Ninh Bình: Hiệu quả chính sách thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp
Với chính sách đầu tư thông thoáng, đến nay nhiều dự án đầu tư vào các KCN đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp – dịch vụ, giảm tỷ trọng sản xuất nông nghiệp.
Khu công nghiệp Gián Khẩu. Ảnh: Thế Minh
Trong số 67 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào các KCN, có 36 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp đi vào hoạt động ổn định, đạt được công suất thiết kế, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động, nhất là lao động tại địa phương (như Nhà máy xi măng The Vissai; Nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô Thành Công; Nhà máy may xuất khẩu Nien Hsing; Nhà máy sản xuất gia công giày, dép xuất khẩu ADORA; Nhà máy xi măng Tam Điệp…). Giá trị sản xuất công nghiệp, nộp ngân sách Nhà nước của các doanh nghiệp trong các KCN liên tục tăng lên qua các năm. Năm 2006, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 65,8 tỷ đồng; năm 2007 đạt 574,7 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 7,8 tỷ đồng; năm 2008 giá trị sản xuất công nghiệp đạt 2.268 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 183,3 tỷ đồng; năm 2009 đạt 2.725 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 181,8 tỷ đồng; năm 2010 giá trị sản xuất công nghiệp đạt 3.242 tỷ đồng, chiếm 33,6% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, nộp ngân sách Nhà nước 665 tỷ đồng, chiếm 22% thu ngân sách toàn tỉnh; kim ngạch xuất khẩu đạt 39,6 triệu USD, chiếm 49% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Các doanh nghiệp trong các KCN đã giải quyết việc làm cho 13.450 lao động, trong đó có hơn 80% là lao động địa phương. Thu nhập của lao động trong các KCN ngày càng ổn định, các doanh nghiệp từng bước nâng cao điều kiện làm việc cũng như đời sống cho người lao động như: nơi làm việc thường xuyên được vệ sinh sạch sẽ; phần lớn các doanh nghiệp đều bố trí bữa ăn ca cho công nhân tại bếp ăn tập thể; người lao động được quan tâm, động viên bằng quà, tiền thưởng vào các dịp lễ, Tết.
Nguồn baoninhbinh.org.vn