Tìm nơi xây dựng đền thờ Vua Lý Thái Tổ
Ngày Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội đang đến gần, việc xây dựng đền thờ vua Lý Thái Tổ là ý tưởng đã được đặt ra và được UBND TP Hà Nội xây dựng đề án, giao Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư. Đã có nhiểu ý kiến bàn luận về vấn đề này, tuy nhiên cho đến nay, giới khoa học và các nhà quản lý vẫn chưa tìm ra địa điểm thích hợp…
Vua Lý Thái Tổ với Hoa Lư và Thăng Long.
Về nguồn gốc của Vua Lý Thái Tổ, Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: “Thái Tổ Hoàng đế, họ Lý, tên huý là Công Uẩn, người châu Cổ Pháp, Bắc Giang (nay là làng, cũng là xã Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh-TP), mẹ họ Phạm…, sinh Vua ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất(974) niên hiệu Thái Bình năm thứ năm thời Đinh. Lớn lên làm quan nhà Lê, thăng đến chức Điện tiền chỉ huy sứ… là người khoan thứ, nhân từ, tinh tế hoà nhã có lượng đế vương”.
Trong Đại Việt sử ký tiền biên của Ngô Thì Sĩ có đoạn: “ Vua lúc bé thông minh, vẻ người tuấn tú khác thường”. Khi bảy tuổi được sư Lý Khánh Văn, trụ trì chùa Cổ Pháp gửi nhờ sư Lý Vạn Hạnh (anh trai sư Lý Khánh Văn) ở chùa Lục Tổ dạy cho học hành. Lớn lên, với sự bảo hộ của sư Vạn Hạnh- người có uy tín với triều Tiền Lê và được vua Lê Đại Hành rất trọng vọng, Lý Công Uẩn được vào Hoa Lư làm tới chức Tả thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ.
Năm 1010, khi Vua Lê Long Đĩnh mất, lực lượng của Đào Cam Mộc cùng với sư Vạn Hạnh đã tôn ông lên làm vua. Khi mất, ông được đặt miếu hiệu là Lý Thái Tổ… Sử sách chép rằng: “ Hoa Lư là nơi núi non trùng điệp. Núi trong sông, sông trong núi. Căn cứ thuỷ bộ rất thuận tiện. Sau lưng là rừng, trước mặt là đồng bằng, xa nữa là biển cả… Nơi đây non sông tráng lệ, phong thuỷ hài hoà xứng đáng chọn để dựng đô được”. Đó cũng chính là lý do để vua Đinh Tiên Hoàng chọn nơi này là Kinh đô Triều đại nhà Đinh, và sau đó là triều Tiền Lê. Khi vua Lý lên ngôi, ông thấy Hoa Lư đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.
Với địa hình núi non hiểm trở, chật hẹp, chỉ hợp với thời chiến không hợp với thời bình, không thể mở mang ra làm chỗ đô hội được, nên đã nung nấu ý tưởng dời đô. Nhân dịp kinh lý qua La Thành, có “điềm” trông thấy rồng bay. Trở về Hoa Lư, ông đã thảo Chiếu dời đô và ban hành vào mùa xuân năm 1010 để chuyển Kinh đô của nước Đại Cồ Việt từ Hoa Lư ra Đại La, đặt tên mới là Thăng Long. Chọn Đại La bởi ông cho rằng “ Làm như thế cốt để mưu nghiệp lớn,…Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời (Chiếu dời đô)
Chọn nơi thích hợp để dựng đền
Như vậy, xét về mặt lịch sử, cả Hoa Lư và Thăng Long đều xứng đáng được chọn làm nơi tôn vinh và xây dựng đền Vua Lý Thái Tổ. Tuy nhiên, để xây dựng đền thờ cần xem xét nhiều khía cạnh, trong đó, yếu tố văn hoá cần được đặt lên hàng đầu.
