Xi măng trong cơn khủng hoảng thừa: Vì đâu nên nỗi?

Cập nhật: 07/12/2013

Hiện nay có 46 công ty sản xuất kinh doanh xi măng, lắm thương hiệu, lắm đầu mối. Khi cung xi măng vượt quá cầu, nhiều doanh nghiệp không có năng lực quản lý, thiếu vốn, sản xuất kinh doanh thua lỗ đã phá sản và bên bờ vực phá sản.


 
Hút FDI để cứu xi măng khỏi khủng hoảng thừa


Doanh nghiệp phá sản vì thừa xi măng

Ngày 24/4, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (Vafi) có bản đánh giá nguyên nhân dẫn đến tình trạng khủng hoảng thừa trong ngành xi măng. Theo Vafi, hiện tại ngành xi măng nước ta đã bộc lộ những điểm vô cùng yếu kém như dư thừa năng lực sản xuất xi măng khoảng từ 20 triệu– 25 triệu tấn, tương ứng khoảng 10 nhà máy xi măng cỡ lớn, ứng với lượng vốn đầu tư vài tỷ USD.

Đa số nhà máy xi măng lâm vào cảnh nợ nhiều, tổng vay nợ gấp từ 4 – 6 lần vốn chủ sở hữu, đa số kinh doanh thua lỗ, kể cả với Tổng công ty công nghiệp xi măng Việt Nam cũng thua lỗ nếu thực hiện hạch toán đúng. Hệ quả là nảy sinh nợ xấu, nợ xấu tiềm ẩn hàng nghìn tỷ đồng. Điều đó đã ảnh hưởng tới quyền lợi của cổ đông, của ngân hàng và của nhà nước trong trường hợp vốn tín dụng ưu đãi, vốn vay được nhà nước bảo lãnh.

Còn theo Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, do khủng hoảng kinh tế tài chính trong những năm qua, nhu cầu xi măng nội địa trong ba năm 2011-2013 ước tính sẽ giảm khoảng 14 – 15 triệu tấn. Đến năm 2015 nhu cầu ước tính khoảng 60 – 65 triệu tấn (quy hoạch dự báo 75 – 76 triệu tấn). Nếu tiếp tục đầu tư theo Quyết định số 1488/QĐ-TTg thì đến năm 2015 tổng công suất các nhà máy xi măng sẽ đạt 94,24 triệu tấn, sẽ thừa khoảng 25 triệu tấn và đến năm 2020 sẽ lên đến 129,5 triệu tấn, sẽ thừa trên 40 triệu tấn công suất.


Quản lí yếu kém

Nguyên nhân dẫn đến cung xi măng vượt cầu được Vafi chỉ ra là: Thứ nhất, công tác lập quy hoạch phát triển ngành xi măng yếu kém, xa rời thực tiễn trong nước và thị trường quốc tế.

Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam trở thành nước đứng đầu trong khối ASEAN về năng lực sản xuất xi măng, trong khi nền kinh tế của ta còn theo sau với khoảng cách lớn so với các nước như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippine. Mặt khác khả năng và hiệu quả xuất khẩu xi măng là khó và kém.

“Hạn chế này thuộc về Bộ Xây dựng là Bộ quản lý ngành đồng thời có trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ trong công tác lập quy hoạch” – bản đánh giá của Vafi nêu rõ.

Thứ hai, lẽ ra không nên có chính sách bảo lãnh tín dụng của nhà nước đối với những dự án kinh doanh mà nhiều doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước có thể thực hiện bình thường không cần sự hỗ trợ của nhà nước. Việc có cơ chế bảo lãnh tín dụng cho đầu tư nhà máy xi măng khiến cho lãnh đạo nhiều tổng công ty nhà nước, lãnh đạo UBND tỉnh hăng hái xin tín dụng bảo lãnh. Nếu không có cơ chế này, nền kinh tế nước ta không thiếu xi măng và sự dư thừa có lẽ ở mức độ thấp hơn nhiều so với hiện tại.

Thứ ba, đầu tư nhà máy xi măng với vốn đầu tư lớn (vài nghìn tỷ đồng/nhà máy ) tạo điều kiện cho một số kẻ tham nhũng dễ dàng làm giàu vì tiền hoa hồng lớn. Trên thực tế thì có một số lãnh đạo doanh nghiệp nghĩ rằng làm giàu từ các dự án này dễ dàng và nhanh hơn là việc kiếm tiền chính đáng từ lợi nhuận hay cổ tức doanh nghiệp. Công ty có phá sản hay thua lỗ thì họ vẫn là “triệu phú” và ở thời điểm đó họ đã hạ cánh an toàn. Đây là một thực tế và để ngăn chặn hệ quả này xảy ra trong tương lai thì phải có biện pháp không cho kẻ tham nhũng vô trách nhiệm được về hưu an toàn.

Cần tăng thu hút FDI vào xi măng?

Theo Vafi, để nhanh chóng cứu ngành xi măng thoát khỏi tình trạng như phân tích ở trên, cần có thêm giải pháp là khuyến khích đầu tư FDI đầu tư vào các nhà máy xi măng nhằm các mục tiêu thu hút được nhà đầu tư chuyên nghiệp vào quản lý doanh nghiệp; nhanh chóng thu hút được nguồn vốn khổng lồ để tái cấu trúc tài chính cho doanh nghiệp; mở ra thị trường xuất khẩu cho ngành xi măng, nhanh chóng giải quyết được tình trạng tồn kho dư thừa công suất cho ngành xi măng .

Quan điểm này của Vafi dường như đã đi ngược lại hoàn toàn quan điểm của Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam và những doanh nghiệp trong ngành xi măng. Trong bản kiến nghị mới đây gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam đã cảnh báo không để các tập đoàn xi măng nước ngoài thôn tính các nhà máy xi măng lớn của nước ta có lợi thế cạnh tranh, có công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại, có địa thế ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Bởi vì Hội Vật liệu xây dựng lo ngại các doanh nghiệp này biến nước ta thành nơi cung cấp tài nguyên, năng lượng, lao động; làm ô nhiễm môi trường sinh thái, làm thiệt hại kinh tế quốc gia do xi măng là mặt hàng chiến lược hết sức quan trọng gắn với tài nguyên không tái tạo.

Tại cuộc giao ban tháng 3 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện Tổng Công ty xi măng Việt Nam cũng đã lên tiếng kiến nghị rằng: Các bộ, ngành cần tham mưu để hạn chế việc nhà đầu tư nước ngoài mua các dự án xi măng. Thực chất chủ yếu họ mua tài nguyên của đất nước ta mà thôi. Bởi vì sản phẩm xi măng phải sử dụng nhiều tài nguyên khoáng sản, trong đó có đá vôi, đất sét, các loại phụ gia, than… Khi làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài, chúng tôi thấy rằng mục đích họ mua xi măng là để “lợi dụng” nguồn nguyên liệu của mỗi dự án. Điều này sẽ khiến nguồn tài nguyên bị xâm hại và cảnh quan bị phá vỡ.

Theo Petrotimes *
Tác giả