Danh nhân Ninh Bình

Cập nhật: 03/12/2013

Đinh Tiên Hoàng (924 – 979) và sự nghiệp thống nhất đất nước

Đinh Tiên Hoàng chính tên là Đinh Bộ Lĩnh. Ông sinh ngày rằm tháng 2 năm Giáp Thân (tức ngày 22/3/924) tại thôn Kim Lư, làng Đại Hữu, Châu Đại Hoàng, nay là thôn Vân Bồng, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn.

Ông là một người anh hùng dân tộc đã ghi được nhiều chiến công kỳ vĩ: Thống nhất đất nước, xây dựng một Nhà nước quân chủ trung ương tập quyền, bảo vệ và xây dựng nền độc lập tự chủ mới giành được khỏi ách đô hộ phương Bắc.

Định Quốc Công Nguyễn Bặc (924 – 979)

Nguyễn Bặc là đệ nhất công thần, một trong “Tứ trụ” của nhà Đinh. Ông sinh năm Giáp Thân (924). Sau này, ông giúp Đinh Bộ Lĩnh bình định 12 sứ quân. lập công lớn, được vua Đinh phong làm Định Quốc Công (vị trí như tể tướng trong triều đình).

Ngoại Giáp Đinh Điền (924 – 980)

Đinh Điền quê ở làng Đại Hữu, cùng làng với vua Đinh, nay là xã Gia Phương, huyện Gia Viễn.

Đinh Điền từ khi mang thân giúp nước, một lòng trung nghĩa. Do vậy, sau khi lên ngôi vua Lê Hoàn đã sắc phong ông là “Tể thế Hộ Quốc Hiển ứng linh quang Đại Vương”.

Tướng quân Phạm Bạch Hổ (910 – 972)

Phạm Bạch Hổ tên chữ là Phòng Ất, người xã Ngọc Đường, nay thuộc huyện Kim Động (Hưng Yên). Ông sinh ngày 10 tháng giêng năm Canh Ngọ (22/2/910).

Cuộc đời Phạm Bạch Hổ trải qua hai triều Ngô – Đinh. Ông đã từng làm khai quốc công thần, giúp triều đình đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Ông lại là một trong 12 sứ quân, đã sáng suốt biết lấy vận mệnh đất nước đặt lên trên hết.

Lê Hoàn (941 – 1005)

Cách đây hơn 1000 năm, dân tộc ta đã ghi thêm vào sử sách một chiến công sáng chói: Đánh bại hoàn toàn cuộc xâm lược của nhà Tống. Và với sự kiện đó, tên tuổi của Lê Hoàn nổi lên trong lịch sử dân tộc, xứng đáng được đặt ngang hàng với những anh hùng khác như: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung… Ông là một trong những vĩ nhân lớn và có nhiều công lao với đất nước.

Thái hậu Dương Vân Nga (952 – 1000)

Hoàng hậu Dương Vân Nga là người quê ở vùng Nho Quan (Ninh Bình). Bà là một phụ nữ có nhan sắc và hiểu biết nên được vua Đinh rất yêu quý. Sau khi vua Đinh băng hà, trước vận mệnh của đất nước, Bà đã biết đặt lợi ích của đất nước lên trên quyền lợi của dòng họ, chủ động đứng ra điều hành việc triều chính, đưa đến sự thống nhất trong triều đình và mang lại sự yên bình cho dân tộc.

Thiền sư Đỗ Pháp Thuận (916 – 991)

Đỗ Pháp Thuận là một thiền sư nổi tiếng đời tiền Lê. Ông sinh năm 916, người họ Đỗ, Pháp Thuận là pháp danh của ông. Ông đã có nhiều tác phẩm thơ, văn phản ánh lòng tự tôn dân tộc, không khuất phục ngoại bang. Tác phẩm của ông là một trong những tác phẩm sớm nhất bằng chữ Hán của các tác giả Việt Nam.

