Đoàn giám sát của Quốc hội giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục Quốc phòng – An ninh
Sáng 22-3, Đoàn giám sát của ủy ban Quốc phòng và An ninh (QP-AN), Quốc hội khóa XIII giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục QP-AN từ năm 2001 đến năm 2011 đã làm việc với tỉnh Ninh Bình.
Buổi sáng, Đoàn đã giám sát tại UBND thành phố Ninh Bình.
Tham gia buổi giám sát có các đồng chí: Lê Việt Trường, Phó chủ nhiệm ủy ban QP-AN; Nguyễn Thanh Hồng, ủy viên Thường trực ủy ban QP-AN Quốc hội; Thiếu tướng Phạm Hồng Hương, Phó Tư lệnh Quân khu III và các thành viên của Hội đồng giáo dục QP-AN Trung ương, Văn phòng Quốc hội. Làm việc với đoàn có đồng chí Phạm Thành Sơn, TVTU, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng QP-AN tỉnh, các đồng chí đại diện lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo thành phố Ninh Bình.
Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp từ thành phố đến cơ sở đã tổ chức quán triệt cho 100% cán bộ, đảng viên các chỉ thị, nghị định, các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác giáo dục QP-AN. Thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về QP-AN bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Thành ủy đã ban hành 12 Nghị quyết; UBND thành phố ban hành 8 Quyết định, 114 kế hoạch; Hội đồng giáo dục QP-AN thành phố ban hành 14 kế hoạch… tạo cơ sở pháp lý trong tổ chức thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục QP-AN. Trong 11 năm qua, thành phố đã chỉ đạo các xã, phường, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà trường, Hội đồng giáo dục QP-AN các cấp tổ chức 557 lớp học tập cho gần 70 nghìn lượt cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, THCS trên địa bàn. Ngoài ra, công tác kiểm tra, thanh tra thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục QP-AN cũng được thành phố đặc biệt quan tâm…
Chiều cùng ngày, đoàn đã tiến hành giám sát tại UBND tỉnh. Làm việc với đoàn có các đồng chí Bùi Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Thành Sơn, TVTU, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh; Phạm Hồng Quang, TVTU, Chủ tịch ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Lê Văn Dung, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng giáo dục QP-QN tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Thực hiện Chỉ thị số 62- CT/T.Ư của Bộ Chính trị về tăng cường công tác giáo dục quốc phòng toàn dân trong tình hình mới, những năm qua, công tác giáo dục quốc phòng toàn dân từ tỉnh đến cơ sở đã được Hội đồng giáo dục QP-AN các cấp triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Các nội dung, biện pháp, hình thức giáo dục QP-AN được tiến hành phong phú, đa dạng, gắn liền với các hoạt động tuyên truyền nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, Quân đội, của địa phương. Công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về QP-AN luôn được đẩy mạnh thông qua các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương và các hoạt động trực quan… Hội đồng giáo dục QP-AN và cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh cũng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng theo phân cấp. Trong đó, nhiều địa phương có phương pháp tổ chức linh hoạt, sáng tạo, đa dạng mang tính đột phá. Từ năm 2001 đến 2010, ngoài việc bảo đảm 100% chỉ tiêu đi bồi dưỡng kiến thức QP-AN đối với các đồng chí cán bộ chủ chốt thuộc đối tượng 1, 2 do Hội đồng giáo dục QP – AN Trung ương và Quân khu III triệu tập.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chủ động phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu III mở 6 lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đối tượng 2 tại Trường Quân sự tỉnh. Tổ chức 13 lớp cho đối tượng 3; 36 lớp cho đối tượng 4; 272 lớp cho đối tượng 5; 12 lớp cho các vị chức sắc, nhà tu hành, chức việc tôn giáo; 17 lớp cho đối tượng khác… Công tác giáo dục QP-AN cho học sinh, sinh viên đã đi vào nề nếp theo đúng chương trình quy định của Bộ Giáo dục – Đào tạo.
Qua đó, giúp học sinh, sinh viên hiểu rõ hơn về truyền thống quê hương, đất nước, về bản chất, âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; nắm chắc quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ bồi dưỡng kiến thức QP-AN cũng được tỉnh quan tâm đúng mức.
Tại buổi giám sát, các thành viên trong đoàn đã trao đổi làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến mô hình tổ chức bộ máy hội đồng giáo dục QP-AN các cấp; công tác bồi dưỡng kiến thức giáo dục QP-AN cho các đối tượng chức sắc, chức việc; học sinh, sinh viên; thời gian tổ chức các lớp bồi dưỡng; đảm bảo ngân sách cho công tác giáo dục QP-AN; vai trò của các tổ chức đoàn thể trong công tác xã hội hóa giáo dục QP-AN; việc xây dựng đội ngũ báo cáo viên; nội dung, chương trình giáo dục QP-AN…
Phát biểu tại buổi giám sát, đồng chí Lê Việt Trường, Phó chủ nhiệm ủy ban QP-AN của Quốc hội đánh giá cao kết quả thực hiện công tác giáo dục QP-AN của tỉnh, công tác giáo dục QP-AN ở Ninh Bình đã thực sự đi vào nề nếp, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành và toàn dân về nhiệm vụ QP-AN, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Đồng chí Phó chủ nhiệm ủy ban QP-AN Quốc hội nhấn mạnh, kết quả giám sát lần này sẽ là cơ sở để ủy ban xây dựng dự thảo Luật Giáo dục QP-AN trình Quốc hội xem xét. Vì vậy, đề nghị Hội đồng giáo dục QP-AN tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất về phạm vi, đối tượng giáo dục QP-AN; những vấn đề cần cải tiến trong nội dung, phương pháp giảng dạy chương trình giáo dục QP-AN; vấn đề tổ chức cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giáo dục QP-AN; ngân sách cho công tác giáo dục QP-AN tại địa phương…, góp phần nâng cao chất lượng của dự án luật, phục vụ tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Quốc Khang