Đây là hội nghị thường kỳ cuối cùng của năm 2021, có nhiệm vụ quan trọng là thảo luận, cho ý kiến về các báo cáo, tờ trình về kinh tế – xã hội, tài chính – ngân sách, đầu tư công của thành phố. Các nội dung này cũng sẽ được quyết nghị tại Kỳ họp thứ 3, HĐND Thành phố diễn ra vào tuần tới, để làm căn cứ thực hiện trong năm 2022.
Theo chương trình, Hội nghị sẽ xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của Thành ủy về “Phát triển Công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là nghị quyết chuyên đề rất kịp thời khi được xây dựng ngay sau khi diễn ra Hội nghị văn hóa toàn quốc; đồng thời cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố.
Hội nghị sẽ xem xét, thảo luận và cho ý kiến về Kế hoạch công tác kiểm tra, giám sát năm 2022 của Thành ủy và dự thảo 2 chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy, gồm: Chỉ thị về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, quản lý trật tự đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo” và Chỉ thị về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quản lý đất đai và khai thác khoáng sản trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021- 2025 và những năm tiếp theo”.
Toàn cảnh Hội nghị
Chú trọng đề xuất các giải pháp mang tính bền vững
Phát biểu khai mạc, về một số vấn đề tình hình kinh tế xã hội, tài chính ngân sách, đầu tư công năm 2021, 2022 và kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm 2022-2024 của Thành phố, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị hội nghị tập trung phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước và đầu tư công năm 2021 của Thành phố, gắn với công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Phân tích, dự báo và lượng hóa đầy đủ các yếu tố tác động và ảnh hưởng đến Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và Kế hoạch đầu tư công năm 2022 của Thành phố, nhất là đánh giá kỹ lưỡng sự tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Trên cơ sở đó, thống nhất các chỉ tiêu, mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế xã hội, tài chính ngân sách và đầu tư công, đảm bảo sát với thực tiễn, có tính đột phá, tính hiệu quả, tính khoa học và tính khả thi cao.
“Cần đặc biệt chú trọng các giải pháp về phát triển kinh tế xã hội phải đi đôi với các giải pháp về phát triển bền vững nền giáo dục, y tế, văn hóa, lịch sử và con người Hà Nội; phát triển kinh tế phải gắn liền với bảo vệ môi trường và tiến bộ, công bằng xã hội”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Kế hoạch đầu tư công năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 cần được thảo luận kỹ trên nguyên tắc ưu tiên bố trí vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi các khoản ứng trước, vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài; các dự án chuyển tiếp, các dự án, công trình trọng tâm, trọng điểm, các dự án dân sinh bức xúc (nước sạch, chất thải, ô nhiễm môi trường…) và các dự án có khả năng hấp thụ vốn cao, dự án có khả năng giải ngân vốn tốt. Đặc biệt là dành nguồn vốn đáng kể để nâng cấp, xây dựng các trường học công lập của Thành phố đạt chuẩn Quốc gia. Đầu tư xây dựng, nâng cấp các Bệnh viện, cơ sở y tế của Thành phố để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe cho người dân, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu về số gường bệnh/1 vạn dân của TP theo kế hoạch đề ra. Quan tâm đầu tư thiết chế văn hóa, xây dựng, tu bổ, tôn tạo các công trình di tích, lịch sử văn hóa để khơi dậy tinh thần yêu nước, phát huy giá trị ngàn năm văn hiến, anh hùng của Thủ đô Hà Nội. Đồng thời cần có gói hỗ trợ từ nguồn vốn đầu tư công của Thành phố cho các địa phương còn khó khăn để đảm bảo sự phát triển đồng đều giữa các địa phương trên địa bàn Thành phố.