Ý kiến của GS Sử học Lê Văn Lan cho rằng: “ Có nên hay không việc xây dựng đền thờ Vua Lý tại Hà Nội?”. Theo ý kiến của tôi là không nên, bởi lẽ sự phát triển của Thủ đô như hiện nay không phù hợp với việc xây dựng đền. Văn hoá xây đền là của thời quá vãng, khi cần biểu dương, biểu thị tín ngưỡng đối với các vị anh hùng, còn văn hóa hiện đại thích hợp với việc xây tượng đài, viết sách, hội thảo… nhằm thừa kế những di sản trước đây…Mặt khác, nếu Hà Nội chỉ xây đền Vua Lý Thái Tổ thì sẽ còn “nợ” nhiều bậc tiền nhân khác nữa, dù Vua Lý có công khai sinh văn hoá Thăng Long nhưng để xây dựng và tái xây dựng Thăng Long xưa còn có bao nhiêu đời vua của các triều Lý, Trần, Hậu Lê…Bởi thế, dù Hà Nội có mở mang đến đâu cũng không thích hợp đặt đền thờ tại đây. Cũng xin nói thêm rằng, tôi không đồng tình ý kiến xây dựng đền ngay sau tượng đài Lý Thái Tổ ở vườn hoa Chí Linh, bởi xây dựng đền cần không gian đủ rộng, thoáng đãng, tôn nghiêm, hơn nữa, không lẽ lại để “cụ” Lý quay lưng vào nơi người dân thờ cúng chính mình”. Theo Giáo sư, Khu Di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư là nơi thoả đáng để tôn vinh, xây dựng và vận hành đền. Bởi Hoa Lư là nơi gây dựng ba Vương triều: Đinh, Tiền Lê, Lý. Và khu vực này cho đến tới ngày nay vẫn gữi được những dấu tích và khung cảnh xưa cũ. Trên nền Cố đô đã có hai ngôi đền cổ được xây dựng từ thế kỷ 17, thờ vua Đinh và vua Lê, cạnh đó vẫn còn khu vực Bến Thuyền và con sông Sào Khê, một nhánh của sông Hoàng Long- là nơi vua Lý Thái Tổ cùng đoàn tuỳ tùng xuống thuyền di chuyển bằng đường thuỷ ra nơi định đô mới Thăng Long… bởi thế Cố đô Hoa Lư hội đủ các điều kiện tự nhiên, lịch sử, điạ lý và con người để có thể sẵn sàng vận hành ngôi đền mới.
GS Sử học Phan Huy Lê đưa ra quan điểm của mình: Tôi biết Hà Nội vẫn đề nghị và quyết tâm xây dựng đền thờ vua Lý Thái Tổ tại Thủ đô, tôi không phản đối nhưng phải tìm vị trí thích đáng, theo tôi rất khó để chọn địa điểm thích hợp. Không có lý do gì để xây dựng đền ở xa trung tâm, cũng không thể chọn vườn hoa Chí Linh, lại càng không thể đặt trong khu vực Hoàng thành bởi chúng ta đang xây dựng hồ sơ đăng ký Hoàng thành Thăng Long trở thành di sản văn hoá thế giới. Tổ chức UNESCO đã cử chuyên gia sang giúp chúng ta lập hồ sơ. Để dành được danh hiệu Di Sản Văn hoá thế giới thì những dấu tích vật chất hiện tại phải đủ sức thuyết phục về tính toàn vẹn và nguyên gốc của di tích và cả kinh nghiệm lập hồ sơ; phải đảm bảo được hai yếu tố là có giá trị nổi bật toàn cầu và có các biện pháp quản lý hữu hiệu. Do vây chúng ta không thể tự loại mình ra khỏi danh sách di tích văn hoá thế giới đang được xem xét.
Giáo sư cho biết thêm, năm ngoái ông có về thăm Cố đô Hoa Lư, do vậy khi mới nghe ý tưởng này, ông tỏ ý ủng hộ ngay và cho rằng đây là ý tưởng đầy tính thuyết phục, vì Hoa Lư không chỉ bảo đảm yếu tố lịch sử là nơi Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế, sáng lập Vương triều nhà Lý, nơi ra đời và thực thi quyết định dời đô- một quyết định mang tính lịch sử cho “ mãi muôn đời:, mà còn hội đủ yếu tố tự nhiên và không gian văn hoá để có thể xây dựng đền thờ vua Lý Thái Tổ tại đây.
