Danh sách chứng khoán tiêu biểu ASEAN có khả năng gây cười

Cập nhật: 26/11/2013

Nếu nhìn vào danh sách tiêu biểu 30 mã chứng khoán trên HNX và 30 mã trên HSX để xem bộ mặt đại diện cho nền chứng khoán nước nhà ra thế giới, dễ tá hỏa khi xuất hiện nhiều cổ phiếu “chẳng giống ai”.

Một anh bạn làm giám đốc phân tích ở một công ty chứng khoán sáng nay gửi liên tiếp cho người viết vài biểu tượng mặt cười hết cỡ qua chương trình chat, kèm theo đường dẫn tới nội dung top 60 cổ phiếu tiêu biểu tại Việt Nam, được giới thiệu trên website chung của các sở giao dịch chứng khoán ASEAN (aseanexchanges.org – AE).

 vneconomy29112011_be644

Hiện tại, nhằm mục đích quảng bá các sản phẩm nổi bật trên thị trường chứng khoán các nước ASEAN, AE cho biết đang giới thiệu 210 mã cổ phiếu đại diện cho 6 thị trường chứng khoán tại 5 nước trong khu vực (Singapore, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam). Riêng Việt Nam có hai đại diện là HSX và HNX.

 

Song, nếu nhìn vào danh sách tiêu biểu 30 mã chứng khoán trên HNX và 30 mã trên HSX để xem bộ mặt đại diện cho nền chứng khoán nước nhà ra thế giới, dễ tá hỏa khi xuất hiện nhiều cổ phiếu “chẳng giống ai”. Theo thông tin được biết, cho đến giờ thì tiêu chí đánh giá “chứng khoán tiêu biểu” là căn cứ vào giá trị vốn hóa và thị trường và tính thanh khoản. May quá, tiêu chí “tiêu biểu” không phải là kết quả hoạt động kinh doanh!

 

Thực ra trong danh sách nói trên, cũng có khá nhiều chứng khoán thuộc hàng “cự phách” của thị trường chứng khoán Việt Nam. VNM chẳng hạn, được chính các tổ chức đầu tư quốc tế đánh giá như “cái máy in tiền” khi ngành nghề cơ bản, thị trường rộng lớn, đứng vững trong khủng hoảng, mỗi năm kiếm cả ngàn tỷ đồng lợi nhuận. Nhiều ngân hàng, doanh nghiệp sản xuất khác cũng được xem là tốt về cơ bản…

 

Tuy nhiên, cũng có một số chứng khoán được xếp vào hàng “tiêu biểu” một cách khó hiểu. VSP chẳng hạn. Cổ phiếu này xứng đáng là tiêu biểu của thế giới – chứ không chỉ của ASEAN – về biệt hiệu “tàu ma” khi biến động giá chẳng giống ai. VSP chắc chắn có thể tranh hùng với các mã chứng khoán khác ở trường quốc tế về mức độ sóng sánh, bất chấp kết quả kinh doanh.

 

Cho nên đi cùng với thông tin quảng bá, có lẽ AE cần đi kèm thông tin cảnh báo trước, kẻo nhà đầu tư quốc tế lão luyện “đu” cùng VSP có thể “mất xác” như thường, lại đổ tại thị trường chứng khoán Việt Nam khó chơi!

 

Hay một số cổ phiếu công ty chứng khoán cũng không lấy gì làm tiêu biểu, chí ít trong mắt nhà đầu tư trong nước. APS, CTS, PSI, SBS, SHS khó có thể được coi là nhóm công ty chứng khoán tiêu biểu. Yếu tố thanh khoản lại càng khó hiểu. APS giao dịch bình quân 20 phiên chỉ trên 90.000 đơn vị, CTS độ 60.000 cổ phiếu. PLC thanh khoản 20 phiên gần đây thậm chí chỉ hơn 14.000 cổ phiếu/ngày…

 

Việc yếu tố lời/lỗ không được xếp vào tiêu chí đánh giá có lẽ cũng hợp lý trong thời buổi khủng hoảng kinh tế, khi doanh nghiệp khó đạt được kết quả kinh doanh đẹp. Tuy nhiên, nếu với mục đích quảng bá, nhất là khi xác định “là cơ hội cho nhà đầu tư quốc tế lựa chọn và nắm giữ cổ phiếu giá rẻ”, thì yếu tố kinh doanh không thể không được cân nhắc đến.

 

Ngay trên thị trường trong nước, nhà đầu tư đã định giá rất nhiều cổ phiếu trong danh sách “tiêu biểu” này ở mức độ thấp đến khó tin. Trong 60 mã thì 22 mã có thị giá thấp hơn mức 10.000 đồng, thậm chí khá nhiều mã giá 3.000 – 5.000 đồng. Việc định giá trên có hợp lý hay không đương nhiên chưa thể khẳng định, nhưng nếu đứng từ góc độ thị trường, nếu doanh nghiệp có triển vọng thực sự, thì mức giá cổ phiếu khó có thể rơi xuống ngưỡng bê bết như vậy.

 

Một điểm thú vị là danh sách chứng khoán tiêu biểu của mỗi quốc gia khi đem ra quảng bá được niêm yết bằng đồng bản tệ, tức là giá cổ phiếu ViệtNam sẽ được ghi bằng VND. Thật may mắn vì nhà đầu tư quốc tế sẽ phải quy đổi một lần nữa mới biết giá để mà so sánh. APS giá 3.300 đồng/cổ phiếu chắc hẳn sẽ “oai” hơn nhiều so với mức giá được quy ra USD!

 

Anh bạn giám đốc nói trên cho rằng, giá mà AE chỉ cho độ 5-7 mã gì đó thì có khi lại được danh sách tốt. Kiểu như một số tổ chức lớn lựa chọn vài mã tiêu biểu vào danh mục chỉ số quốc tế vậy. Chứ giờ lại “ép xuống” những 30 mã mỗi sàn thì khác gì làm khó nhau? Kiếm đâu cho đủ 60 mã tiêu biểu bây giờ, thành ra lại phải lấp đầy cho đủ ghế!

 

Cũng có nhà đầu tư dễ tính, nói, thôi thì quảng bá ra ngoài, tức là người ngoài chưa biết gì về các cổ phiếu đó. Cũng giống như nhiều điểm du lịch trong nước, quảng cáo cho “Tây” thì hay trong khi đến khách du lịch trong nước chỉ đến một lần rồi thôi.

 

Ý kiến khác lại đề nghị, nhà đầu tư trong nước nên xem lại mình. Nhiều cổ phiếu bị coi rẻ như đồ bỏ, giá lẹt đẹt vài ngàn đồng thì hóa ra lại được quốc tế xếp hạng tiêu biểu. Mà theo chuẩn quốc tế thì hiếm khi sai lắm. Có lẽ, nhà đầu tư trong nước sai rồi. Từ giờ, cứ danh mục này mà “chiến”, đảm bảo thành “Warren Buffett” Việt Nam ngay!

Tác giả