Đề xuất dành 1.200 tỷ đồng xây nhà tránh lũ

Cập nhật: 05/12/2013

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trình Thủ tướng đề án hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ lụt ở miền Trung với tổng kinh phí 1.200 tỷ đồng. Mỗi hộ dân được hỗ trợ để xây 10m2 nhà kiên cố vượt lũ.

260.000 hộ dân dọc miền Trung bị ngập sâu 1,5-3,6m trong mùa lũ 2010.

14 tỉnh thành thuộc khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung gồm Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận và TP Đà Nẵng được kiến nghị đưa vào đề án. Theo đó, các hộ nghèo thuộc các địa phương này sẽ được hỗ trợ để làm nhà, có một chỗ ở an toàn để ổn định sinh hoạt khi có lũ, lụt với mức ngập.

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng đề xuất giải pháp trước mắt tổ chức tái định cư tập trung các hộ gia đình trong khu vực bị lũ ống, lũ quét, sạt lở, sụt lún đất và ngập sâu thuộc diện nguy hiểm phải di dời khẩn cấp.

Trong khu vực thường xuyên có lũ, lụt, các hộ gia đình có điều kiện về kinh tế được hướng dẫn, vận động xây dựng nhà ở cao tầng có sàn ở vượt mức ngập lụt. Với những hộ nghèo, Nhà nước có chính sách hỗ trợ, kết hợp với các nguồn vốn huy động khác để xây dựng, sửa chữa, cải tạo một gian nhà ở kiên cố hoặc chòi phòng tránh lũ, lụt.

Mô hình xây một gian nhà, chòi ở có gác vượt lũ được cho là phù hợp, hiệu quả hơn so với các mô hình làm bè nổi, làm gác lửng, tôn cao nền để xây dựng nhà ở… Gian nhà hoặc chòi ở được xây dựng liền kề với nhà ở đã có nên người dân dễ dàng di chuyển lên đó để tránh nguy hiểm, kể cả trong lúc xảy ra thiên tai bất ngờ. Ngoài ra, việc cất giữ tài sản, lương thực, thực phẩm để tránh thiệt hại do thiên tai của người dân cũng rất thuận lợi.

Tuy nhiên, việc xây dựng gian nhà kiên cố cần nhiều kinh phí. Để phù hợp với giai đoạn hiện nay, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đề nghị thực hiện mô hình xây dựng chòi phòng tránh lũ, lụt. Chòi phòng tránh lũ, lụt phải có sàn (gác) sử dụng vượt mức ngập lụt, diện tích khoảng 10m2. Các kết cấu chính như móng, khung căn chòi có chất lượng tương đương gian nhà xây dựng kiên cố.

Theo báo cáo nhanh của các tỉnh trong khu vực dự án, trong mùa lũ năm 2010, có khoảng 260.000 hộ có nhà ở bị ngập sâu trong khoảng từ 1,5 – 3,6 m, trong đó khoảng 60.000 hộ nghèo (tính theo tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới, giai đoạn 2011-2015). Bộ trưởng Xây dựng kiến nghị, tổng số vốn ngân sách TƯ và vốn vay để thực hiện cho dự án là 1.200 tỷ đồng. Vốn ngân sách TƯ hỗ trợ dự tính 10 triệu đồng/hộ, vốn vay ưu đãi thêm 10 triệu đồng/hộ.

Ông Dũng phân tích, chi phí vật liệu chủ yếu để xây dựng chòi phòng tránh lũ, lụt như mô hình để xuất tốn khoảng 20 triệu đồng, chi phí về nhân công và các chi phí khác khoảng 10 triệu đồng, tổng cộng 30 triệu đồng. Như vậy, mỗi hộ gia đình nhận được hỗ trợ cho 2/3, phải tự lo đóng góp 1/3 giá trị căn chòi.

Những cảnh xót xa ở vùng lũ.

Bộ trưởng Xây dựng cũng đề xuất mỗi địa phương xây dựng các nhà cộng đồng và tiến hành cải tạo, nâng cấp các công trình công cộng đã có như: trụ sở cơ quan, trường học, trạm y tế… có chiều cao vượt mức ngập lụt để làm nơi tạm trú cho người dân khi có lũ, lụt. Do nhà nước đang có khó khăn về ngân sách, chưa có điều kiện đầu tư, ông Dũng đề nghị chưa thực hiện ngay giải pháp này mà sẽ thực hiện xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp các công trình nhà công cộng thuộc các chương trình mục tiêu như trụ sở, trường học, trạm y tế… kết hợp chức năng phòng tránh lũ, lụt. Các công trình công cộng này sẽ được đầu tư xây dựng bằng vốn ngân sách địa phương hoặc vốn của các chương trình, mục tiêu đã được Chính phủ phê duyệt.

Với những băn khoăn đề xuất của các địa phương về việc hỗ trợ các hộ nghèo tại các đô thị có chỗ ở an toàn, tránh được tác động của bão, gió mạnh, ông Dũng giải trình, đó là nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, số hộ dân bị ảnh hưởng bởi bão, gió mạnh của cả nước rất nhiều vì không chỉ ở khu vực miền Trung mà khu vực đồng bằng Bắc Bộ và nhiều khu vực khác đều có bão. Nếu thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng này sẽ rất khó đáp ứng về kinh phí.

Theo kế hoạch, quý I năm 2012 các địa phương trong đề án sẽ thực hiện bình xét, lập và phê duyệt danh sách số hộ thuộc diện đối tượng. Đến quý IV sẽ tổ chức xây dựng điểm chòi phòng tránh lũ, lụt cho khoảng 20%-30% số hộ gia đình thuộc diện hỗ trợ. Năm 2013 sẽ triển khai đại trà tại các địa phương.

P.Thảo

Tác giả