Cần một sự hợp tác
Vậy vấn đề đặt ra là nên chăng cần một sự hợp tác của hai địa phương Hà Nội và Ninh Bình để cùng xây dựng một ngôi đền xứng đáng là công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội trên đất Hoa Lư. Sự liên kết này đã có từ năm 2000, khi hai địa phương cùng hợp tác xây dựng nhà bia tưởng niệm Lý Thái Tổ tại khu vực Bến Thuyền, đúng dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long- Hà Nội. Trong chương trình đón ngày đại lễ sắp tới, Hà Nội đã có kế hoạch, đề án nhưng chưa tìm được địa điểm, chưa xác định được quy mô, kiến trúc xây dựng đền thờ Vua Lý Thái Tổ, trong khi Cố đô Hoa Lư sẵn sàng tất cả những yếu tố này:
Về địa điểm: tại khu vực thành nội của Cố đô Hoa Lư, nếu đứng ở vị trí đền vua Lê, hướng về Mã Yên Sơn và con sông Sào Khê, thì bên phải là đền vua Đinh, bên trái còn một khu đất rất rộng chưa được khai thác, đây cũng là vị trí nằm cạnh con sông Sào Khê. Giả sử nơi đây được chọn để xây dựng đền vua Lý thì thứ tự vị trí ba ngôi đền cũng phù hợp thứ tự các Triều đại trong lịch sử Kinh đô Hoa Lư: Đinh- Lê- Lý.
Về quymô: đền thờ vua Đinh toạ lạc trong khuôn viên rộng 5 ha, cách đó khoảng 500m là đền vua Lê với quy mô nhỏ hơn một chút. Như vậy cũng có thể lấy đó làm căn cứ để định ra quy mô của đền thờ vua Lý.
Về kiến trúc: cả hai ngôi đền vua Đinh và vua Lê uy nghiêm, mô phỏng Kinh đô Hoa Lư xưa, đều có kiến trúc theo kiểu “ nội công, ngoại quốc”- một kiểu kiến trúc chùa truyền thống của Việt Nam. Chùa kiểu “ nội công, ngoại quốc” là kiểu chùa có hai hành lang dài nối liền nhà tiền đường với nhà hậu đường(có thể là nhà tổ hay nhà tăng) làm thành một khung hình chữ nhật bao quanh lấy nhà Thiêu Hương, nhà thượng điện hay các công trình kiến trúc khác ở giữa. Bố cục mặt bằng chùa có dạng phía trong hình chữ “ công”, còn phía ngoài có khung bao quanh như chữ “ khẩu” hay như ở chữ “quốc”. Hơn nữa, về phương diện tâm linh, Lý Thái Tổ vốn sinh ra tại chùa, là con nuôi của nhà chùa, do đó, ngôi đền thờ ông được xây dựng theo kiến trúc chùa truyền thống cũng hợp với tinh thần sùng mộ đạo Phật của nhà vua.
Đó là những căn cứ mang tính tham khảo nhằm tạo một quần thể di tích thống nhất và hợp đạo lý. Theo các nhà khoa học, quần thể di tích Cố đô Hoa Lư thiếu đền thờ vua Lý là một thiếu sót mang tính nhận thức lịch sử, mà thế hệ chúng ta có nhiệm vụ nhìn nhận lại và bổ sung trên cơ sở đánh giá mang tính khoa học. Để người dân Hoa Lư(Ninh Bình) thêm phần tự hào là người dân của mảnh đất dựng lên ba Vương triều: Đinh- Lê- Lý. Và có lẽ, kỷ niệm 1000 năm Hoa Lư- Thăng Long- Hà Nội là dịp thích hợp nhất để làm việc đó.
Sự kết hợp giữa hai địa phương có thể sẽ góp phần hiện thực hoá một số chương trình, kế hoạch đón ngày đại lễ vẫn đang nằm trên bàn giấy; tạo ra một tam giác du lịch di tích trong tương lai: Đền Lý bát đế (Bắc Ninh) – Di tích Hoàng Thành và Tượng đài Lý Thái Tổ (Hà Nội) – Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
(Nguồn: Thế giới di sản)