Đào Cam Mộc (? – 1015)

Đào Cam Mộc vốn là đại thần nhà Tiền Lê. Cuối thời tiền Lê, ông liên kết với sư Vạn Hạnh mưu tôn Lý Công Uẩn lên ngôi.

Khi Lý Công Uẩn lên ngôi, Đào Cam Mộc được phong là Nghĩa Tín Hầu và có công với triều đình. Ông được Lý Thái Tổ truy tặng là Thái Sư, tước á Vương. Ông là một trong hai rường cột của triều đình nhà Lý trong buổi đầu xây dựng.

Phạm Cự Lượng

Phạm Cự Lượng là người đất Chí Linh xưa. Ông sống trong một gia đình có truyền thống võ nghệ. Khi Lê Hoàn lên ngôi, giao cho Phạm Cự Lượng là người chỉ huy lực lượng thuỷ quân và sử dụng chiến thuật của Ngô Quyền năm xưa để tiêu diệt địch. Tướng quân Phạm Cự Lượng đã lập nhiều chiến công và được Lê Đại Hành phong Thái uý; nhiều triều đại sau này phong ông làm Thượng Đẳng thần.

Thiền sư Vạn Hạnh (?-1018)

Ông người họ Nguyễn ở Châu Cổ Pháp, lộ Bắc Giang nay thuộc huyện Tiên Sơn (Bắc Ninh). Ông sống vào cuối thời Tiền Lê, tinh thông cả tam giáo. Sau khi đắc đạo ông trở thành một thiền sư nổi tiếng, được vua Lê Đại Hành mời vào tham dự triều chính tại thành Hoa Lư với tư cách là một cố vấn trong việc quản lý đất nước.

Ngô Chân Lưu (933 – 1011)

Ông là một nhà sư nổi tiếng thời Đinh – Lê. Ông họ Ngô, Chân Lưu là pháp hiệu, quê ở Cát Lợi, huyện Thường Lạc (nay thuộc Thanh Hoá).

Đến đời vua Lê Đại Hành, Ngô Chân Lưu được mời tham dự vào công việc triều đình. Ông là người đã sáng tác nhiều thơ, phú và tác phẩm của ông trở thành độc đáo và có giá trị đặc biệt trong lịch sử văn hoá cổ Việt Nam.

Lý Công Uẩn (974 – 1028) – Người khai sáng Vương triều Lý

Vương triều Lý ra đời năm 1009, là một sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc. Trong đó Lý Công Uẩn là người khai sáng ra Vương triều Lý, đồng thời là người khai sáng nền văn minh Đại Việt, khai sáng thủ đô Thăng Long – Hà Nội, xứng đáng được xếp vào hàng các ông tổ Trung Hưng của dân tộc Việt Nam. 18 năm làm vua của ông cũng là thời kỳ đất nước có nhiều đổi thay lớn lao. Lý Công Uẩn được mọi người Việt Nam mãi mãi ghi nhớ, biết ơn.

 

Nhà sư Nguyễn Minh Không (1066 – 1141)

Tên thật của ông là Nguyễn Chí Thành. Ông quê xã Đàm Xá, huyện Gia Viễn, phủ Trường Yên, nay là thôn Đàm Xá, xã Gia Tiến, huyện Gia Viễn. ông không chỉ giỏi về đạo giáo mà còn giỏi chữa bệnh. Ông đã chữa khỏi bệnh cho thái tử Dương Hoán, sau lên ngôi là Lý Thần Tôn…

Trương Hán Siêu (? – 1354)

Trương Hán Siêu tự là Thăng Phủ, hiệu là Đôn Tẩu, người Phúc Thành, huyện Yên Ninh, phủ Trường Yên, nay là thôn Phúc An, thành phố Ninh Bình. Ông là người có tài, học giỏi.

Khi cuộc kháng chiến chống quân Nguyên thắng lợi, Trần Hưng Đạo đã tiến cử ông vào triều đình. Sau đó ông giữ nhiều trọng trách của triều đình, qua nhiều đời vua và có công lao lớn đối với đất nước. Ông đã nhiều lần được triều đình truy tặng các chức cao hơn sau khi mất và đến triều Nguyễn, vua Thành Thái đã phong ông là Thần.

