Cố đô Hoa lư ngàn năm lịch sử

Cập nhật: 03/12/2013

CỐ ĐÔ HOA LƯ

Hoa Lư là kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền ở Việt Nam. Kinh đô này tồn tại 42 năm (từ 968 đến 1010), gắn với sự nghiệp của ba triều đại liên tiếp là nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý với các dấu ấn lịch sử: thống nhất giang sơn, chống giặc ngoại xâm và phát tích thủ đô Hà Nội. Năm 1010 vua Lý Thái Tổ dời kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long (Hà Nội), Hoa Lư trở thành Cố đô. Các triều vua Lý, Trần, Lê, Nguyễn sau đó dù đóng đô ở Thăng Long và Huế nhưng vẫn cho tu bổ và xây dựng thêm ở đây nhiều công trình kiến trúc như đền, lăng, đình, chùa, phủ… Khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư hiện nay có diện tích tự nhiên 13,87 Km2 thuộc địa bàn tỉnh Ninh Bình. Trải qua thời gian hơn 1000 năm, Cố đô Hoa Lư vẫn hiện hữu với quần các di tích kiến trúc độc đáo có giá trị đặc biệt ở Việt Nam. Khi cả nước đang chuẩn bị chào đón đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, đất Hoa Lư rêu phong, cổ kính trầm mặc bỗng nhộn nhịp hơn cùng cả nước góp phần tô điểm thêm hùng khí non sông mừng thủ đô 1000 tuổi

3 TRIỀU ĐẠI – 6 VỊ VUA Ở HOA LƯ

Đinh Tiên Hoàng là vị vua sáng lập triều đại nhà Đinh, nhà nước Đại Cồ Việt trong lịch sử Việt Nam. Ông là người có công đánh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn và trở thành hoàng đế đầu tiên của Việt Nam sau 1000 năm Bắc thuộc. Đinh Tiên Hoàng là vị hoàng đế đặt nền móng sáng lập nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam, vì thế mà ông được gọi là người mở nền chính thống cho các triều đại phong kiến trong lịch sử.

Đinh Đế Toàn sinh năm Giáp Tuất 974. Đinh Bộ Lĩnh có ba con trai: Đinh Liễn, Đinh Toàn và Ðinh Hạng Lang. Vì Đinh Bộ Lĩnh lập Hạng Lang làm Thái tử nên con cả Đinh Liễn tức giận đã giết chết Hạng Lang. Năm 979, Đinh Bộ Lĩnh và Đinh Liễn bị giết hại, Đinh Toàn lên ngôi khi mới 6 tuổi. Năm 980, vua Tống bên Trung Quốc nghe tin Đinh Tiên Hoàng mất, cử binh sang đánh Đại Cồ Việt. Thái hậu Dương Vân Nga cùng triều đình tôn Lê Hoàn lên làm vua, lập nên nhà Tiền Lê. Với hai trận lớn Bạch Đằng và Chi Lăng, Lê Hoàn đánh bại quân Tống. Đinh Toàn trở thành vệ vương trong triều đình và hy sinh năm 27 tuổi tại chiến trường.

Lê Đại Hành là vị vua trị vì từ 980 đến 1005. Trong lịch sử Việt Nam, Lê Hoàn không chỉ là một vị hoàng đế có những đóng góp lớn trong chống quân Tống phương Bắc, quân Chiêm phương Nam, giữ gìn và củng cố nền độc lập dân tộc mà còn có nhiều công lao trong sự nghiệp ngoại giao, xây dựng và kiến tạo đất nước Đại Cồ Việt. Lê Hoàn cũng là người tạo tiền đề, điều kiện để thời gian sau đó Lý Công Uẩn có đủ khả năng dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long năm 1010, thủ đô hiện tại của Việt Nam. Xung quanh vị Hoàng đế này còn nhiều điều chưa được sáng tỏ như vấn đề thân thế, sự nghiệp và thụy hiệu.