Đối với dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm 2022-2024, Bí thư Thành ủy yêu cầu các đại biểu tập trung phân tích, thảo luận, đánh giá kỹ các yếu tố tác động nhất là tác động của đại dịch Covid-19. Khả năng phục hồi kinh tế của Thành phố tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn. Tỷ lệ điều tiết các khoản thu ngân sách nhà nước năm 2022 Thành phố được hưởng (32%) và khả năng khai thác các nguồn lực của Thành phố, để xây dựng dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2022 và Kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm 2022-2024 sát thực tiễn, có tính khả thi cao, tính bền vững và đảm bảo nguyên tắc cân đối thu, chi ngân sách nhà nước.
Dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách năm 2022 cần bám sát định hướng, nguyên tắc theo Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao cho Thành phố và mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng của Thành phố tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII và kế hoạch tài chính ngân sách 5 năm giai đoạn 2021-2025 của Thành phố đã được thông qua. Cần tiếp tục ưu tiên nguồn lực ngân sách nhà nước cho công tác phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả và hỗ trợ khôi phục phát triển kinh tế sau đại dịch Covid 19, và thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đã ban hành, nhất là các chế độ chi cho công tác an sinh xã hội của Thành phố.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị
Phân bổ ngân sách nhà nước hiệu quả, công bằng, hợp lý
Về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách; định mức phân bổ ngân sách và tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách của Thành phố năm 2022, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho rằng, việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, định mức phân bổ ngân sách nhà nước và quy định tỷ lệ điều tiết giữa các cấp ngân sách của Thành phố cần đảm bảo tính hiệu quả, công bằng, hợp lý giữa các quận/huyện/thị xã và cũng cần tạo thêm nguồn lực cần thiết để các huyện sớm phát triển lên quận theo kế hoạch đề ra; hỗ trợ khó khăn cho một số huyện, thị xã có thêm nguồn lực để khơi thông và phát triển kinh tế.
Bí thư Thành ủy đề nghị các Ủy viên Ban chấp hành đảng bộ Thành phố tập trung thảo luận kỹ lưỡng, cho ý kiến cụ thể về nội dung phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi các cấp ngân sách, tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách của Thành phố. Định mức phân bổ chi ngân sách Thành phố giai đoạn 2022, đảm bảo tính hợp lý và hiệu quả khi tổ chức triển khai thực hiện.
Nhấn mạnh báo cáo tổng quyết toán ngân sách TP. Hà Nội năm 2020 là nhiệm vụ thường xuyên hàng năm của Thành phố, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị các đại biểu thảo luận, cho ý kiến về các nội dung và số liệu cụ thể nêu trong Báo cáo trên cơ sở kết quả thu, chi ngân sách nhà nước thực tế năm 2020 của Thành phố.
Về dự thảo Nghị quyết chuyên đề của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, nhằm khơi dậy, khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa vô cùng to lớn của Thủ đô Hà Nội, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố và Chương trình công tác số 6 ngày 17.3.2021 của Thành ủy Hà Nội về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025.
Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đã giao Ban cán sự Đảng UBND Thành phố chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Dự thảo Nghị quyết đã được tổng hợp từ thực tiễn về công tác phát triển văn hóa trong thời gian qua; tham khảo kinh nghiệm các quốc gia trong khu vực và tham vấn của tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc tại Hà Nội, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, cùng nhiều ý kiến tham gia của các cơ quan, đơn vị liên quan.
Dự thảo Nghị quyết đã đưa ra quan điểm, mục tiêu, định hướng của Thành phố về phát triển công nghiệp văn hóa, cùng với 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, với 42 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.
Bí thư Thành ủy cho biết, đây là Nghị quyết chuyên đề riêng của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa và cũng là 1 trong 2 Nghị quyết chuyên đề theo chương trình công tác toàn khóa XVII của Thành ủy. Điều đó cho thấy vị trí, vai trò và tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội.
Đồng thời, đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, tham gia đóng góp tích cực vào toàn văn Dự thảo Nghị quyết, đặc biệt cần bàn kỹ, bàn sâu các nhiệm vụ, giải pháp vừa mang tính đột phá, vừa mang tính căn cơ, lâu dài để có thể khơi dậy, bảo tồn và phát huy tối đa giá trị lịch sử, văn hóa ngàn năm văn hiến, anh hùng của Thủ đô Hà Nội, đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội.