Trịnh Lỗi (? – 1434) – Với khởi nghĩa Lam Sơn

Trịnh Lỗi là người thôn Khương Lại, xã Sơn Dược, tổng Vân Trình, huyện Gia Viễn (nay là xã Sơn Thành, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình).

Trong số 18 người cùng Lê Lợi dự hội thề Lũng Nhai vào đầu tháng 2 năm Bính Thân (1416), có tên của ông. Ông là một danh tướng, một khai quốc công thần của triều Lê.

Lê Niệm (1416 – 1485)

Lê Niệm sinh năm 1416. Trải qua hai đời vua Lê Nhân Tông (1442 – 1459) và Lê Thánh Tông (1460 – 1497), Lê Niệm đều được trọng dụng, cùng làm quan với những công thần khai quốc như Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Lê Lăng… Ông có nhiều đóng góp về mặt đối nội, được đánh dấu bằng việc dẹp loạn Nghi Dân năm 1460. Ông cũng có những đóng góp đáng kể về quân sự và đối ngoại cũng như trong quá trình kiến thiết đất nước.

Ninh Địch (1687 – 1734) – Một kỳ tài Ninh Bình

Ông quê ở xã Ninh Xá, huyện Vọng Danh (nay là huyện Ý Yên, Nam Định). Ông là một người có chí khí, có tài năng, được coi là “Thực trượng phu thế gian, thực toàn tài đạo học”. Người đời còn coi ông là một kỳ tài của quê hương Ninh Bình.

Ninh Tốn (1713 – 1790)

Ninh Tốn sinh năm 1713, vào đầu thời vua Lê Hiển Tông. Quê ông là xã Côi Trì, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Ông vốn là người không màng công danh lợi lộc, thích cuộc sống trong sạch, thanh tao. Ông từng trải qua nhiều chức vụ, đã làm đến chức Hàn lâm trực học sĩ, Binh Bộ thượng thư tước Hầu. Điều đó cho thấy Ninh Tốn là một khả năng toàn diện, tài kiêm văn võ. Ông có nhiều công lao và đóng góp cho triều đình và đất nước.

Lê Khắc Hài (1725 – 1814)

Lê Khắc Hài người làng An Thái, xã Quảng Phúc, huyện Yên Mô, trấn Thanh Hoa, nay là thôn Quảng Phúc, xã Yên Phong, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.

Là người thông minh học giỏi, ông sớm bộc lộ tài năng và tư chất; lại là người tính tình ngay thẳng, luôn giúp đỡ mọi người, không màng lợi ích cá nhân, được nhân dân yêu mến và ghi công, ghi đức.

Vũ Đình Huấn (1730 – 1801)

Ông sinh năm 1730 ở ấp Trường An, phường Phúc Lan, xã Quả Sơn, huyện Phù Cát (Bình Định). Ông tham gia cuộc khởi nghĩa Tây Sơn từ rất sớm và đã lập nhiều chiến công. Ông đã nêu một tấm gương sáng về lòng “Trung quân ái quốc”.

Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858)

Ông người làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Nhưng cuộc đời ông lại có một thời gian gắn bó với đất Ninh Bình khi ông làm Dinh Điền sứ ở vùng đất Kim Sơn ngày nay. Ông sinh ngày 1/11 năm Mậu Tuất.

Ông đã trải qua nhiều chức vụ ngay trên đất Ninh Bình và có công khai khẩn vùng đất Kim Sơn, mở mang sản xuất nông nghiệp. Ông còn là một viên tướng có nhiều tài thao lược. Với Ninh Bình nói chung, Kim Sơn nói riêng Nguyễn Công Trứ là một người có nhiều đóng góp to lớn và tình cảm sâu xa.