Lê Trung Tông tên húy là Lê Long Việt, sinh năm Quý Mùi 983 tại Hoa Lư, con trai của Lê Đại Hành, mẹ là Chi hậu Diệu Nữ. Vua Lê Đại Hành có hơn 10 hoàng tử, sau khi con trưởng là thái tử Long Thâu mất, Long Việt được lập làm Thái tử. Năm 1005, Lê Đại Hành mất, các hoàng tử tranh ngôi, đánh nhau 8 tháng, trong nước không có chủ. Tranh chấp chính xảy ra giữa thái tử Long Việt và hoàng tử thứ hai Long Ngân là người lớn nhất trong số các anh em còn lại. Tháng 10 năm 1005, Long Ngân thua chạy đến châu Thạch Hà (Hà Tĩnh) thì bị người bản địa giết chết. Long Việt lên ngôi làm vua, tức là Lê Trung Tông. Trong nước vẫn chưa yên ổn hẳn. Theo Dã sử, 3 ngày sau Trung Tông bị em cùng mẹ là Lê Long Đĩnh sai người trèo tường lẻn vào cung hãm hại, thọ 22 tuổi.

Lê Long Đĩnh là vị vua cuối cùng của nhà Tiền Lê, trị vì 4 năm từ 1005 đến 1009. Cái chết của ông ở tuổi 24 dẫn đến việc chấm dứt nhà Tiền Lê, quyền lực rơi vào tay nhà Lý. Trong sử sách, ông vua này hầu như luôn được nhắc đến như là một kẻ dâm đãng, tàn bạo và độc ác. Gần đây xuất hiện các ý kiến cho rằng Lê Long Đĩnh là ông vua bị bôi nhọ và “đóng đinh” trong lịch sử

Lý Công Uẩn là người Bắc Ninh. Mẹ là Phạm Thị. Khi lên ba tuổi, mẹ ông đem ông cho sư Lý Khánh Văn, trụ trì chùa Cổ Pháp làm con nuôi và được đặt tên là Lý Công Uẩn. Lý Công Uẩn đi tu từ đó. Lớn lên, với sự bảo hộ của sư Lý Vạn Hạnh, ông vào kinh đô Hoa Lư làm quan nhà Tiền Lê, thăng đến chức Tả thân vệ Điện tiền Chỉ huy sứ. Là người khoan thứ nhân từ, có lượng đế vương, ham sùng đạo phật. Năm 1009, khi vua Lê Long Đĩnh bị giết, ông 35 tuổi. Lực lượng của Đào Cam Mộc cùng với sư Vạn Hạnh liền tôn ông lên làm vua. Một năm sau, Lý Công Uẩn thấy Hoa Lư chật hẹp bèn rời đô về Đại La, lấy cớ rồng bay lên vua cải Đại La thành Thăng Long (rồng bay), Hoa Lư thành Tràng An (muôn đời bình yên)

CÁC DI TÍCH HOA LƯ

Vùng bảo vệ đặc biệt có diện tích 300 ha gồm:
Toàn bộ khu vực thành Hoa Lư gồm thành Nội và thành Ngoại.
Các di tích lịch sử: đền vua Đinh, đền vua Lê, lăng vua Đinh, lăng vua Lê, đền thờ Công chúa Phất Kim, chùa Nhất Trụ, bia Câu Dền, chùa Ngần, hang Bim, các đoạn tường thành, nền cung điện nằm dưới lòng đất, núi Mã Yên, núi Phi Vân, núi Cột Cờ, sông Sào Khê, Khu hang động Tràng An.

Hình ảnh

Vùng đệm có diện tích 1087 ha, bao gồm:

Động Am Tiên, hang Quàn, hang Muối, hang Luồn, động Liên Hoa, chùa Bàn Long, chùa Bái Đính, đền Vực Vông toàn thể cảnh quan hai bên sông Sào Khê, khu dân cư các thôn: Yên Hạ, Vàng Ngọc; các di tích liên quan trực tiếp đã được xếp hạng.

NGOÀI DI TÍCH CỐ ĐÔ HOA LƯ LÀ ĐỊA CHỈ DU LỊCH VĂN HÓA DỊP 1000 NĂM, NINH BÌNH CÒN CÓ:
KHU DU LỊCH SINH THÁI HANG ĐỘNG TRÀNG AN

KHU VĂN HÓA TÂM LINH NÚI CHÙA BÁI ĐÍNH

KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÂN LONG

Hình ảnh
KHU DANH THẮNG TAM CỐC – BÍCH ĐỘNG

QUẦN THỂ NHÀ THỜ ĐÁ PHÁT DIỆM

VƯỜN QUỐC GIA CÚC PHƯƠNG

Hình ảnh
ĐỘNG VÂN TRÌNH – SUỐI KHOÁNG KÊNH GÀ

HỒ ĐỒNG CHƯƠNG – HỒ ĐỒNG THÁI – PHÒNG TUYẾN TAM ĐIỆP
Hình ảnh

Tác giả