Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội làm việc tại Ninh Bình

Cập nhật: 11/12/2013

Sáng 25/3, Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã có buổi làm việc tại Ninh Bình.

Đồng chí Đào Trọng Thi, Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (UBVHGDTNTN&NĐ) của Quốc hội làm Trưởng Đoàn giám sát.

quochoinb

Các đồng chí: Bùi Văn Nam, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; Bùi Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Văn Dung, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Văn Phương, TUV, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh… cùng các đồng chí lãnh đạo Sở GD &ĐT, đại diện các sở, ngành liên quan dự buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bùi Văn Nam, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ thông báo tóm tắt kết quả phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Ninh Bình trong những năm qua, trong đó nhấn mạnh, từ phát triển kinh tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư phát triển giáo dục-đào tạo.

Tỉnh cũng đã có nhiều chính sách quan tâm, khuyến khích và huy động sự vào cuộc của toàn xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Nhiều quỹ khuyến học ra đời, trong đó có Quỹ khuyến học, khuyến tài Đinh Bộ Lĩnh huy động được trên 20 tỷ đồng, là nguồn động viên tích cực, kịp thời cho những tài năng, học sinh nghèo vượt khó, giúp các em có thêm động lực để phấn đấu, cống hiến, tạo động lực cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh Ninh Bình ngày càng phát triển.

Đồng chí Lê Văn Dung, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo tóm tắt việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự hội nghị đã đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ một số vấn đề như: Tăng cường đầu tư cho giáo dục vùng nông thôn, vùng khó khăn; có chế độ tiền lương thảo đáng cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, tạo điều kiện cho đội ngũ nhà giáo yên tâm thực hiện nhiệm vụ.

Tăng cường đầu tư cho giáo dục ở các trường bãi ngang ven biển theo Nghị định 61 của Chính phủ. Xem xét điều chỉnh, phân bổ ngân sách giáo dục theo hướng tập trung ưu tiên đầu tư cho giáo dục phổ cập, giáo dục vùng dân tộc và vùng khó khăn, thực hiện chính sách xã hội, hỗ trợ con em các gia đình nghèo và các chương trình mục tiêu ưu tiên khác.

Đề nghị Quốc hội tiếp tục cho thực hiện đề án kiên cố hoá trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013-2015 để cải thiện điều kiện cơ sở vật chất trường lớp và nhà công vụ cho giáo viên, nhất là vùng nông thôn, vùng kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn.

Đề nghị sớm nghiên cứu sửa đổi chính sách học phí quy định tại Nghị định số 49/2010/NĐ-CP về các nội dung Quy trình thủ tục, đối tượng, phương thức cấp bù miễn giảm học phí, dần từng bước miễn học phí cho bậc học mầm non.

Cần có chế độ thâm niên cho các nhà giáo được điều động làm công tác quản lý ở các phòng và Sở giáo dục – Đào tạo và các nhà giáo đã nghỉ hưu. Nâng mức đầu tư kinh phí cho giáo dục để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy và học tập…

Kết luận hội nghị, thay mặt Đoàn giám sát, đồng chí  Đào Trọng Thi cảm ơn sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của tỉnh Ninh Bình trong chương trình giám sát, nhất là đã có những giải trình, trả lời cụ thể về những câu hỏi cần làm rõ của Đoàn giám sát xung quanh các vấn đề về chương trình sách giáo khoa, chính sách giáo dục, định mức cho giáo viên, vấn đề sách tham khảo, việc đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục – đào tạo… của tỉnh Ninh Bình, từ đó làm cơ sở để Đoàn tổng hợp, nêu ý kiến trình các cấp bộ, ngành có liên quan cũng như trong các kỳ họp Quốc hội, đảm bảo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nhà nước ta ngày càng phát triển.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bùi Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Ninh Bình luôn được các cấp uỷ Đảng, chính quyền và toàn xã hội quan tâm, đầu tư đúng mức, thể hiện bằng việc ra các Chỉ thị, Nghị quyết, Kế hoạch và xây dựng chương trình, mục tiêu cụ thể để thực hiện hiệu quả.

Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, có chế độ hỗ trợ cho đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, giáo viên có mức thu nhập thấp… luôn được các cấp, các ngành liên quan quan tâm, chỉ đạo.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận những đóng góp cụ thể, tích cực của các thành viên trong Đoàn, qua những vấn đề, nhóm câu hỏi được Đoàn giám sát đưa ra, Ninh Bình sẽ tiếp thu và có báo cáo giải trình cụ thể trong thời gian tới.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng mong muốn, những kiến nghị, đề xuất của tỉnh sẽ được Đoàn báo cáo với Quốc hội, Chính phủ xem xét, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung… cho phù hợp, sát với thực tế tỉnh Ninh Bình nói riêng, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của cả nước nói chung…

Chiều cùng ngày, Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chia làm 2 tổ, thực hiện giám sát tại trường THPT Bán công Ninh Bình và trường THPT chuyên Lương Văn Tuỵ.

Mỹ Hạnh-Thế Minh

Tác giả