Phạm Văn Nghị (1805 – 1881)

Phạm Văn Nghị quê ở xã Tam Đăng, tổng An Trung huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng (nay là thôn Tam Quang, xã Yên Thắng, huyện Ý Yên). Ông sinh ngày 22/12/1805 (mùng 4 tháng 11 năm ất Sửu).

Ông là hậu duệ đời thứ 15 của dòng họ Phạm Hoàng Xá – Đại An mà ông tổ là Phạm Đạo Soạn đã về Ninh Bình lập nghiệp từ thời đầu Lê sơ. Thừa hưởng được truyền thống tổ tiên và nhờ ý chí kiên trì tu thân rèn luyện, Phạm Văn Nghị đỗ cử nhân năm 1837, Hoàng giáp năm 1838. Ông học được không chỉ nhờ sự tự thân rèn luyện, miệt mài đọc sách, nghiền ngẫm tư duy, mà còn nhờ sự kết thân bè bạn, trao đổi học tập và đọc sách với các danh sĩ ở Ninh Bình như cư sĩ Phạm Đức Diệu, người làng Nộn Khê; tú tài Vũ Duy Thanh, người thôn Vân Bồng, huyện Yên Khánh và Vũ Phạm Khải, người làng Thiên Trì, nay là thôn Phượng Trì, xã Yên Mạc, huyện Yên Mô.

Ra làm quan, ông từng làm tri phủ Lý Nhân (Khi đó là cả tỉnh Hà Nam ngày nay), tu soạn Viện Hàn lâm, biên tu quốc sử quan, đốc học Nam Định… Nhưng cuộc đời của ông, sự nghiệp của ông không phải chỉ làm quan. Điều cao quý, đáng trân trọng là ông biết lo cho dân, cho nước, coi nhẹ vinh quang, bổng lộc. Ông đã đứng ra xin cho dân Ninh Bình, Nam Định khai phá bờ biển Đại An, lập trại Sĩ Lâm, lo cứu đói cho dân, mua ruộng nghĩa điền cho dân nghèo cày cấy, lập kho nghĩa thương giúp dân khi đói kém… Ông còn tổ chức một đội quân nghĩa dũng chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược. Phạm Văn Nghị còn để lại cho đời những vần thơ yêu nước và nhiều văn thân, sĩ phu yêu nước từng là học trò của ông.

Vũ Phạm Khải (1808 – ?)

Vũ Phạm Khải là một nhà sử học, một nhà thơ, nhà văn, một nhà chính trị và có tài năng trên nhiều lĩnh vực. Ông mang tâm hồn và chí hướng của một sĩ phu yêu nước. Ông đã làm quan trải qua ba triều Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức và luôn giữ trọn tấm lòng vì vua, vì nước.

Vũ Duy Thanh (1807 – 1861)

Vũ Duy Thanh là nhà thơ, nhà cải cách, một bậc thức giả uyên bác… ông sống bình dị, gần gũi nhân dân. Vũ Duy Thanh là người đã từng đề xuất trong bài thi của kỳ thi Đình đạo làm vua phải thực hiện 4 điều: Lấy kinh thời trước hết; Lấy yên dân làm trọng; Lấy kinh điển làm gốc; Lấy người hiền tài để giúp dân. Ông cũng là người luôn sống vì sự bình yên của nhân dân.

Nguyễn Tử Mẫn (1810 – 1901)

Ông sinh năm 1810 ở thôn Đống Cao, xã Giá Hộ, tổng Kỳ Vĩ, nay là làng Thư Điền, xã Ninh Nhất, huyện Hoa Lư. Nguyễn Tử Mẫn là một người rất am hiểu về địa lý Ninh Bình. Những tác phẩm của ông có nhiều giá trị gắn bó với quê hương và là những tài liệu quý về vùng đất Ninh Bình xưa. Ông được coi là nhà địa lý của Ninh Bình.

