“Giải cứu” Xi măng Đồng Bành không dễ mà cũng chẳng khó đối với The Vissai

Cập nhật: 11/12/2013

Câu trả lời chính thức cho tương lai của Xi măng Đồng Bành vẫn còn ở phía trước, bởi nếu được chấp thuận, doanh nghiệp tiên phong gánh nợ cho dự án này còn hàng núi việc phải xử lý.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận phương án chuyển nhượng cổ phần của Tổng công ty Cơ khí xây dựng (Coma) tại Công ty cổ phần Xi măng Đồng Bành (Lạng Sơn) cho Công ty TNHH Tập đoàn Hoàng Phát Vissai (The Vissai – Ninh Bình).

ximangCamdongbanh

Cụ thể, Bộ Xây dựng đề nghị cho phép Coma được chuyển nhượng hơn 17,114 triệu cổ phần (tương đương hơn 171,14 tỷ đồng theo mệnh giá) tại Xi măng Đồng Bành, đồng thời đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận để The Vissai thay Coma thực hiện nghĩa vụ trả nợ đối với khoản vay do Bộ Tài chính bảo lãnh theo hợp đồng tín dụng được ký giữa Công ty cổ phần Xi măng Đồng Bành và Ngân hàng ANZ, trị giá gần 3,4 triệu USD.

Nếu đề xuất trên được Chính phủ chấp thuận, thì Xi măng Đồng Bành – dự án đang ngập trong khoản nợ vay đầu tư xấp xỉ 1.300 tỷ đồng – có thêm cơ hội được giải cứu. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Hoàng Mạnh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn The Vissai chia sẻ, nếu mọi việc diễn ra thuận chiều, nghĩa là được sự cho phép từ Chính phủ, thì cũng chưa hẳn mọi sự sẽ “xuôi chèo mát mái”. Điều khiến The Vissai nghi ngại nhất, nếu tiếp quản Xi măng Đồng Bành, là sự phức tạp về tài chính của Dự án.

Nghi ngại của The Vissai là có cơ sở, bởi theo kết quả kiểm tra các dự án xi măng sử dụng vốn vay được Chính phủ bảo lãnh của Bộ Tài chính, ngoài sự yếu kém trong vận hành, sản xuất, khai thác thị trường, trong quá trình đầu tư xây dựng, Xi măng Đồng Bành đã sử dụng hơn 160 triệu đồng trong vốn đầu tư của dự án để cho vay sai mục đích. Điều đáng nói là, việc cho vay sai mục đích này được thực hiện khi Công ty đang thiếu vốn sản xuất – kinh doanh, phải đi vay, thậm chí phải chiếm dụng các nguồn vốn khác để trả nợ khoản vay đầu tư đến hạn.

Đó là chưa kể, khi phê duyệt đầu tư, vốn chủ sở hữu theo phương án tài chính là 301 tỷ đồng, nhưng chủ đầu tư lại huy động thiếu trên 95 tỷ đồng. Ngoài ra, Dự án còn thiếu nguồn cung cấp nguyên liệu chính cho sản xuất xi măng là mỏ đá, khi phải mua đá khai thác bên ngoài với giá cao, không ổn định về chất lượng và nguồn cung cấp.

Những tồn tại trên được đoàn kiểm tra Bộ Tài chính kết luận là do quá trình phê duyệt dự án không sát thực tế, sử dụng vốn đầu tư sai mục đích và trách nhiệm của những sai phạm này thuộc về Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Đồng Bành giai đoạn 2008-2011 và Coma với tư cách là đơn vị có cổ phần chi phối và vay vốn.

Là một trong những nhà sản xuất xi măng lớn, sở hữu 5 nhà máy xi măng, tổng công suất 6 triệu tấn/năm, The Vissai được xem là nhà đầu tư có tiềm lực, có thị trường tiêu thụ ổn định cả trong nước, lẫn xuất khẩu. Nhưng việc huy động số vốn lên tới trên 171 tỷ đồng trong bối cảnh sức mua trên thị trường xi măng giảm thấp như hiện nay cũng là một thách thức thức lớn. Đại diện Tập đoàn cũng thừa nhận điều này và cho biết: “The Vissai sẽ có những phương án tối ưu, huy động vốn từ nhiều nguồn để xử lý vấn đề này đạt hiệu quả nhất”.
Trước đó, với tin The Vissai có ý định sở hữu hơn 17,114 triệu cổ phần tại Xi măng Đồng Bành và nhận trả nợ khoản vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh, đại diện Ngân hàng ANZ (ngân hàng cho Đồng Bành vay vốn) đã trực tiếp làm việc với Tập đoàn, với mong muốn “đẩy nhanh quá trình tiếp nhận Xi măng Đồng Bành”.

Nằm trong top 5 dự án đặc biệt khó khăn của ngành xi măng, hoạt động không hiệu quả, không có khả năng trả nợ, Xi măng Đồng Bành đã được đưa vào diện phải thực hiện tái cấu trúc khẩn cấp. Với tình trạng này, việc The Vissai bày tỏ ý định sở hữu một phần Xi măng Đồng Bành, cũng như gánh nợ thay chủ cũ là Coma được Hiệp hội Xi măng nhận định là hành động dũng cảm.

Về phía Công ty cổ phần Xi măng Đồng Bành, ông Vũ Văn Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty cho hay, hơn lúc nào hết, Công ty rất mong chờ được The Vissai giải cứu, đứng ra trả nợ thay, cũng như tiếp vốn để sản xuất, lo đầu ra cho sản phẩm. BĐT

Tác giả