Tạo chuyển biến căn bản trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng
Về dự thảo 2 Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của đảng đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, công tác quản lý đô thị, trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố và công tác quản lý đất đai và khai thác khoáng sản trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho rằng, có thể nói trong thời gian qua, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị, trật tự xây dựng đô thị và công tác quản lý đất đai, khai thác khoáng sản trên địa bàn Thành phố có nhiều chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên đã bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém như tiến độ triển khai các nhiệm vụ quy hoạch còn chậm, chất lượng các đồ án quy hoạch chưa cao, thường xuyên phải điều chỉnh. Công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng còn nhiều hạn chế, yếu kém, phát sinh nhiều vụ việc vi phạm. Nhiều dự án về đất đai chậm triển khai, chậm đưa vào sử dụng, gây lãng phí nguồn lực đất đai của Nhà nước. Vẫn còn tình trạng buông lỏng quản lý làm phát sinh các vụ việc vi phạm lớn về quản lý đất đai, về đấu giá quyền sử dụng đất. Các vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai vẫn chiếm phần lớn các vụ việc, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của Thành phố. Tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông, khai thác đất làm vật liệu xây dựng trái phép vẫn phát sinh rất phức tạp, chưa được ngăn chặn và xử lý kịp thời, gây mất an ninh trật tự và bức xúc cho nhân dân.
“Những tồn tại, hạn chế và yếu kém nêu trên do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Sự thiếu lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy và sự buông lỏng quản lý của chính quyền các địa phương, cùng sự thiếu trách nhiệm và sự hạn chế về năng lực, trình độ của 1 bộ phận cán bộ là những nguyên chính dẫn đến những khuyết điểm, yếu kém như đã nêu”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Để khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém, tạo sự chuyển biến căn bản trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, đất đai và khoáng sản; Ban Thường vụ Thành ủy đã giao Ban Cán sự Đảng UBND xây dựng 2 Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy nhằm tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đối với 2 lĩnh vực rất quan trọng này.
Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu tập trung, thảo luận, bàn kỹ các nội dung của dự thảo Chỉ thị, đặc biệt là các tồn tại, hạn chế và các giải pháp, biện pháp để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị, trật tự xây dựng, đất đai, khoáng sản. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác quản lý. Nâng cao ý thức, trách nhiệm cán bộ, công chức, đổi mới lề lối làm việc. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý; quy định rõ trách nhiệm cấp ủy, người đứng đầu các cấp nếu để xảy ra vi phạm, sai phạm trên địa bàn, trong lĩnh vực được phân công phụ trách… để thực sự công tác quản lý đối với 2 lĩnh vực này của thành phố đi vào nề nếp và có chuyển biến mạnh trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Về dự thảo Kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2022 của Thành ủy, đây là công việc thường xuyên hàng năm của Thành ủy, là nội dung rất quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng của Thành phố.
Trên cơ sở tham mưu, đề xuất của Ủy ban kiểm tra Thành ủy, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đã họp và thống nhất trình Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố xem xét, cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2022 của Thành ủy Hà Nội với 2 cuộc kiểm tra và 1 cuộc giám sát chuyên, đây là những vấn đề rất bức thiết trong giai đoạn hiện nay. Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu cho ý kiến cụ thể về số lượng, về nội dung các cuộc kiểm tra, giám sát năm 2022 của Thành ủy Hà Nội.
Ngay sau đó, các ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội khóa XVII đã tiến hành thảo luận tại tổ về các báo cáo, tờ trình kinh tế – xã hội, tài chính – ngân sách, đầu tư công của thành phố; Dự thảo Nghị quyết về “Phát triển Công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Kế hoạch công tác kiểm tra, giám sát năm 2022 của Thành ủy; Dự thảo 2 Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, quản lý trật tự đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo” và về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quản lý đất đai và khai thác khoáng sản trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021- 2025 và những năm tiếp theo”.
Phòng Marketing tổng hợp (trích nguồn https://daibieunhandan.vn/)