Nguyễn Văn Giản (1822 – 1892)

Ông sinh năm 1822 ở thôn Năm, xã Phùng Thiện, tổng Bồng Hải, huyện Yên Khánh (nay là thôn Năm, xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh). Nguyễn Văn Giản là người sống bình dị, thương người và thẳng thắn. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, ông đã chỉ huy một đội quân chiến đấu quyết liệt với địch và giành nhiều chiến công trên đất Ninh Bình.

Phạm Thận Duật (1825 – 1885)

Ông sinh ngày 24/6 năm Ất Dậu (4/11/1825) tại làng Yên Mô Thượng, nay là Yên Mô Thượng, xã Yên Mạc, huyện Yên Mô. Cuộc đời của Phạm Thận Duật luôn cúc cung tận tuỵ vì sự nghiệp giúp nước cứu dân, có nhiều đóng góp trong cuộc chiến đấu chống xâm lược của nhân dân, được người đời tôn vinh và ghi nhớ công lao.

Á Nguyên, Ngự sử Phạm Đan Quế (1836 – 1876)

Phạm Đan Quế sinh năm Bính Thân, tại thôn Nhất, xã Bồng Hải, nay là thôn Hiếu Thiện, xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình.

Ông là người có tài, đức ngay từ khi còn nhỏ. Khi ấy đất Bồng Hải đã là đất văn học với cái tên Bồng Châu văn hiến. Trong môi trường văn hoá đó, Phạm Đan Quế được hưởng thụ những tinh hoa của nền học vấn và nhanh chóng trưởng thành nên khoa thi năm Mậu Ngọ đời Tự Đức thứ 11 (1858) ông đỗ á Nguyên. Đầu năm 1863 ông được lệnh điều về giữ chức Binh bộ Viên Hoa ngoại lang tỉnh Ninh Bình. Ông còn được tiến cử giữ chức Ngự sử kiêm Hành tẩu bộ lễ và thường được vua Tự Đức hỏi ý kiến. Cuộc đời Phạm Đan Quế gắn liền với nhiều sự kiện trọng đại.

Tán Tương quân vụ Nguyễn Tử Tương (1844 – 1898)

Nguyễn Tử Tương còn gọi là Bang Tương, ông là con người hiếu thảo, ông được triều đình nhà Nguyễn ban cho 2 chữ “Thuận Tôn” (tức cháu hiếu thảo). Về sau do có tài văn chương ông được triều đình nhà Nguyễn mời ra làm quan. Ông còn là nghĩa sĩ Cần Vương yêu nước, chiêu tập nghĩa binh tham gia khởi nghĩa.

Đinh Văn Điền – Một giáo dân yêu nước

Không rõ ông quê ở làng, xã nào, chỉ biết ở huyện Yên Mô. Cũng không rõ ông sinh và mất năm nào, chỉ biết ông sống và hoạt động vào đời vua Tự Đức và theo đạo Thiên chúa.

Tháng 11/1868, Đinh Văn Điền làm sớ mật gửi lên vua Tự Đức đề nghị một số việc cần phải được tiến hành để chống lại quân xâm lược Pháp có kết quả. Những đề nghị đó gồm: đặt Nha Doanh điền, lập Ty Bình Chuẩn ở các nơi để lưu thông hàng hoá; xúc tiến việc khai vàng; đóng tàu thuỷ; nhờ người phương Tây và người Anh giúp chống Pháp; cho tự do dạy và học binh thư, binh pháp; bớt việc làm và tăng lương cho binh sĩ để họ tập trung vào việc luyện tập; binh sĩ có chiến công phải được thưởng một cách xứng đáng; thương binh phải được cấp tiền nuôi dưỡng suốt đời; con cháu các tử sĩ phải được xét dùng.

Lương Văn Thăng (1865-1940)

Lương Văn Thăng sinh năm 1865 trong một gia đình Nho học ở làng Lũ Phong, xã Quỳnh Lưu (Nho Quan). Thân sinh ông là cụ Lương Văn Nhưng, một nhà nho có tinh thần yêu nước và học vấn rộng. Cụ bà là một nông dân cần cù, tháng ngày chăm chỉ nơi đồng ruộng.

