“Có 4 từ trong tiếng Anh đang và sẽ biến mất?”
Nhà báo Thomas L. Friedman – tác giả của quyển sách nổi tiếng “Thế giới phẳng” đã đưa ra nhận định như trên trong một buổi giao lưu nhân dịp ra mắt bản cập nhật mới nhất của quyển sách này ở Việt Nam.
Buổi giao lưu đã diễn ra ngắn gọn vào sáng ngày 9/5 tại TP.HCM trong không khí gần gũi giữa chủ nhân của quyển sách Thế giới phẳng và những độc giả dành tình cảm yêu mến cho tác phẩm nổi tiếng này. Đây cũng là một trong những chuỗi sự kiện dày đặc nằm trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của nhà báo Thomas L.Friedman từ ngày 5 – 11/5 theo lời mời của Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Thế giới phẳng là một tác phẩm mang đậm dấu ấn của nhà báo Thomas L.Friedman và giúp tên tuổi của ông được biết đến rộng rãi ở nhiều quốc gia khác nhau. Bởi lẽ, tác phẩm không chỉ ảnh hưởng sâu sắc đến việc thay đổi nhận thức về cách vận hành thế giới mà còn ảnh hưởng cả tư duy trong quan hệ quốc tế. Với những minh chứng bằng thực tiễn sinh động, Thomas đã giúp cho người đọc cảm nhận được sự tồn tại của một thế giới phẳng mới.
Quyển sách được xuất bản lần đầu tiên tại Mỹ vào năm 2005 và từ tháng 6/2006, hơn 2 triệu bản đã được bán ra. Đây cũng là quyển sách bán chạy nhất theo xếp hạng của The New York Times từ tháng 4/2005 đến tháng 5/2007. Ở Việt Nam, Thế giới phẳng được xuất bản vào năm 2008 cũng đã nhận được không ít phản hồi tích cực từ nhiều độc giả.
Với Thế giới phẳng, Thomas đã vạch ra nguyên nhân và cách thức mà sự toàn cầu hóa đang bùng nổ với tốc độ ghê gớm cũng như cách giải mã thế giới phẳng một cách tài tình, giúp độc giả hiểu được những biến động đang diễn ra ngay trước mắt mình. Dưới ngòi bút đầy sức mạnh của một nhà báo uy tín bậc nhất nước Mỹ, Thế giới phẳng của Thomas đã góp phần phản ánh bộ mặt mới nhất của toàn cầu hóa, song song đó là những thành công cũng như những bất bình mà nó mang lại.
Nói về thông điệp mà mình muốn gửi gắm qua quyển sách này trong việc tác động đến sự thay đổi tư duy của mọi người về thế giới, ông Thomas chia sẻ: “Tôi luôn nghĩ rằng, công việc của tôi chỉ là giúp mọi người khám phá thế giới này. Và, đó là công việc mà tôi vẫn đang làm. Nếu như quyển sách này có thể giúp ích cho mọi người ở khắp nơi trên thế giới thì thật là vinh dự đối với tôi. Ngay cả trong chuyến thăm đất nước các bạn lần này, khi tôi nhận ra rằng chỉ cần có một người đọc tác phẩm của tôi thì tôi cũng đã hạnh phúc lắm rồi!”.
Và hơn hết, tình cảm mà nhiều độc giả trên thế giới cũng như ở Việt Nam dành cho Thế giới phẳng là một trong những lý do khiến ông tái bản quyển sách này kèm theo hai chương mới. Chia sẻ về động lực bổ sung thêm hai chương mới này, Thomas cho biết: “Có thể nói, thế giới phẳng hiện nay là một khái niệm đã thay đổi. So với thế giới phẳng của những năm trước đây, nó ngày càng trở nên phẳng hơn và cũng sinh ra nhiều chuyển động mới hơn. Đó là nội dung chính mà trong 2 chương mới này tôi sẽ đề cập đến. Và một điều dễ dàng thấy nhất chính là sự kết thúc của quyền riêng tư mỗi con người trong thế giới phẳng này”.
Ngoài ra, tác giả của Thế giới phẳng cũng đưa ra nhận định dựa trên quan điểm và những trải nghiệm của mình về thế giới xung quanh. Ông cho rằng, 4 từ trong tiếng Anh có khả năng đang và sẽ biến mất vì thế giới ngày càng trở nên phẳng hơn. Theo đó, 4 từ “Địa phương, Quyền riêng tư, Trung bình và Trễ hơn” được Thomas lý giải như sau:
Địa phương: Khi mọi thứ trở thành toàn cầu hóa thì tính địa phương sẽ không còn tồn tại. Có thể đưa ra một ví dụ cụ thể, nếu tôi viết tin tức ở TP.HCM này, thì ngay lập tức bản tin có thể được đọc ở Washington và bản tin này sẽ không còn mang tính địa phương nữa.
Quyền riêng tư: Khi một thế giới phẳng và mọi thứ trên thế giới này dường như xích lại gần nhau hơn thì quyền riêng tư xem như đã kết thúc.
Trung bình: Trong một bài báo mà chúng tôi đã từng viết cho New York Times cách đây 2 tuần, chúng tôi có nói về một nông trại sữa bò mà nông dân ở đó dùng robot để vắt sữa. Trước đây, có ai đã tưởng tượng ra bạn sẽ vắt sữa bò bằng robot không nhưng giờ thì chuyện đó xảy ra khắp nơi. Và tương tự, những công việc trung bình, đơn giản sẽ được thay thế bằng robot. Thay vào đó, các công nhân ở Việt Nam hay Trung Quốc sẽ phải làm những việc trên trung bình.
Trễ hơn: Sự biến đổi khí hậu và những thay đổi quá nhanh của môi trường trên thế giới hiện nay cũng như những gì ở Việt Nam mà bạn nói, dù là cánh rừng hay một con sông, nếu bạn nói muốn bảo vệ nó, hãy bảo vệ ngay từ bây giờ, nếu không thì sẽ quá trễ, sẽ không còn từ trễ hơn, chậm hơn và sẽ không còn kịp nữa.
Thomas L. Friedman sinh năm 1953, là một nhà báo, nhà bình luận nổi tiếng người Mỹ về quan hệ chính trị giữa các nước, bao gồm các vấn đề: mậu dịch quốc tế, các vấn đề Trung Đông, sự toàn cầu hóa và cả những vấn đề liên quan đến môi trường sống…
Ông phụ trách chuyên mục đối ngoại của tờ New York Times và đã từng 3 lần nhận giải thưởng Pulitzer, trong đó 2 lần cho mảng Phóng sự quốc tế (1983, 1988) và 1 lần cho mảng Bình luận (2002).
Ngoài Thế giới phẳng, các tác phẩm nổi tiếng khác của ông còn được chuyển dịch sang tiếng Việt và xuất bản ở Việt Nam như: Nóng, phẳng, chật; Từng là bá chủ.
Trí Hòa