TIN NHANH

Lời 1.000 đồng/lít vẫn chưa giảm giá xăng

Cập nhật: 30/11/2013

Quyết định này đã khiến người tiêu dùng không được mua xăng giá giảm đúng theo bối cảnh giá thế giới.

Các chuyên gia cho rằng thay vì tăng mức trích quỹ bình ổn nên yêu cầu doanh nghiệp giảm giá bán lẻ để chia sẻ gánh nặng giá cả với người tiêu dùng và nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh giá cả cuối năm.
Giá xăng nhập khẩu giảm mạnh nhưng Bộ Tài chính vẫn quyết định tăng mức trích quỹ bình ổn chứ không giảm giá bán lẻ.

Giá thế giới ở mức thấp

Giá dầu đang giảmGhi nhận diễn biến giá dầu nhập khẩu cho thấy giá các mặt hàng dầu vẫn tiếp tục xu hướng giảm lại sau khi đứng ở mức trên 130 USD/thùng hồi đầu tháng 11. Trong ba phiên giao dịch 24/11, 25/11 và 28/11, giá dầu diesel ở mức 124,52-126,63 USD/thùng.

 

Theo các doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp lỗ khoảng 1.000 đồng/lít dầu. Với việc được sử dụng bù lỗ 1.000 đồng/lít dầu diesel, doanh nghiệp vừa cập vốn. Tuy nhiên, cách tính này dựa trên công thức dùng giá nhập khẩu làm giá tham chiếu. Trong khi đó, trên thực tế chiết khấu mặt hàng dầu hiện khoảng 500-550 đồng/lít. Sau khi được sử dụng quỹ bình ổn, giới kinh doanh xăng dầu cho biết chiết khấu với các mặt hàng dầu nhiều khả năng tăng.

 

Theo công thức tính giá cơ sở trung bình 30 ngày trở lại đây của Bộ Tài chính, doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng đã có lời và hoàn toàn có cơ sở để giảm giá bán lẻ do giá xăng thành phẩm nhập khẩu giảm mạnh từ nhiều phiên giao vừa qua.

Theo thông tin về giá nhập khẩu tại Singapore, giá xăng A92 tại Singapore từ ngày 29/10 đến 28/11 dao động chủ yếu trong khoảng 105,7-117 USD/thùng. Mức giá trung bình trong thời gian này là 111,66  USD/thùng.

Theo tính toán, giá cơ sở (dùng làm giá tham chiếu để điều chỉnh tăng/giảm giá bán lẻ trong nước) là 20.360 đồng/lít. Giá bán lẻ xăng A92 hiện là 20.800 đồng/lít.

Như vậy, chênh lệch giữa giá cơ sở với giá bán lẻ là 440 đồng/lít. Tuy nhiên, trong giá cơ sở đã có 300 đồng lợi nhuận định mức theo quy định tại nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu, nên thực tế doanh nghiệp dôi ra một khoản ít nhất là 740 đồng/lít.

Theo các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, lời lỗ của doanh nghiệp không thể tính theo giá nhập khẩu trung bình 30 ngày, rồi cộng với các khoản thuế phí theo quy định của Bộ Tài chính để so sánh với giá bán lẻ hiện hành. Doanh nghiệp lời bao nhiêu, hay lỗ như thế nào phải phụ thuộc lượng hàng tồn kho, giá nhập khẩu từng lô hàng và thời điểm tiêu thụ… Cách tính hiện hành chỉ là trên công thức!

Tuy nhiên, ngay cả theo thời điểm nhập khẩu từng lô hàng cụ thể, một doanh nghiệp đầu mối có thị phần lớn cho biết đã lời ở mặt hàng xăng.

Cụ thể nếu tính giá nhập trung bình trong vòng 10 phiên giao dịch tại Singapore, từ ngày 15 đến 28/11 là 108,29 USD/thùng, khi cộng với các khoản thuế phí, trích nộp quỹ bình ổn giá mỗi lít xăng là 19.500 đồng.

Như vậy, giá bán lẻ đang cao hơn giá cơ sở tới 1.300 đồng/lít. Đây chính là khoản lợi của doanh nghiệp.

Các mức trích quỹ bình ổn ở mặt hàng xăng A92

Thời điểm Mức trích (đồng/lít)
Từ 14/12/2009 đến 9/6/2011 300
Từ 10/6 đến 21g ngày 26/8 400
Từ 21g ngày 26/8 đến 12g ngày 28/11 300
Từ 12g ngày 28/11 đến nay 550

Nguồn: Bộ Tài Chính

Giảm giá thay vì trích quỹ

Trong khi giá xăng A92 tại Singapore diễn biến ở mức thấp như vậy thì từ trưa 28/11, Bộ Tài chính đã yêu cầu doanh nghiệp đầu mối nâng mức trích nộp quỹ bình ổn giá với mặt hàng xăng thêm 250 đồng/lít.

Như vậy, mỗi lít xăng hiện nay người tiêu dùng phải bỏ ra 550 đồng/lít để đóng vào quỹ bình ổn giá. Mặc dù vậy sau khi nâng mức trích quỹ bình ổn, nếu hàng nhập về trong ngày 28/11 doanh nghiệp vẫn lời khoảng 1.000 đồng/lít.

Đáng nói là theo thông tin được Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ công bố tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, tính đến cuối năm 2011 quỹ bình ổn xăng dầu dư 2.500 tỉ đồng. Chưa kể, do doanh nghiệp được giữ quỹ bình ổn nên quỹ còn sinh lãi. Tại bốn doanh nghiệp đầu mối trên, mức lãi hơn 100 tỉ đồng tính từ năm 2009 đến nay. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp đầu mối ủng hộ phương án tăng trích quỹ bình ổn, bởi trên thực tế quỹ này được sử dụng vào bù lỗ cho doanh nghiệp ở thời điểm giá thế giới cao mà trong nước chưa điều chỉnh được.

Tuy nhiên, theo nhận định của TS Ngô Trí Long – nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, động thái tăng trích quỹ bình ổn với mặt hàng xăng dầu của Bộ Tài chính có thể nhằm dùng nguồn này bù đắp thêm để có nguồn xả quỹ đối với các mặt hàng dầu. Chính phủ đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát và do xăng dầu là mặt hàng có tác động lớn đến chỉ số giá (CPI), nên Bộ Tài chính muốn giữ ổn định giá xăng dầu. Song do quỹ bình ổn hiện vẫn còn 2.500 tỉ đồng và giá dầu cũng bắt đầu có xu hướng giảm lại, nên thay vì tăng trích quỹ với mặt hàng xăng, Bộ Tài chính nên giảm giá để chia sẻ với người tiêu dùng. Thậm chí, ngay cả việc tăng trích quỹ bình ổn thêm 250 đồng/lít vẫn có cơ sở để giảm giá xăng trong bối cảnh hiện nay.

Theo Bạch Hoàn

Tuổi trẻ

Tác giả