Ngay từ ngày còn thơ ấu, cậu bé Lương Văn Thăng đã tỏ ra thông minh, nhanh nhẹn, tính tình hoà nhã, được gia đình yêu mến và lo cho ăn học. Lớn lên, anh được gia đình cho  ra thành phố Nam Định theo học một cụ cử là người yêu nước, trọng đạo lý. Được thầy yêu, bạn mến, Lương Văn Thăng học rất nhanh tiến bộ. Anh theo học chữ Nho là chính, nhưng cũng theo học chữ quốc ngữ và chẳng bao lâu đã thành thạo.

Do có học vấn, Lương Văn Thăng sớm nhận thấy những bất công  trong xã hội, sự đối lập giữa cảnh lầm than, cực khổ của nhân dân với cuộc sống xa hoa, phù phiếm của bọn đế quốc, phong kiến. Cho nên sau khi đỗ tú tài, Lương Văn Thăng không đi làm cho bọn đế quốc phong kiến mà trở về nhà dạy học và làm thuốc. Sống với bà con làng xóm, Lương Văn Thăng rất thông cảm với nhân dân lao động. Anh luôn giúp đỡ họ khi đau yếu và tận tuỵ dạy dỗ học trò. Trái lại, đối với bọn quan lại sâu mọt, đục khoét nhân dân, anh rất khinh bỉ và căm ghét.

Tuổi tác càng cao, với đức độ và học vấn uyên thâm, uy tín của Lương Văn Thăng càng lan rộng. Kính trọng ông, nhân dân quanh vùng thường gọi là “cụ Tú làng Quỳnh”, ai cũng muốn cho con, em đến học.

Đinh Tất Miễn – người bí thư đầu tiên của đảng bộ Đảng cộng sản Đông dương tỉnh Ninh Bình

Đinh Tất Miễn (1891-1939), sinh ra trong một gia đình nông dân ở xóm Lầu, làng Sầy, nay thuộc xã Sơn Thành, huyện Nho Quan.

Thuở nhỏ Đinh Tất Miễn rất hiếu học, đã từng cùng với anh trai của mình là ông đồ Lộc sang tận Hà Nam theo học Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến. Cùng với việc học chữ Hán, ông còn học làm thuốc, học làm người có ích cho quần chúng lao khổ từ chính Lương Văn Thăng- cụ Tú Thăng người anh rể trong gia đình. Đinh Tất Miễn có đủ trí lực và điều kiện tiếp thu một cách nhanh nhạy luồng tư tưởng mới đương thời. ông gia nhập tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội (VNTNCMĐCH) đầu tiên ở Ninh Bình.

Ngày 24/6/1929, chi bộ VNTNCMĐCH ở Lũ Phong chuyển sang thành chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng do Lương Văn Thăng làm Bí thư, Đinh Tất Miễn cũng được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng và sinh hoạt tại chi bộ “gốc” – chi bộ Lũ Phong. Sau đó Đinh Tất Miễn được chi bộ Lũ Phong phân công về xây dựng cơ sở Đảng ở làng Sầy. Bằng uy tín và có cách vận động anh em quần chúng một cách khôn khéo, Đinh Tất Miễn đã gây dựng nên một hệ thống cơ sở vững chắc từ chính ngôi nhà của mình, nơi tuyên truyền tư tưởng cộng sản cho quần chúng lao khổ. Ngày 15-8-1930, chi bộ Đảng đầu tiên của làng Sầy được thành lập dưới sự chỉ đạo của Đinh Tất Miễn. Để việc hoạt động cách mạng được thuận lợi, ông đã thôi nghề dạy học mà chuyển sang làm thầy lang kê đơn bốc thuốc. Khi đi chữa bệnh cho dân, ông thường bỏ truyền đơn lẫn vào trong thuốc nhằm tuyên truyền tư tưởng cộng sản cho cả vùng rộng lớn ở Nho Quan.

(Theo Danh nhân đất Ninh Bình – Phạm Đình Nhân)

Tác giả