 63,4 MW.

Trong khi đó, mục tiêu của chiến lược sử dụng rác thải làm nhiên liệu thay thế là đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn để sử dụng tiết kiệm tài nguyên không tái tạo và giảm phát thải ra môi trường. Để hiện thực hóa mục tiêu nêu trên, Vicem đã nghiên cứu xử lý chất thải sinh hoạt và sử dụng chất thải thông thường làm nhiên liệu thay thế trong nhà máy sản xuất xi măng. Hiện, Vicem đang áp dụng công nghệ đồng xử lý chất thải trong lò nung xi măng tại các đơn vị thành viên, thu về năng suất rất cao.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, Vicem đề xuất Chính phủ, Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định hiện hành đối với việc xử lý chất thải, đồng xử lý chất thải trong sản xuất xi măng; Xem xét từng bước thí điểm xây dựng thị trường chất thải. Vụ Vật liệu Xây dựng cũng đề nghị các Bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp.

Tác giả

Trả lời

*